Hải Dương: Khẩn trương hoàn thiện Đề án 'Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh'
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu khẩn trương hoàn thiện, phê duyệt điều chỉnh Đề án 'Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030'.
Ngày 14/11, ông Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hải Dương đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo để nghe báo cáo kết quả triển khai một số nhiệm vụ về chuyển đổi số 10 tháng năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ thời gian cuối năm.
Hải Dương đứng thứ 13/63 tỉnh, thành về xếp hạng chuyển đổi số
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Sở TT&TT Hải Dương cho biết, 10 tháng đầu năm 2023, các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp của Hải Dương đã vào cuộc một cách mạnh mẽ trong công cuộc chuyển đổi số của tỉnh.
Kết quả đạt được, tỷ lệ dân số được phủ sóng di động (2G, 3G, 4G) đạt 100%. Thuê bao điện thoại di động sử dụng Smartphone ước đạt 1.535.526 thuê bao, đạt tỷ lệ 79 Smartphone/100 dân.
Nhiều hoạt động của chính quyền đã được thực hiện trên môi trường mạng giúp tiết kiệm được thời gian và kinh phí. Nhiều hệ thống thông tin được kết nối, chia sẻ tạo thuận lợi cho hoạt động của chính quyền các cấp. 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã xây dựng mạng nội bộ (LAN) và kết nối Internet cáp quang; tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức đạt 100%.
Trung tâm dữ liệu tỉnh Hải Dương đang đầu tư nâng cấp bổ sung thiết bị để nâng cao năng lực hoạt động. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được khai thác hiệu quả trong nhiều hoạt động liên quan trực tiếp đến người dân nhất là trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, khám chữa bệnh, lưu trú, an sinh xã hội...Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến tăng 16% từ 76% (năm 2022) lên 90%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tăng 31,4%: từ 56% (năm 2022) lên 87,4%.
Các hoạt động nhằm phát triển kinh tế số cũng từng bước được hình thành và phát huy hiệu quả. Người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ số giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; kỹ năng số cũng dần được cải thiện, dần thay đổi thói quen và hình thành văn hóa số.
Xếp hạng chuyển đổi số tính đến tháng 6/2023, tỉnh Hải Dương đứng thứ 13/63 tỉnh, thành, tăng 1 bậc so với năm 2021; hoạt động chính quyền số xếp thứ 15/63, hoạt động kinh tế số xếp thứ 7/63, hoạt động xã hội số xếp thứ 4/63; xếp hạng hạ tầng số của tỉnh, qua đánh giá sơ bộ đạt 212.93 điểm, xếp hạng 11/63 tỉnh, thành. Đặc biệt, đánh giá về Cổng dịch vụ công trực tuyến, tỉnh Hải Dương là một trong 9 tỉnh, thành đạt mức A, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành trên cả nước.
Các ý kiến tại cuộc họp đã tập trung phân tích, làm rõ những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, vướng mắc như việc chậm ban hành Khung kiến trúc ICT cho đô thị thông minh tỉnh Hải Dương; Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; khó khăn, vướng mắc khi chưa có quy định trong việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Các đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong thời gian tới.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương đã hoàn thiện dự thảo Đề án “Xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” gửi UBND tỉnh để chuẩn bị nội dung báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Ngoài ra, một số nội dung cũng được thảo luận như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng tại các tại các sở, ngành, địa phương; đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nền tảng số, cơ sở dữ liệu phục vụ tốt chuyển đổi số như nền tảng hóa đơn điện tử, nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt, cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội…
Đầu tháng 1/2024, đưa Trung tâm Dữ liệu tỉnh Hải Dương vào sử dụng
Phát biểu kết luận phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hải Dương Trần Đức Thắng đánh giá cao một số kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của các cơ quan đã triển khai trong thời gian vừa qua.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương khẳng định vai trò lãnh đạo của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh sau khi được kiện toàn, đổi tên từ Ban Chỉ đạo Công nghệ thông tin tỉnh từ tháng 9 vừa qua.
Bên cạnh kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục ngay. Đồng thời đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương – cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy tổng hợp ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện thông báo kết luận phiên họp của Ban Chỉ đạo. Trong đó cần làm rõ kết quả của việc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, xác định những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng thành viên Ban Chỉ đạo, làm cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Đối với các nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nhất trí với 11 nhóm nhiệm vụ được thảo luận tại cuộc họp.
Ông Trần Đức Thắng yêu cầu UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo các sở, ban, ngành quyết liệt, khẩn trương khắc phục tồn tại, hạn chế; hoàn thiện, phê duyệt điều chỉnh Đề án “Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030"; Khung Kiến trúc ICT cho đô thị thông minh tỉnh Hải Dương; Quy chế quản lý, vận hành Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) tỉnh Hải Dương và các văn bản quy định theo chỉ đạo của trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng yêu cầu các Sở Thông tin và Truyền thông, Tài chính phối hợp lựa chọn đầu việc phù hợp về chuyển đổi số để bố trí kinh phí năm 2023, dự toán kinh phí năm 2024. Quan tâm bố trí nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho các cơ quan, đơn vị còn thiếu. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ trong tháng 12 sắp xếp, điều chỉnh biên chế giữa các cơ quan, đơn vị cho phù hợp và có cơ chế tuyển dụng không qua thi tuyển đối với nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin, phục vụ công tác chuyển đổi số.
Các sở, ngành, địa phương tập trung xây dựng kho dữ liệu dùng chung của tỉnh, quy hoạch dữ liệu để khai thác, chia sẻ, trong đó quan tâm xây dựng dữ liệu đất đai.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng yêu cầu muộn nhất đầu tháng 1/2024 phải đưa Trung tâm Dữ liệu tỉnh Hải Dương vào sử dụng. Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt. Kiểm tra, rà soát vấn đề bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin tại các cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trước đó, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng và các đại biểu đã đến tham quan Trung tâm Dữ liệu và Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Hải Dương.
Mời độc giả xem thêm video Những cuốn sách hay về chuyển đổi số