Hải Dương: Người dân vùng trồng nhãn Chí Linh thiệt hại do mất mùa

Ông Nguyễn Văn Chúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Hoàng Hoa Thám, cho biết trước tình trạng này, xã đã vận động nhân dân thu hoạch những cây nhãn đậu quả, đồng thời tiếp tục chăm sóc cho vụ tới.

Cán bộ xã Hoàng Hoa Thám kiểm tra chất lượng quả nhãn vụ năm 2024. (Ảnh: Tiến Vĩnh/TTXVN)

Cán bộ xã Hoàng Hoa Thám kiểm tra chất lượng quả nhãn vụ năm 2024. (Ảnh: Tiến Vĩnh/TTXVN)

Hiện đã bắt đầu vào vụ thu hoạch nhãn ở xã Hoàng Hoa Thám, thành phố Chí Linh, Hải Dương. Theo đánh giá của xã, nhãn năm nay mất mùa nặng, sản lượng ước chỉ đạt 20% so với năm trước; trong khi giá nhãn chỉ cao hơn 10-20%. Sản lượng giảm mạnh, giá không cao nên nhiều hộ gia đình trồng nhãn đã bị thất thu hàng trăm triệu đồng.

Thành phố Chí Linh hiện có trên 740 ha nhãn, tập trung ở các xã Hoàng Hoa Thám, Bắc An, Hoàng Tiến, Lê Lợi với sản lượng trung bình khoảng 4 nghìn tấn/năm.

Trong số đó, xã Hoàng Hoa Thám có diện tích trồng nhãn lớn nhất của thành phố. Toàn xã có trên 150 ha nhãn, với trên 800 hộ trồng, 13 ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, còn lại là VietGAP với 70 hộ có sản lượng 5 tấn/năm. Sản lượng nhãn hàng năm của xã ước đạt 300 tấn.

Theo đánh giá của xã, trong thời gian nhãn ra hoa, kết trái thời tiết rét buốt kéo dài nên toàn bộ diện tích nhãn của xã bị mất mùa nặng. Trung bình sản lượng ước đạt 10-20% so với mọi năm.

Ông Nguyễn Đình Xuyên, thôn Đá Bạc, xã Hoàng Hoa Thám đã trồng nhãn từ hàng chục năm nay. Gia đình hiện có khoảng 2 ha nhãn, tổng số gần 400 gốc đang thời kỳ cho thu hoạch. Trung bình mỗi năm vườn nhãn của gia đình thu hoạch từ 15-20 tấn, lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Nhưng vụ nhãn năm nay, cả vườn chỉ thu được 2 tấn, thu được khoảng 15-20 triệu đồng.

Sở dĩ nhãn bị mất mùa là do ảnh hưởng của thời tiết. Năm nay, thời tiết rất khắc nghiệt, sáng nắng, chiều mưa. Một ngày có thể mưa mấy lần xong lại nắng ngay được.

Chính vì, vậy hoa nhãn đã không đậu thành quả. Những cây nhãn đậu được quả thì cũng rất khó giữ, ông Xuyên chia sẻ.

Cũng chung tình trạng này, ông Văn Viết Định, thôn Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám, trồng trên 200 gốc nhãn và do thời tiết nên gia đình ông và nhiều hộ trồng nhãn trong xã đều bị mất mùa.

Ông Định cho biết: Quy trình chăm sóc nhãn năm nay cũng như mọi năm, đều thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn. Năm nay do thời tiết nên nhãn bị mất mùa nặng, sản lượng nhãn của gia đình chỉ bằng 10% so với năm ngoái.

Những người trồng nhãn cho rằng ngay từ đầu năm các hộ gia đình đã tỉa cành, tạo tán và khoanh gốc để cây nhãn chuyển mầm hoa đậu quả. Đồng thời, tổ chức bón phân, phun thuốc, cung cấp nước tưới để cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Các quy trình chăm sóc đều tuân thủ theo sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, kỹ thuật nhưng nhãn vẫn mất mùa nặng.

Ông Nguyễn Văn Chúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Hoàng Hoa Thám, cho biết trước tình trạng này, xã đã vận động nhân dân thu hoạch những cây nhãn đậu quả, đồng thời tiếp tục chăm sóc cho vụ tới. Xã cũng mong muốn cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm, định hướng cho người dân trồng nhãn theo hướng chuyên canh để đem lại giá trị kinh tế cao.

Hải Dương hiện có trên 2 nghìn ha nhãn với sản lượng hơn 12 nghìn tấn. Vùng nhãn của thành phố Chí Linh đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết nên cả vùng trồng vải và nhãn của tỉnh Hải Dương đều bị mất mùa. Vùng trồng nhãn ở thành phố Chí Linh, sản lượng giảm đến 80% so với cùng kỳ năm trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/hai-duong-nguoi-dan-vung-trong-nhan-chi-linh-thiet-hai-do-mat-mua-post967016.vnp