Hải Hậu tích cực triển khai thực hiện chương trình OCOP

Triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 theo Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 12-12-2018 của UBND tỉnh, huyện Hải Hậu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 theo Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 12-12-2018 của UBND tỉnh, huyện Hải Hậu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh hướng dẫn các đơn vị thực hiện xây dựng sản phẩm OCOP một cách nghiêm túc, bài bản; khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia. Nhờ đó đến nay, huyện Hải Hậu là địa phương dẫn đầu tỉnh về thực hiện chương trình OCOP với số sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP, chiếm tới gần 70% số sản phẩm OCOP của toàn tỉnh.

Tính đến hết quý I năm 2020, huyện Hải Hậu đã có 40 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh với số điểm đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Để có được kết quả này, sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 110, ngày 8-4-2019 UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 31/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2019-2020 của huyện để chỉ đạo tổ chức rà soát, đánh giá chất lượng các sản phẩm hiện có trên địa bàn; đồng thời vận động, khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các HTX và các tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất đầu tư phát triển 4 nhóm sản phẩm, dịch vụ, bao gồm: Nhóm sản phẩm thực phẩm, nhóm sản phẩm dược liệu, nhóm sản phẩm lưu niệm, nội thất, trang trí và sản phẩm tiểu thủ công nghiệp khác; nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn. Để Chương trình được thực hiện đồng bộ ở tất cả các xã, thị trấn, UBND huyện, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) huyện đã tổ chức hội nghị hướng dẫn, triển khai thực hiện Chương trình OCOP cho cán bộ lãnh đạo, các đồng chí thành viên Hội đồng tư vấn, đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP của huyện, chủ tịch UBND các xã, thị trấn và các cơ sở sản xuất có sản phẩm đăng ký đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Nhờ đó, mặc dù Chương trình OCOP mới được triển khai trên địa bàn song với sự quyết tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn đã động viên được các cơ sở sản xuất, các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia Chương trình OCOP một cách tích cực, chủ động. Bên cạnh đó, căn cứ kế hoạch đăng ký, Văn phòng Điều phối NTM huyện phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của tỉnh, huyện, UBND các xã, thị trấn hướng dẫn các chủ thể tham gia Chương trình OCOP thực hiện chu trình OCOP theo 6 bước, bao gồm: Tuyên truyền, hướng dẫn về sản phẩm OCOP; nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; nhận phương án, dự án sản xuất kinh doanh; triển khai phương án, dự án sản xuất kinh doanh; đánh giá, phân hạng sản phẩm; xúc tiến thương mại trên cơ sở nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”, đề xuất nhu cầu từ dưới lên, theo nhu cầu và khả năng của cơ sở sản xuất. Mặt khác, với mục tiêu phấn đấu mỗi xã, thị trấn có ít nhất một sản phẩm OCOP, UBND huyện Hải Hậu tạo điều kiện để các cá nhân, doanh nghiệp tích tụ đất đai, tổ chức thành các vùng chuyên canh đủ lớn, sản xuất nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời khuyến khích mở rộng các mô hình liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu cho một số nông sản có thế mạnh của địa phương, phát triển thành sản phẩm OCOP. Tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ và đảm bảo tiến độ, chất lượng Chương trình OCOP đến các cơ sở sản xuất trên địa bàn các xã, thị trấn. Phân công nhiệm vụ cụ thể và trách nhiệm cho từng phòng, ban, xã, thị trấn và các đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Nhờ đó ngay trong đợt I năm 2020, Hải Hậu đã có thêm 26 sản phẩm của 14 cơ sở sản xuất đăng ký xây dựng thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh, gồm: 2 sản phẩm thịt lợn mát, thịt lợn đông lạnh Công ty TNHH Biển Đông DHC, xã Hải Nam; sản phẩm giò gân của cơ sở sản xuất giò Phúc Thuận, xã Hải Hưng; sản phẩm dây thìa canh sấy khô của HTX trồng cây dược liệu, xã Hải Lộc; 2 sản phẩm nước mắm Hải Dương và mắm tôm Hải Dương của hộ kinh doanh Nguyễn Văn Dương, xã Hải Triều; 2 sản phẩm muối sạch, muối I-ốt của Công ty TNHH Vạn Ninh, xã Hải Đông; 2 sản phẩm nước mắm Thoa Định, mắm tôm Thoa Định của hộ kinh doanh Phạm Thị Thoa, xã Hải Lý; sản phẩm rượu nếp Hải Châu của hộ kinh doanh Trần Văn Tuyến, xã Hải Châu; sản phẩm miến dong Phiến Đượm của hộ kinh doanh Trần Văn Phiến xã Hải Minh; sản phẩm bánh nhãn tết vua của hộ kinh doanh Lưu Liên Phương, xã Hải Bắc; 4 sản phẩm trà nhân trần, trà gừng đen, trà hoạt huyết dưỡng não, trà Silymarin Công ty CP Dược liệu Hải Hậu, xã Hải Phương; sản phẩm trứng gà của HTX chăn nuôi và cung cấp thực phẩm sạch xã Hải Sơn; sản phẩm trứng vịt của HTX dịch vụ chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản, xã Hải Thanh; sản phẩm đinh lăng sấy khô của HTX trồng cây dược liệu xã Hải Ninh; 2 sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo của hộ kinh doanh Vũ Thị Nhiễu, thị trấn Yên Định và sản phẩm ổi lê của HTX dịch vụ nông nghiệp Hải Tân, xã Hải Tân.

Thời gian tới, huyện Hải Hậu sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn OCOP tỉnh, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, HTX đã đăng ký sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ, hoàn thiện sản phẩm để trình Hội đồng tư vấn OCOP của tỉnh đánh giá, công nhận. Đồng thời hướng dẫn các cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP được công nhận tiếp tục cải tiến, nâng cấp sản phẩm tham gia OCOP, bằng các hình thức như: thực hiện truyền thông, xúc tiến thương mại điện tử sản phẩm OCOP cấp huyện, xây dựng website bán hàng trực tuyến, xây dựng, thiết lập mã QrCode… để hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất. Trong năm nay sẽ xây dựng 1 cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP huyện Hải Hậu tại thị trấn Yên Định. Tập trung chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất tiếp tục chủ động lựa chọn sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm theo quy định của Chương trình OCOP. Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng máy móc, thiết bị, nhà xưởng… để nâng cao năng lực quy mô sản xuất. Thường xuyên quan tâm cải tiến, nâng cấp chất lượng sản phẩm theo Bộ tiêu chí OCOP. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các ý tưởng sản phẩm mới để tham gia chu trình OCOP trong các năm tiếp theo. Huyện chỉ đạo Đảng ủy các xã, thị trấn đưa Chương trình OCOP vào nghị quyết, chương trình hành động để chỉ đạo thực hiện thường xuyên. Phát động phong trào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực, làng nghề và đặc sản truyền thống của địa phương gắn với Chương trình OCOP.

Với những biện pháp bài bản, đồng bộ cùng sự quyết tâm cao và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn, Chương trình OCOP của huyện Hải Hậu đã đạt được những kết quả tích cực, là nền tảng quan trọng để các xã, thị trấn phát huy thế mạnh của địa phương, tạo nguồn lực để duy trì, xây dựng và thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu bền vững./.

Văn Đại

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202004/hai-hau-tich-cuc-trien-khai-thuc-hien-chuong-trinh-ocop-2537016/