Hải Dương phấn đấu là tỉnh công nghiệp hiện đại, với 4 trục phát triển
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Hải Dương phấn đấu là tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng và có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước.
HĐND tỉnh Hải Dương vừa ban hành Nghị quyết số 33/NQ-HĐND về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo nghị quyết, phạm vi ranh giới quy hoạch tỉnh Hải Dương bao gồm 12 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 9 huyện (Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện, Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Thanh Hà, Kim Thành, Nam Sách), 1 thị xã (Kinh Môn) và 2 thành phố (Hải Dương, Chí Linh); 235 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 178 xã, 47 phường và 10 thị trấn.
Diện tích tự nhiên của tỉnh 1.668,28 km2 và dân số (năm 2023) khoảng 2,1 triệu người. Về ranh giới, phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Bắc Giang, tỉnh Quảng Ninh; phía Nam tiếp giáp với tỉnh Thái Bình; phía Tây tiếp giáp với tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hưng Yên; phía Đông tiếp giáp với thành phố Hải Phòng.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Hải Dương phấn đấu là tỉnh công nghiệp hiện đại, là trung tâm công nghiệp động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc; đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương.
Đến năm 2050, Hải Dương phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa xứ Đông và là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng, là một đô thị hiện đại, xanh, thông minh, an ninh, an toàn, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng. Phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn và toàn vùng; phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị tạo sự ổn định cho nền kinh tế.
4 trục phát triển không gian
Trong các định hướng lớn, Hải Dương sẽ tập trung phát triển 5 trụ cột chính bao gồm: Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; Dịch vụ chất lượng cao; Đô thị xanh, hiện đại, thông minh; Nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; Bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Xây dựng các nền tảng hỗ trợ văn hóa và con người xứ Đông - phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đời sống và môi trường văn hóa lành mạnh; Môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch; Kinh tế số, khoa học công nghệ, hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Hình thành 4 trục phát triển không gian: Trục phát triển Bắc - Nam; Trục phát triển Đông - Tây trung tâm tỉnh; Trục phát triển theo hướng Đông Tây đi qua khu vực phía Bắc của tỉnh; Trục phát triển kinh tế dọc các tuyến sông.
Hải Dương sẽ phát triển công nghiệp theo 4 trụ cột chính, đây cũng chính là 4 chiến lược phát triển, bao gồm: Tập trung mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực. Xây dựng năng lực cạnh tranh chiến lược, tiến tới phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng trong tương lai. Duy trì và tái cơ cấu các ngành công nghiệp giá trị sản xuất nhỏ, đảm bảo an sinh xã hội. Xây dựng Hải Dương thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, gắn với với khu kinh tế chuyên biệt, cụm công nghiệp hiện đại và lõi trung tâm đổi mới sáng tạo.
Trong đó, phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực như: cơ khí chế tạo; điện, điện tử; chế biến nông, lâm, thủy sản. Phát triển một số ngành công nghiệp tiềm năng: công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, hóa chất, hóa dược. Đồng thời, tiếp tục duy trì một số ngành công nghiệp hiện có: dệt may, da giày, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp khai khoáng; sản xuất và phân phối điện, nước, xử lý rác thải, nước thải.
Với mục tiêu trở thành tỉnh có khả năng cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn cũng như toàn vùng Đồng bằng sông Hồng, mở rộng chuỗi giá trị sản xuất hướng tới thị trường trong và ngoài nước, Hải Dương chú trọng phát triển ngành thương mại - dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng cuộc sống của người dân. Trong đó, tập trung thực hiện tốt các trụ cột chiến lược: xây dựng thương hiệu địa phương; thương mại; dịch vụ chất lượng cao; du lịch.
Về ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, Hải Dương đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; hướng tới phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị.
Tầm nhìn đến năm 2050, đưa Hải Dương trở thành trung tâm sản xuất, chế biến nông sản của vùng Đồng bằng sông Hồng, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, dựa vào chiến lược đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ, và xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn chất lượng của địa phương.
Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Hải Dương sẽ áp dụng các mô hình trường học, chương trình, nội dung giáo dục và đào tạo tiên tiến, hiện đại trên thế giới, đổi mới phương pháp và đa dạng hình thức dạy học theo hướng phát triển năng lực người học. Chú trọng các ngành nghề đào tạo đáp ứng các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh như công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, công nghệ thông tin, quản trị khách sạn, nhà hàng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp… bám sát yêu cầu của thị trường lao động.
Bên cạnh đó, kiện toàn, củng cố và mở rộng quy mô bệnh viện đa khoa tỉnh theo hướng phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu nằm trong bệnh viện đa khoa tỉnh. Củng cố, mở rộng và nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện; nâng cấp đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực cho trung tâm y tế xã.
Bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa; đẩy mạnh và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Phát triển phong trào thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao ở những môn có thế mạnh; quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao. Phát triển du lịch theo hướng chú trọng du lịch tâm linh văn hóa và du lịch sinh thái…
Nâng cao đời sống người có công với đất nước, đảm bảo người có công có mức sống cao hơn mức trung bình của dân cư cùng địa bàn; thực hiện giảm nghèo bền vững; mở rộng lưới an sinh xã hội; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Giai đoạn 2021 - 2030, phát triển 28 đô thị
Về phương án tổ chức hoạt động kinh tế xã hội, Hải Dương sẽ bố trí không gian các công trình, dự án quan trọng, các vùng bảo tồn đã được xác định ở quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, tập trung phát triển Hải Dương sẽ là tỉnh công nghiệp hiện đại và là một trong những đô thị lớn nhất vùng. Phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ.
Thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng các tuyến cao tốc, vành đai, quốc lộ, đường tỉnh; các tuyến đường thủy nội địa; các tuyến đường sắt.
Vùng bảo vệ nghiêm ngặt bao gồm các khu dự trữ thiên nhiên, vùng có các yếu tố, đối tượng nhạy cảm đặc biệt khác cần bảo vệ nghiêm ngặt, cụ thể: khu dự trữ thiên nhiên, khu vực đảo cò Chi Lăng Nam và vùng bảo tồn khu di tích lịch sử Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Phương án kết nối hạ tầng quốc gia và vùng gồm đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt. Trong đó, đường bộ gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường trục chính đô thị hướng đến phát triển thành các trục kết nối với hạ tầng quốc gia và hạ tầng giao thông trong vùng như: cảng hàng không, cảng biển, cảng thủy nội địa, ga đường sắt…
Đường thủy nội địa gồm các tuyến sông chảy qua địa bàn tỉnh kết nối giữa hệ thống cảng thủy nội địa tỉnh Hải Dương với khu vực cảng biển Hải Phòng, cảng biển Quảng Ninh và hệ thống các cảng thủy nội địa trong vùng; Đường sắt gồm 4 tuyến kết nối với các đầu mối vận tải quốc gia và cấp vùng trên hành lang tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Giai đoạn 2021 - 2030, phát triển với 28 đô thị, trong đó có 14 đô thị hiện trạng và thêm mới 14 đô thị. Hệ thống đô thị của tỉnh gồm 1 đô thị loại I là thành phố Hải Dương; 1 đô thị loại II là thành phố Chí Linh; 1 đô thị loại III là đô thị Kinh Môn (dự kiến thành lập thành phố); 7 đô thị loại IV là đô thị Bình Giang (dự kiến thành lập thị xã Bình Giang), thị trấn Nam Sách (mở rộng), thị trấn Gia Lộc (mở rộng), thị trấn Lai Cách (mở rộng), thị trấn Phú Thái (mở rộng), thị trấn Ninh Giang (mở rộng), thị trấn Thanh Miện; 18 đô thị loại V trong đó có 4 đô thị hiện hữu; 2 đô thị đã được công nhận mới và nâng cấp cho 12 đô thị trên cở sở nâng cấp các xã nông thôn có điều kiện kinh tế xã hội, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật phát triển.
Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; kết nối liên xã, huyện; mở rộng và hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm cấp huyện. Đồng thời, cân bằng quỹ đất sản xuất nông nghiệp, bảo đảm môi trường sinh thái phát triển theo định hướng tăng trưởng xanh, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Về phát triển công nghiệp, trong thời kỳ 2021 - 2030, trên địa bàn tỉnh Hải Dương sẽ hình thành 33 khu công nghiệp, với tổng quy mô là 5.661 ha (trong đó có 20 khu công nghiệp và 3 khu công nghiệp mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển các khu công nghiệp); trong giai đoạn đến năm 2030, hình thành 61 cụm công nghiệp, với quy mô là 3.213 ha.
Ngoài ra, tỉnh Hải Dương định hướng phát triển 1 khu kinh tế chuyên biệt tại trung tâm vùng động lực công nghiệp ở hai huyện Bình Giang và Thanh Miện.
Khu kinh tế chuyên biệt sẽ tạo động lực phát triển và kết nối kinh tế không chỉ nội tỉnh mà còn liên kết với các các tỉnh, thành phố lân cận. Trong đó, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sinh thái, công nghiệp hỗ trợ; trung tâm logistics; trung tâm đổi mới sáng tạo cấp vùng; đô thị - dịch vụ sinh thái hiện đại, cung cấp quỹ nhà ở cho công nhân và hỗ trợ công nghiệp…
Cũng theo nghị quyết này, HĐND tỉnh Hải Dương giao UBND tỉnh hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng quy định.