Hải Dương: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản
Tỉnh Hải Dương luôn quan tâm đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp, nhất là vải thiều Thanh Hà và nông sản.
Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP
Thông tin với phóng viên Báo Công Thương, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết, tỉnh Hải Dương hiện có 8 nhóm nông sản chủ lực và 351 sản phẩm OCOP chất lượng cao. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, cấp mã số vùng trồng, cấp chứng nhận Vietgap, Globalgap, gắn mã truy xuất nguồn gốc, hình thành mô hình chuỗi liên kết.
Một số sản phẩm được xuất khẩu với số lượng lớn, thị trường xuất khẩu được mở rộng sang nhiều nước, nhất là các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… đem lại giá trị kinh tế cao.
Trong đó, về lúa gạo, tỉnh Hải Dương có khoảng 112.000 ha trồng lúa; sản lượng 700.000 tấn/năm; trong đó có khoảng 73% là lúa gạo chất lượng cao. Thu hoạch chính vào vụ hè thu và vụ mùa. Chủ yếu phục vụ tiêu dùng trong tỉnh khoảng 600.000 tấn; phần còn lại cung cấp cho dự trữ quốc gia, tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lân cận và xuất khẩu khoảng 100.000 tấn.
Về các loại rau, củ, tổng diện tích rau mầu của tỉnh luôn duy trì khoảng trên 42.000 ha; tổng sản lượng 800.000 tấn/năm. Trong đó 80% là cây rau, 20% còn lại là cây màu. Về cây ăn quả, tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh hàng năm duy trì trên 22.000 ha, sản lượng khoảng 300.000 tấn/năm.
Riêng đối với cây vải thiều, vải thiều Thanh Hà của Hải Dương là cây đặc sản, chất lượng cao, có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Năm 2007, vải thiều Thanh Hà đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Thời vụ thu hoạch chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 8. Hàng năm cho sản lượng khoảng 55-60.000 tấn.
Hiện nay, vải thiều là 1 trong 8 loại nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương; được sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; chăm sóc theo quy trình Viet GAP, Global GAP; đáp ứng tốt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm…
Về diện tích, toàn tỉnh có 8.850 ha vải; gồm 2.700 ha vải sớm và 6.150 ha vải thiều chính vụ. Trong đó, riêng huyện Thanh Hà có hơn 3.000 ha vải thiều, gồm cả 1.700 ha vải sớm.
Đáng chú ý, về quy trình sản xuất, toàn tỉnh có 52 vùng đã được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, trong đó, 41 vùng VietGAP (Thanh Hà 37 vùng, Chí Linh 2 vùng, Ninh Giang 2 vùng) với tổng diện tích là 500ha; 11 vùng GlobalGAP (Thanh Hà 10 vùng, Chí Linh 1 vùng) với tổng diện tích là 110 ha, sản phẩm tại các vùng này đáp ứng đủ điều kiện để phục vụ xuất khẩu sang các thị trường cao cấp. Các vùng sản xuất còn lại cơ bản đều được sản xuất theo quy trình an toàn.
Về mã số vùng trồng, toàn tỉnh hiện có 198 mã (66 mã xuất Trung Quốc; 38 mã xuất Nhật Bản; 41 mã xuất Mỹ; 45 mã xuất Australia; 8 mã xuất Thái Lan) tương ứng 1.124,85 ha. Trong đó, Thanh Hà có 167 mã (48 mã xuất Trung Quốc; 34 mã xuất Nhật Bản; 38 mã xuất Mỹ; 39 mã xuất Australia; 8 mã xuất Thái Lan), tương ứng 720,85 ha
Về mã cơ sở đóng gói, toàn tỉnh hiện có 21 mã cơ sở đóng gói vải xuất khẩu, tập trung chủ yếu ở Thanh Hà, trong đó có 02 mã xuất Nhật Bản, 01 mã xuất Mỹ, 2 mã xuất Úc, 2 mã xuất New Zeland, 1 mã xuất Thái Lan và 13 mã xuất Trung Quốc.
Vải thiều Thanh Hà được tiêu thụ chủ yếu trong nước và xuất khẩu sang một số thị trường lớn, cao cấp như: Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia, Bỉ, Hà Lan, Séc, Thái Lan, Singapore và một số nước thuộc khu vực Trung Đông, ASEAN.
Trong đó, lượng cung ứng ra tỉnh ngoài (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh khác) bình quân khoảng 20.000 tấn; xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 15.000 tấn.
Xúc tiến thương mại đã tạo hiệu ứng lớn
Ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho hay, Hải Dương có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, khí hậu rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp của Hải Dương phong phú, nhiều chủng loại; chất lượng, sản lượng cao; nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Nhiều vùng nuôi trồng, sản xuất nông nghiệp được phát triển và tổ chức, thực hiện theo hướng chuyên canh, tập trung quy mô lớn. Các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP được triển khai và áp dụng cho nhiều chủng loại cây trồng, vật nuôi. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã có thương hiệu trên thị trường.
Tỉnh Hải Dương thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sát sao trong công tác sản xuất, tiêu thụ nông sản. Tỉnh đã xây dựng chính hỗ trợ theo các Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” là cơ sở để triển khai mạnh các giải pháp giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển sản xuất nông sản trong tỉnh.
Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ được quan tâm; nhiều hình thức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước đối với hàng hóa nông sản được thực hiện thiết thực, hiệu quả.
Hải Dương có lực lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đông đảo. Đây là lực lượng chính để triển khai, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại đối với nông sản của tỉnh, cũng như góp phần và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Trần Văn Hảo nhấn mạnh, trong những năm qua, tỉnh Hải Dương luôn quan tâm đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp. Liên tục trong 3 năm (2021, 2022 và 2023) UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 3 sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng như: Hội nghị Xúc tiến thương mại vải thiều năm 2021 và 2022; Hội nghị Xúc tiến tiệu thụ cà rốt và nông sản với hệ thống Thương vụ và doanh nghiệp nước ngoài năm 2023.
"Các hoạt động xúc tiến thương mại này đã tạo hiệu ứng lớn cả trong nước và quốc tế; với sự kết nối, tham gia của gần 300 nhà nhập khẩu nước ngoài tại 18 quốc gia và khu vực trên thế giới. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu vải thiều Thanh Hà nói riêng, nông sản Hải Dương nói chung trên thị trường trong nước và thế giới; thúc đẩy liên kết, tiêu thụ và mở rộng thị trường xuất khẩu" - ông Trần Văn Hảo nói.
Ngày 9/5/2024, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và UBND huyện Thanh Hà tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản của tỉnh với các Thương vụ Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài năm 2024.
Hội nghị được tổ chức tại Hội trường UBND huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương và tại các điểm cầu trực tuyến của Thương vụ Việt Nam; các doanh nghiệp nhập khẩu tại nước ngoài.
Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, hộ kinh doanh vải thiều của Thanh Hà nói riêng, của tỉnh Hải Dương nói chung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá chất lượng và thương hiệu, kích cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; phát triển thị trường đã có, tìm kiểm, mở rộng thị trường mới, thị trường tiềm năng.
Bên cạnh đó, hội nghị sẽ giúp các đơn vị, doanh nghiệp tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu về thị trường, các quy định về xuất nhập khẩu của thị trường nước ngoài để chủ động trong sản xuất, tiêu thụ vải thiều và nông sản của tỉnh; đồng thời giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh về vải thiều và nông sản của tỉnh Hải Dương, từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững.