Hãi hùng 'tử thần' xa lộ ở Thái Lan
Ngoài vấn đề ý thức tuân thủ luật giao thông, bất bình đẳng được xem là một trong các yếu tố gốc rễ dẫn đến tình trạng tỉ lệ tử vong cao do tai nạn giao thông tại Thái Lan.
Thái Lan là nước có tỉ lệ tử vong khi tham gia giao thông tính trên đầu người cao thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Libya vốn đang chìm trong cuộc nội chiến và luật pháp không còn tồn tại, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Xét về tỉ lệ người sử dụng xe hai bánh tử vong tính trên đầu người, Thái Lan đứng đầu thế giới. Ảnh: New York Times.
Năm 2015, chính phủ Thái Lan đã cam kết tại diễn đàn Liên Hợp Quốc mục tiêu cắt giảm 1/2 số trường hợp tử vong mỗi năm vì tai nạn giao thông. Chỉ còn chưa đầy một năm nữa là đến hạn chót của cam kết, tuy nhiên tình hình không có cải thiện gì đáng kể. Những con đường của Thái Lan vẫn nằm trong top 10 nguy hiểm nhất thế giới, với trung bình mỗi năm gần 20.000 trường hợp tử vong đáng lẽ có thể ngăn chặn được. Ảnh: New York Times.
Số trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông ở Thái Lan từ sau năm 2015 có giảm nhưng không đáng kể. Chính phủ nước này đã áp dụng nhiều biện pháp và điều chỉnh các điều luật để đường phố an toàn hơn trước. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Thái Lan vẫn chưa thể giải quyết tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo tại nước này, được xem là vấn đề cốt lõi khiến những con đường tại đây nguy hiểm đến vậy. Ảnh: New York Times.
Theo khảo sát của ngân hàng Credit Suisse, Thái Lan có mức bất bình đẳng cao nhất trong số 40 nền kinh tế lớn được khảo sát năm 2018. Điều kỳ lạ ở Thái Lan là người nghèo lại đối diện rủi ro tử vong vì tai nạn giao thông nhiều hơn là những người giàu và quen biết rộng. Đường sá Thái Lan được tráng nhựa và phù hợp để di chuyển với tốc độ cao. Người giàu và tầng lớp trung lưu đang lên của nước này thường mua các mẫu ôtô mới và nhanh. Trong khi đó, nhiều gia đình nghèo chỉ mua xe máy cùng với nón bảo hiểm kém chất lượng. Ảnh: New York Times.
Những yếu tố trên tạo ra một sự kết hợp chết chóc cho đường sá Thái Lan. Phần lớn các vụ tai nạn giao thông gây tử vong ở nước này là giữa xe ôtô và xe máy. Trong báo cáo về an toàn giao thông toàn cầu năm 2018 của WHO, chỉ có 12% người sử dụng ôtô hoặc các phương tiện vận tải hạng nhẹ tử vong vì tai nạn giao thông. Phần lớn các nạn nhân thiệt mạng là người sử dụng xe máy hoặc người đi bộ. Ảnh: AP.
Theo ước tính của WHO vào năm 2016, cứ 100.000 người Thái Lan qua đời thì tỉ lệ tử vong vì tai nạn giao thông chiếm đến 32,7%. Tỉ lệ này ở Mỹ trong cùng năm chỉ có 12,4%. Trong khi đó, Indonesia với hệ thống đường sá còn thiếu đầu tư xây dựng chỉ đạt 12,2%. Tỉ lệ này ở các nước châu Âu còn chưa bước qua mức 2 con số. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới trong một nghiên cứu năm 2018, nếu Thái Lan có thể giảm 1/2 tỉ lệ tử vong vì tai nạn giao thông, GDP năm 2038 của nước này sẽ tăng gần 22%. Ảnh: New York Times.
Khoảng cách giàu nghèo không phải là yếu tố bất bình đẳng duy nhất góp phần dẫn đến cơn ác mộng trên xa lộ của người dân yếu thế. Những quyết định xử phạt không công bằng làm giảm đi tính răn đe của pháp luật. Luật lệ giao thông dường như không được áp dụng với giới siêu giàu, hoặc những ai có quyền lực trong tay. Họ biết mình được "đặc cách" phóng ôtô với tốc độ cao dù đã say mèm mà không sợ phải gánh chịu hậu quả. Ảnh: New York Times.
Vorayuth Yoovidhaya, người thừa kế gia sản của nhà sáng lập hãng nước tăng lực Red Bull nổi tiếng thế giới, năm 2012 tông tử vong một sĩ quan cảnh sát ngay tại thủ đô Bangkok. Yoovidhaya điều khiển chiếc siêu xe Ferrari trong tình trạng say xỉn. Đã 7 năm trôi qua, Yoovidhaya đã trốn ra nước ngoài vẫn chưa bị truy tố. Trong ảnh, cảnh sát Thái Lan dựng lại hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: AP.
"Rõ ràng tại Thái Lan, đường sá không phải là nơi an toàn cho mọi người tham gia giao thông. Dù là ôtô, xe gắn máy hay người đi bộ, an toàn giao thông phải được xem xét cho mọi người dân bất kể khác biệt về thu nhập", Evelyn Murphy, chuyên gia về phòng tránh chấn thương ngoài ý muốn của WHO, nhận định. Trong ảnh, Vorayuth Yoovidhya đi cùng mẹ mình là bà Daranee và gia đình dự giải đua xe F1 Grand Prix ở Abu Dhabi năm 2016. Ảnh: AP.
Dù Thái Lan đã có những quy định xử phạt các hành vi chạy quá tốc độ, lái xe khi say xỉn và không đội nón bảo hiểm, việc thực thi lại không đủ mạnh mẽ. Cảnh sát hiếm khi viết giấy phạt cho người vi phạm quy định đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, trừ giai đoạn ra quân xử phạt và họ cần chạy đua chỉ tiêu. "Khó buộc mọi người dừng xe khi họ không quen dừng xe", thiếu tướng Jirasunt Kaewsaengeak, phó giám đốc cảnh sát Bangkok, cho biết. Ảnh: Reuters.
Nạn tham nhũng cũng góp phần khiến luật lệ giao thông tại Thái Lan không được siết chặt. Riêng thủ đô Bangkok có 6.000 cảnh sát giao thông, với thu nhập bình quân là 600 USD/tháng nhưng làm việc với cường độ lớn, dầm mưa dãi nắng và thường xuyên phải hít khói bụi ô nhiễm. Văn hóa sống thoải mái nhẹ nhàng "sabai sabai", ăn sâu vào xã hội người Thái Lan, cũng khiến cảnh sát ngại đưa ra các mức phạt nặng và thay vào đó chỉ nhắc nhở bằng miệng. Ảnh: AFP.
Văn hóa "sabai sabai" là một trong những lý do biến Thái Lan thành nơi lý tưởng cho du lịch, để xả hơi trên những bãi biển vào các kỳ nghỉ lễ, nhưng khó để cải thiện tiêu chuẩn an toàn giao thông quốc gia. Nhiều người tham gia giao thông ở nước này còn không quan tâm đến việc đội nón bảo hiểm. "Chúng tôi không thể thuyết phục mọi người rằng nón bảo hiểm có thể cứu mạng họ", Tairjing Siriphanich, tổng thư ký tổ chức Don't Drive Drunk, vận động không uống rượu bia khi lái xe ở Thái Lan, chia sẻ. Ảnh: New York Times. *) Title do Kiến Thức biên tập lại