Hải Dương trưng bày ảnh tư liệu về chiến trường xưa
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương phối hợp Bảo tàng tỉnh Hải Dương tổ chức trưng bày bộ ảnh tư liệu 'Ký ức chiến trường' của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Thông.

Cắt băng khai mạc Trưng bày bộ ảnh tư liệu “Ký ức chiến trường” .
Bộ ảnh tư liệu “Ký ức chiến trường” của cố Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Văn Thông giới thiệu đến công chúng 50 tác phẩm ảnh tiêu biểu, với ba chủ đề:
Chủ đề Mặt trận: Giới thiệu những bức hình ghi lại nơi người lính đối mặt trực tiếp với hiểm nguy và hy sinh. Đồng thời cũng thể hiện rõ tinh thần đồng đội, sự dũng cảm, kiên cường ý chí chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của những người lính.
Chủ đề Khoảng lặng của chiến tranh: Những bức ảnh ghi lại thời gian nghỉ ngơi, khoảnh khắc quý giá tại chiến trường. Chính khoảng lặng ấy là thời gian để họ chia sẻ tình đồng đội, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Dù thật ngắn ngủi, nhưng đã giúp những người lính duy trì sức mạnh, lòng kiên cường nơi chiến trường khốc liệt.
Chủ đề Ngày chiến thắng: Ghi lại thời khắc lịch sử, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Đông đảo người dân Hải Dương tới xem bộ ảnh tư liệu về chiến trường xưa.
Bộ ảnh về chiến tranh của Trần Văn Thông đã từng được triển lãm ở nhiều nơi, đăng trên Báo Giải Phóng, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đồng Nai, Bảo tàng Quân khu 7, Bảo tàng Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam. Bộ ảnh được trưng bày từ ngày 28/4 đến ngày 10/5/2025.

Đại diện gia đình cố nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Văn Thông trao tặng một số cơ sở văn hóa, trường học tập ảnh tư liệu "ký ức chiến trường".
Cố Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Thông quê ở xã An Thượng, thành phố Hải Dương nhập ngũ năm 1967 khi đang là nhà giáo. Ông vào chiến trường miền nam chiến đấu và tham gia chiến dịch xuân Mậu Thân1968 tại Buôn Mê Thuột, tỉnh - Đắc Lắc.
Do lập được nhiều thành tích trong chiến đấu, ngày 14/4/1968, ông được vinh dự kết nạp vào Đảng ngay tại chiến trường. Tháng 7/1969, ông theo học khóa đào tạo nhiếp ảnh tại Trung ương Cục miền nam, sau đó được phân công làm công tác tuyên huấn tại E33 đoàn Quyết Thắng, Quân khu 7 miền Đông Nam bộ.
Trong những năm tháng chiến tranh, với chiếc máy ảnh Trần Văn Thông đã ghi lại một cách chân thực, đầy cảm xúc về những người chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu trên chiến trường. Những hình ảnh nhuốm màu khói súng mà ông có được tại chiến trường Đông Nam bộ còn là vẻ đẹp nhân văn của người lính Cụ Hồ sẵn sàng hy sinh cho độc lập tự do, cho ngày thống nhất đất nước, Bắc-Nam sum họp một nhà.