Hải Dương: Đề xuất hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng cho 1 cơ sở chăn nuôi phải di dời
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đề xuất hỗ trợ 50% chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ chăn nuôi theo diện tích chuồng trại hiện có cho cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng phải di dời, mức hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng/cơ sở.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hải Dương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có buổi làm việc về một số nội dung tờ trình chuẩn bị cho kỳ họp thứ 27 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về "Quy định khu vực không được phép chăn nuôi thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hải Dương".
Theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức, cá nhân có cơ sở chăn nuôi được xây dựng và hoạt động trước ngày Luật Chăn nuôi có hiệu lực và đang hoạt động tại khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định dự thảo Nghị quyết này được hỗ trợ di dời đến địa điểm mới phù hợp hoặc ngừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề.
Đề xuất hỗ trợ 50% chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ chăn nuôi theo diện tích chuồng trại hiện có cho cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng phải di dời, mức hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng/cơ sở; hỗ trợ 50% chi phí di dời vật nuôi đến địa điểm mới phù hợp, mức hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, tập huấn để chuyển đổi từ chăn nuôi sang các nghề khác, mức hỗ trợ 3 tháng lương cơ bản/người. Nguồn hỗ trợ từ ngân sách 2 cấp tỉnh và huyện.
Kết luận nội dung này, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hải Dương Trịnh Thúy Nga cơ bản nhất trí với bố cục, nội dung của tờ trình. Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát lại các khu vực không được phép chăn nuôi phù hợp với việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Bổ sung trình tự hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi bám sát các quy định của pháp luật...
Theo số liệu báo cáo từ các huyện, thị xã, thành phố và rà soát thực tế tại khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi đề xuất trong dự thảo Nghị quyết, hiện có 510/236.750 hộ chăn nuôi (chiếm 0,21% số hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh). Trong đó có 469 hộ (chiếm 91,96 %) chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nông hộ; có 40 hộ (chiếm 7,84%) chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và 1 hộ (chiếm 0,2%) chăn nuôi trang trại quy mô vừa.
Mặt khác, tổng số gia súc, gia cầm tại khu vực đề xuất không được phép chăn nuôi khoảng 48.000 con, chỉ chiếm 0,27% tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh (khoảng 17,6 triệu con), vì vậy khi Nghị quyết được ban hành sẽ không ảnh hưởng nhiều đến phát triển sản xuất chăn nuôi của tỉnh.
Việc ban hành Nghị quyết nhằm ổn định và phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững. Khắc phục, cải thiện và giải quyết tình trạng gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư và khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn. Thực hiện việc di dời các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định…