Hai giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công cho cơ sở ở Vĩnh Phúc

Ngày 14/9, tại Vĩnh Phúc diễn ra Hội nghị triển khai các giải pháp nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI) năm 2023.

Vĩnh Phúc nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công cho cơ sở

Vĩnh Phúc nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công cho cơ sở

Hội nghị do Sở Nội vụ Vĩnh Phúc phối hợp với Chuyên gia phân tích chính sách công, chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức.

Chủ trì và phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Văn Hòa cho biết, năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh đạt 44,30/80 điểm, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố tăng 14 bậc so với năm 2021.

Tuy nhiên, trong 8 chỉ số nội dung đánh giá, có 2 chỉ số nội dung thuộc nhóm điểm trung bình thấp, thấp nhất và nhiều năm liền không cải thiện vị trí xếp hạng là chỉ số Thủ tục hành chính công và chỉ số Quản trị môi trường.

Vì vậy, việc tổ chức Hội nghị nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về nâng cao Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc năm 2023. Đồng thời, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, từ đó cải thiện các chỉ số nội dung tỉnh đạt thấp trong 8 chỉ số PAPI.

Ông Trần Văn Hòa chia sẻ giải pháp nâng cao chỉ số nội dung PAPI.

Ông Trần Văn Hòa chia sẻ giải pháp nâng cao chỉ số nội dung PAPI.

Để nâng cao chỉ số Thủ tục hành chính công và chỉ số Quản trị môi trường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Văn Hòa nêu các giải pháp đối với từng chỉ số.

Cụ thể, đối với chỉ số Thủ tục hành chính công, cần đẩy mạnh các giải pháp về tăng cường kiểm tra công tác giải quyết thủ tục hành chính, gắn với thanh tra trách nhiệm công vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của đơn vị. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng và nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức, đặc biệt công chức thực hiện công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa các cấp.

Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện kết nối, tích hợp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với phần mềm quản lý hồ sơ công chứng và hệ thống quản lý đất đai, bảo đảm hữu ích, hiệu quả trong tiếp nhận, giải quyết cũng như giám sát thủ tục hành chính.

Về chỉ số Quản trị môi trường, theo ông Hòa, giải pháp khắc phục là ban hành các quy định, cơ chế chính sách về bảo vệ môi trường theo phân cấp của Luật.

Bên cạnh đó, cần thanh tra, kiểm tra, giám sát chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng tập trung vào các đối tượng chủ nguồn thải lớn, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Hỗ trợ nguồn lực và kinh phí cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải, đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định hồ sơ môi trường; sàng lọc các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, thu phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm định cấp giấy phép môi trường đúng, đủ theo thẩm quyền. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường để tạo sự đồng thuận của người dân.

Thạc sỹ Đỗ Thanh Huyền, truyền đạt tại Hội nghị.

Thạc sỹ Đỗ Thanh Huyền, truyền đạt tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe Thạc sỹ Đỗ Thanh Huyền - Chuyên gia phân tích chính sách công, chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đánh giá, phân tích những tồn tại, hạn chế của Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công của tỉnh trong thời gian qua, đồng thời đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai, thực hiện trong thời gian tới.

Long Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hai-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-quan-tri-hanh-chinh-cong-cho-co-so-o-vinh-phuc-post654156.html