Hải Hậu quan tâm chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non
Huyện Hải Hậu có 34 trường mầm non công lập với 617 nhóm lớp, tổng số 17.754 học sinh. Để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ lứa tuổi mầm non, các cấp ủy, chính quyền địa phương, Phòng GD và ĐT huyện luôn quan tâm thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Huyện Hải Hậu có 34 trường mầm non công lập với 617 nhóm lớp, tổng số 17.754 học sinh. Để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ lứa tuổi mầm non, các cấp ủy, chính quyền địa phương, Phòng GD và ĐT huyện luôn quan tâm thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Phòng GD và ĐT huyện luôn quan tâm bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ; tạo điều kiện cho cán bộ giáo viên, nhân viên tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tăng cường tập huấn chuyên môn theo các chuyên đề; nâng cao ý thức tự học, tự bồi dưỡng, giáo dục ý thức đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ giáo viên. Đặc biệt, các trường chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn với nhiều hình thức sinh hoạt đa dạng như: trực tiếp trao đổi thảo luận, thực hành với trẻ hoặc sinh hoạt gián tiếp… với nội dung thiết thực, tập trung các nội dung về kỹ năng còn yếu, thiếu của giáo viên hay những vấn đề mới cần làm rõ (kỹ năng vận động theo nhạc, kỹ năng tổ chức các trò chơi cho trẻ có hứng thú, sưu tầm tài liệu và phân tích yêu cầu các mođun tự bồi dưỡng, giải pháp khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì ở trẻ); đặc biệt, tổ chức tập huấn, hội thảo, bồi dưỡng cho giáo viên các nội dung thiết thực: Công tác chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục mầm non (GDMN) trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; Xây dựng môi trường trong và ngoài lớp học đáp ứng yêu cầu chương trình GDMN; Xây dựng kho tài liệu, học liệu trực tuyến dùng chung hỗ trợ giáo viên hướng dẫn cha mẹ trẻ, nhằm nâng cao chất lượng, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà theo chương trình GDMN... thu hút gần 1.000 lượt cán bộ, giáo viên tham gia. Qua đó, chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non các trường trong huyện được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc và giáo dục trẻ.
Được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các trường mầm non được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị gắn với việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường xanh - sạch - đẹp - an toàn. Các xã, thị trấn thực hiện quy hoạch chi tiết mạng lưới trường lớp, trên cơ sở đó ưu tiên quỹ đất cho các trường theo quy định diện tích của trường chuẩn quốc gia. Nhiều phòng học, bếp ăn, công trình vệ sinh các trường mầm non đã được xây mới, cải tạo, sửa chữa. Riêng năm học 2021-2022, xây mới 41 phòng học, 1 bếp ăn, cải tạo, sửa chữa 32 phòng học, 5 bếp ăn và 5 công trình vệ sinh.
Phòng GD và ĐT huyện đã xây dựng kho tư liệu chuyên môn trong đó có file dữ liệu cập nhật thường xuyên các hình ảnh, video hoạt động của các nhà trường, thông qua đó các đơn vị có thể trao đổi học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong việc tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, qua đó Phòng GD và ĐT cũng đánh giá được việc thực hiện của các đơn vị, từ đó có những chỉ đạo phù hợp điều kiện từng đơn vị. Trong thời gian trẻ nghỉ để phòng dịch, Phòng GD và ĐT hướng dẫn các cơ sở GDMN tổ chức xây dựng các công cụ hỗ trợ, kho tài liệu, học liệu trực tuyến dùng chung (Phần mềm tương tác, tài liệu trực tuyến, ngân hàng video...) phù hợp điều kiện từng địa phương và hướng dẫn, giới thiệu các nguồn, kênh thông tin, tài liệu để hỗ trợ các cơ sở GDMN, phụ huynh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Các cơ sở GDMN toàn huyện đã xây dựng được 4.114 video, audio hướng dẫn cha mẹ chăm sóc giáo dục khi trẻ ở nhà. Khi trẻ trở lại trường, các trường khảo sát lại chất lượng học sinh, đối chiếu với yêu cầu cần đạt cuối độ tuổi, căn cứ vào kế hoạch giáo dục “Thích ứng an toàn linh hoạt”, các nhà trường đã xây dựng để xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với trẻ, với nhóm lớp. Phòng GD và ĐT huyện chỉ đạo các trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo chuyên đề để tìm các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục khi trẻ quay trở lại trường; tập trung vào việc xác định nội dung chương trình, tìm các biện pháp, hình thức tổ chức giáo dục để không gây áp lực cho trẻ mà vẫn đạt được mục tiêu cuối độ tuổi của chương trình GDMN; chỉ đạo và triển khai chương trình GDMN sửa đổi, bổ sung và việc phát triển chương trình nhà trường; đổi mới hoạt động, phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục trẻ; chất lượng sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn; triển khai các phương pháp giáo dục tiên tiến (STEAM, Montessori...) tại các cơ sở GDMN. Đặc biệt, tập trung xây dựng mô hình điểm về việc ứng dụng phương pháp Montessori tại các trường mầm non: Hải Lý, Hải Tây; ứng dụng phương pháp STEAM tại các trường mầm non: Hải Châu, Hải Tân, Hải Vân, Hải Hòa. Hướng dẫn cơ sở GDMN, giáo viên chủ động áp dụng các hình thức, phương pháp, mô hình giáo dục tiên tiến; lựa chọn, bổ sung những nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp với quan điểm, mục tiêu của chương trình GDMN, bảo đảm tính khoa học, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với văn hóa, điều kiện của địa phương, của cơ sở GDMN, khả năng và nhu cầu của trẻ, theo quy định của pháp luật để phát triển chương trình giáo dục nhà trường, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Hướng dẫn, khuyến khích cán bộ quản lý, giáo viên khai thác sử dụng tài liệu, học liệu trực tuyến; ứng dụng các phương tiện, kỹ thuật, công nghệ để tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ theo hướng tương tác với phương châm giáo dục “chơi mà học, học bằng chơi”.
Công tác đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ tại các cơ sở GDMN được quan tâm. Các trường thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống dịch bệnh, y tế trường học, phòng chống tai nạn thương tích trong các cơ sở GDMN. 100% các bếp ăn thực hiện nghiêm túc các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, không có hiện tượng ngộ độc thực phẩm. Các bếp ăn thực hiện nghiêm túc việc xây dựng thực đơn, tính khẩu phần ăn, quản lý khẩu phần ăn cho các cháu đảm bảo theo quy định. 100% trẻ đến trường được kiểm tra sức khỏe và đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới. Thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, cả 34/34 trường mầm non đã xây dựng và thực hiện đúng kế hoạch chuyên đề. Môi trường trong và ngoài lớp học được thay đổi tích cực, giảm thiểu tối đa các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn, gây thương tích đối với trẻ em, đáp ứng nhu cầu, hứng thú trong các hoạt động chơi, ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân của trẻ; tạo điều kiện cho tất cả các trẻ có thể chơi mà học, học bằng chơi, phù hợp với điều kiện thực tế. Các khu vực trong nhà trường được quy hoạch theo hướng tận dụng không gian cho trẻ hoạt động phù hợp, linh hoạt, đa dạng, phong phú; các góc hoạt động trong lớp và ngoài lớp mang tính mở, tạo điều kiện cho trẻ dễ dàng tự lựa chọn và sử dụng sự vật, đồ vật, đồ chơi để thực hành, trải nghiệm; tạo cơ hội để trẻ được tiếp cận, trải nghiệm, xử trí các tình huống có thể xảy ra trong sinh hoạt hàng ngày và cơ hội cho trẻ được bộc lộ hết khả năng của riêng mình.
Với nhiều nỗ lực, chất lượng chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ mầm non trên địa bàn huyện được nâng cao. Các cơ sở GDMN đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ. 100% các trường tổ chức khám sức khỏe định kỳ, theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ, thực hiện nghiêm túc quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh; cả 34 trường mầm non đều tổ chức nuôi ăn bán trú với số trẻ ăn bán trú tại trường là 17.678/17.754, đạt 99,6% (tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước). Kết thúc năm học 2021-2022, tỷ lệ trẻ nhà trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm 1,3%, suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm 1,3%; trẻ mẫu giáo suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm 1,2%, suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm 1,1%, trẻ thừa cân giảm 0,4% so với đầu năm học.
Việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở các trường mầm non huyện Hải Hậu đã góp phần ươm những mầm non trong sự nghiệp “trồng người”. Trong năm học tới, huyện huy động các nguồn lực xã hội tập trung khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong việc thiếu trang thiết bị dạy học bộ môn thực hiện Chương trình GDPT 2018; trang thiết bị đồ dùng tối thiểu cho các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo 3, 4 tuổi (mới đạt 70-80%); việc thiếu phòng học, phòng chức năng ở một số trường; số trẻ/nhóm, lớp. Tiếp tục tăng cường bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên. Huy động có hiệu quả các nguồn lực để tăng cường mở rộng quỹ đất, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng chức năng nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn trong các trường mầm non./.
Bài và ảnh: Minh Thuận