Hài hòa lợi ích khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành bia
Theo nghiên cứu, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành bia sẽ có tác động tới 21 ngành hàng. Chính vì thế, cần một phương án hài hòa để đạt được mục tiêu tăng thu ngân sách mà vẫn bảo vệ sức khỏe, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Chiều 25/11, Hội thảo công bố “Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia” đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là báo cáo được nghiên cứu bởi Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Bộ Công Thương); Viện Nghiên cứu Đồ uống Việt Nam và nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
3 phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Trưởng nhóm Nghiên cứu CIEM và Tổng cục Thống kê - cho biết: Sau 16 năm thực hiện, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đã góp phần điều tiết kinh tế vĩ mô và tăng thu ngân sách nhà nước. Ngày 08/6/2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Theo Tờ trình, việc tăng thuế TTĐB nhằm hướng đến các mục tiêu, bao gồm: Giảm tỷ lệ sử dụng bia, phù hợp với thông lệ quốc tế và góp phần đảm bảo thu ngân sách nhà nước.
Với mục tiêu đó, Dự thảo Luật thuế TTĐB đang sửa đổi theo hướng điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng bia (mức thuế hiện nay là 65%) với 2 phương án được đề xuất: Phương án 1 (PA1), tăng thuế từ năm 2026, tăng theo từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế TTĐB đối với bia là 90%. Phương án 2 (PA2), tăng thuế từ năm 2026 với mức tăng 15%, sau đó từ năm 2027 tăng từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030, thuế suất thuế TTĐB đối với bia là 100%.
Ngoài 2 phương án trên, vào tháng 7/2024, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát (VBA) đã gửi Văn bản lên Bộ Tài chính, đề xuất lùi thời hạn tăng thuế tới năm 2027, đồng thời tăng thuế ở mức 5% với lộ trình 2 năm tăng 1 lần, đến 80% vào năm 2031 để phù hợp với bối cảnh kinh tế - đây là phương án 3 (PA3) .
"Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng bia" nêu rõ, cả 3 phương án trên đều làm suy giảm giá trị tăng thêm (VA) của ngành bia. Cụ thể, giả định nếu mức tăng trưởng VA của ngành bia tương đương mức tăng trưởng GDP theo kịch bản 6,5% thì PA1 sẽ làm giảm 44.359 tỷ đồng, tương đương 9,4%; PA2 sẽ tác động giảm 61.899 tỷ đồng, tương đương 13,12%; PA3 sẽ giảm 38.329 tỷ đồng, tương đương 6,5%.
Báo cáo cũng cho rằng, tăng thuế TTĐB với bia sẽ tác động đến tăng trưởng GDP. Cụ thể, so với kịch bản tăng trưởng mục tiêu 6,5% trong điều kiện bình thường, việc tăng thuế TTĐB với bia theo các phương án sẽ cho kết quả như: PA1, GDP sẽ giảm 14.276 tỷ đồng, tương đương 0,0354%; PA2 sẽ giảm 32.525,9 tỷ đồng, tương đương giảm 0,08%; PA3 sẽ giảm 8.590 tỷ đồng, tương đương 0,0172%.
Đặc biệt, tăng thuế TTĐB với bia sẽ tác động đến 21 ngành hàng (bao gồm cả ngành bia) trong quan hệ liên kết ngành và tới các nhân tố của giá trị tăng thêm. Cụ thể là tác động tới tổng giá trị tăng thêm (GVA) của toàn nền kinh tế và thu ngân sách nhà nước.
Việc tăng thuế TTĐB với ngành bia theo báo cáo cũng làm giảm thu nhập của người lao động trong nền kinh tế. Theo đó, với PA1, thu nhập người lao động giảm 2.468 tỷ đồng, PA2 giảm 4.585 tỷ đồng và PA3 là 2.215 tỷ đồng.
Kiến nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành bia theo phương án 3
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đồng tình với việc đề xuất cân nhắc lựa chọn áp dụng thuế TTĐB với ngành bia theo PA3 bởi rất nhiều lý do.
Thực tế thời gian qua, doanh nghiệp ngành bia liên tiếp chịu tác động bởi những cú sốc về dịch bệnh và những biến động khó lường, ngành bia suy giảm. Do đó, giai đoạn này, Chính phủ cần hướng tới các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi; sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thay vì ban hành các quy định mà có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bà Nguyễn Minh Thảo cũng cho rằng, kết quả đo lường tác động kinh tế của các phương án tăng thuế cho thấy, PA3 đạt được sự hài hòa hơn về các mục tiêu.
Bà Thảo phân tích, PA3 tác động tiêu cực tới nền kinh tế ở mức giảm nhẹ hơn so với PA1 và PA2; đảm bảo mức độ ổn định tương đối về chính sách để doanh nghiệp thích ứng và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời hạn chế được những rủi ro ảnh hưởng tới cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế - cũng đồng tình với quan điểm cần phải điều chỉnh tăng thuế TTĐB để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo PA2 thì quá cao và sốc, còn đối với PA1 tăng 5% là tương đối hợp lý nhưng cần lưu ý đến lộ trình rõ ràng 2 năm tăng 1 lần hay 1 năm tăng 1 lần.
Bà Cúc cũng đưa ra quan điểm, nếu chỉ việc tăng thuế TTĐB không thôi thì chúng ta không quá kỳ vọng vào việc giảm tiêu thụ rượu bia, cần kết hợp các biện pháp khác nữa để đảm bảo hài hòa.
Đánh giá về tác động của việc tăng thuế TTĐB đối với ngành bia, ở góc độ doanh nghiệp, bà Trần Ngọc Ánh - Giám đốc Ngoại vụ cấp cao của HEINEKEN Việt Nam - cho rằng: Các phương án tăng thuế TTĐB với bia đều gây tác động đến nền kinh tế; tuy nhiên, phương án 2 gây tác động mạnh nhất.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19 còn đối mặt với nhiều thách thức, bà Trần Ngọc Ánh cho rằng, cần có một phương án tăng thuế TTĐB một cách hài hòa để đạt được các mục tiêu tăng thu ngân sách mà vẫn bảo vệ được sức khỏe người tiêu dùng và hỗ trợ ổn định cho môi trường kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA - cho rằng, với các minh chứng dựa trên dữ liệu chính thống cùng phương pháp khoa học và phân tích các thông tin cập nhật của ngành, nhóm nghiên cứu nhận thấy về tác động kinh tế, cả ba phương án tăng thuế đều ảnh hưởng tới sản xuất của ngành bia, từ đó làm giảm sản xuất của 21 ngành làm đầu vào cho ngành bia trong nền kinh tế. Khi tăng thuế TTĐB đối với bia, nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế sản phẩm (thuế gián thu) trong cả ba phương án đều tăng. Nhưng nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế gián thu chỉ tăng trong ngắn hạn. Mặt khác, việc tăng thuế ảnh hưởng đến cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động. Hệ quả là làm suy giảm GDP của nền kinh tế.
Trên cơ sở căn cứ vào tổng quan, thực trạng chung của doanh nghiệp ngành bia là ngành dễ bị tổn thương trước các cú sốc, bao gồm cả những thay đổi về chính sách, Nhóm nghiên cứu đề xuất cân nhắc lựa chọn PA3 vì phương án này hài hòa hơn về các mục tiêu, tác động tiêu cực tới nền kinh tế ở mức giảm nhẹ hơn, đảm bảo mức độ ổn định tương đối về chính sách, hạn chế được những rủi ro ảnh hưởng tới cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động, an sinh xã hội.