Hải Dương thu hút 84 triệu USD vốn đầu tư

Trong tháng 1/2025, tỉnh Hải Dương có thêm 3 dự án đầu tư mới với tổng số vốn khoảng 84 triệu USD. Đây là tín hiệu mừng cho mục tiêu thu hút vốn đầu tư FDI từ 1 tỷ USD trở lên trong năm 2025 của tỉnh này.

Theo Ban quản lý các khu công nghiệp Hải Dương, các dự án đầu tư vào tỉnh này trong tháng 1/2025 gồm: "Nhà máy sản xuất cấu kiện cơ khí xuất khẩu và cho thuê nhà xưởng" của Công ty Trách nhiệm hữu hạn công nghiệp AHK tại khu công nghiệp Lai Vu với vốn đầu tư đăng ký 498 tỷ đồng; "Dự án mới của Công ty trách nhiệm hữu hạn năng lượng thông minh Lithium Việt Nam" của Công ty Trách nhiệm hữu hạn năng lượng thông minh Lithium Việt Nam với vốn đầu tư đăng ký 15 triệu USD và dự án "Nhà máy lắp ráp ô tô năng lượng mới - Vivu Auto" của Công ty cổ phần Vivu Auto với vốn đầu tư đăng ký 455 tỷ đồng.

Hải Dương phấn đấu thu hút FDI từ 1 tỷ USD trở lên trong năm 2025. (Ảnh minh họa)

Hải Dương phấn đấu thu hút FDI từ 1 tỷ USD trở lên trong năm 2025. (Ảnh minh họa)

Trong kịch bản tăng trưởng kinh tế do UBND tỉnh Hải Dương xây dựng, năm 2025 tỉnh này phấn đấu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ 1 tỷ USD trở lên và đầu tư trong nước trên 8.500 tỷ đồng; trong đó, Hải Dương tập trung tăng cường xúc tiến, thu hút các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen…

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương, trong năm 2025, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh sẽ tập trung thu hút các dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao, các dự án công nghiệp hỗ trợ, nhanh chóng lấp đầy diện tích khu công nghiệp được bàn giao; thường xuyên theo dõi, nắm bắt, đôn đốc việc triển khai thi công hạ tầng khu công nghiệp và việc thực hiện dự án, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; rà soát, xem xét cụ thể các dự án không triển khai thực hiện, không đưa đất vào sử dụng để phối hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật.

Ban Quản lý các khu công nghiệp chủ động tuyên truyền, phổ biến hiệu quả kiến thức pháp luật tới các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; chủ động nắm bắt, tập hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để phối hợp với các sở, ngành liên quan hoặc báo cáo lãnh đạo tỉnh xử lý kịp thời. Đồng thời tập trung cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính so với quy định, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo mô hình khung tiêu chuẩn ISO 9001:2015, thực hiện ISO điện tử gắn với nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính.

Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện xây dựng, đăng ký, sửa đổi, bổ sung nội quy lao động và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết kịp thời các vụ việc tranh chấp lao động hoặc dừng việc tập thể. Đẩy mạnh các lớp dạy nghề; thực hiện tốt cung ứng, giới thiệu việc làm cho người lao động và doanh nghiệp tại các khu công nghiệp; mở rộng và thực hiện tốt các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp: tư vấn, hỗ trợ thủ tục cấp, cấp lại giấy phép lao động cho lao động người nước ngoài; tư vấn, hỗ trợ thông tin, thủ tục liên quan đến việc cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp; thực hiện quan trắc môi trường; tư vấn, điều chỉnh tổng mặt bằng xây dựng cho các doanh nghiệp…

Theo Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, Hải Dương được chấp thuận phương án phát triển các khu công nghiệp đến năm 2030 gồm 32 khu công nghiệp với tổng quy mô diện tích khoảng 5.661 ha. Tỉnh này hiện đã thành lập được 17 khu công nghiệp với tổng diện tích theo quy hoạch chi tiết khoảng 2.738 ha. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của 17 khu công nghiệp đã thành lập đạt khoảng 62,06%.

Sông Hồng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/hai-duong-thu-hut-84-trieu-usd-von-dau-tu-trong-thang-12025-96412.html