Hải Lăng đất của những dòng sông sử thi

Không hiểu sao, mỗi lần chạm đất Hải Lăng, trong lòng tôi lại vấn vương câu văn đẹp như một bức tranh của nhà văn Nga Ilya Ehrenburg nói về lòng yêu nước mà tôi đã đọc từ thời trẻ tuổi: 'Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh...Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dãy trường giang Volga, con sông Volga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc...'. Tôi cũng nhận ra một điều khác lạ và dung dị của miền đất Hải Lăng so với nhiều nơi khác ở Quảng Trị, đó là nơi đây sông nước phân bổ đều khắp trên địa bàn huyện; mỗi dòng sông đều lấp lánh sử thi và thắm đỏ sự tích anh hùng.

Cổng chào làng Diên Khánh -Ảnh: Đ.T.T

Cổng chào làng Diên Khánh -Ảnh: Đ.T.T

Trong bài viết nhỏ này, xin được gọi tên những làng xã theo cách gọi cũ để thể hiện sự gắn bó, hòa quyện lâu đời giữa con sông với miền quê, con người với nước non xứ đồng cò bay thẳng cánh kế bên bạt ngàn đại trường sa mà cứ đến mùa khắc nghiệt nhất, hoa xương rồng lại kiêu hãnh nở trên cát trắng tít tắp chân biển, chân trời.

Ở miệt ngoài, sông Thạch Hãn bắt nguồn từ các chân núi miền Tây Quảng Trị về Hải Phúc, xuôi dòng qua Hải Lệ xuống thị xã Quảng Trị đến ngã ba Cổ Thành thì nối với dòng Vĩnh Định. Sông Vĩnh Định từ ngã ba Cổ Thành, chợ Sải đi ngang qua Hải Quy nhập với sông Nhùng chảy về Hải Xuân, Hải Vĩnh; đi vào ngã ba Hói Dét nhập với sông Ô Lâu đổ ra phá Tam Giang và cửa Thuận An.

Người xưa cho rằng sông Vĩnh Định vốn có mối liên hệ mật thiết với sông Nhùng và sông Thạch Hãn nhưng không nối được vì sông Thạch Hãn thẳng, sông Nhùng lại uốn khúc quanh co. Đến thời hậu Lê, Vua cho dân đào từ Quy Thiện (Hải Quy) nối với Cổ Thành để tạo ra một con đường thủy từ cửa Thuận An đi ra Thạch Hãn. Sông Vĩnh Định uốn khúc lại nằm giữa vùng “rốn lũ” nên hằng năm thường hay bị lấp, lúc đầu là bị lấp đoạn từ chợ Ngô Xá đi qua Phương Lang, Hói Cộ ra đến Cồn Sở.

Thời Vua Minh Mạng đã cho dân đào thẳng đoạn từ Ngô Xá vào Phường Sở; đoạn từ ngã ba Hội Yên qua Trung Đơn, Phước Điền đi vào Hói Dét. Đoạn sông từ Kim Giao-Diên Khánh gọi là Tân Vĩnh Định; đoạn đi qua Trung Đơn-Phước Điền gọi là Cựu Vĩnh Định. Dân gian cho rằng, sở dĩ có tên Vĩnh Định là vì sông hay bị lấp, nên khi đào xong, Vua Minh Mạng đặt tên là sông Vĩnh Định với mong muốn là sông ổn định trường tồn. Nhà vua còn cho dựng hai cái bia tại Phường Sở để giữ lại dấu tích và ghi nhận nỗ lực đào đắp sông của người dân Hải Lăng.

Ở miệt trong, những dòng sông đều mang những cái tên thật dân dã, thật đẹp. Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn gọi sông Ô Lâu là sông Lương Điền; còn sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của tác giả Lê Quang Định thì gọi là sông Lương Phước, là ranh giới thủy văn tự nhiên của hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế). Tên sông Ô Lâu gợi nhớ đến Châu Ô của Chiêm Thành mà vua Chế Mân đã lấy làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân.

Sông Thác Ma chảy qua cầu Mỹ Chánh trên Quốc lộ 1 bắt nguồn từ vùng đồi núi phía Tây xuôi về phía Đông qua đất Hải Lăng rồi nhập vào sông Ô Lâu. Sông Ô Lâu cũng từ phía Tây len lõi chảy qua vùng đồi núi Phong Điền, băng qua Quốc lộ 1 tại làng Câu Nhi, sang đất Hải Lăng thì gặp hai con sông Thác Ma và Ô Giang (một đoạn nối dài của sông Vĩnh Định từ Triệu Phong vào vùng trũng Hải Lăng), nhập dòng trước khi đổ ra phá Tam Giang.

Chợ Diên Sanh -Ảnh: Đ.T.T

Chợ Diên Sanh -Ảnh: Đ.T.T

Ô Lâu là một dòng sông sử thi gắn với câu ca buồn thăm thẳm từ thuở xưa truyền lại đến bây giờ: Trăm năm vì lỗi hẹn hò/ Cây đa bến cộ con đò khác đưa/Cây đa bến cộ còn lưa/Con đò đã thác năm xưa tê rồi...Gắn với đó là câu chuyện chàng thư sinh miệt ngoài trên đường vào kinh thành Huế ứng thí đã gặp cô lái đò ngang trên sông Ô Lâu rồi hai người đem lòng cảm mến nhau. Sau khi ứng thí xong xuôi, chàng về quê và hẹn ước sẽ sớm quay lại gặp nàng. Nhưng rồi thời gian thấm thoắt thoi đưa, vẫn không thấy bóng dáng chàng trai đâu. Mòn mỏi đợi chờ, cô lái đò lâm bệnh mà chết. Khi chàng trai trở lại thì cô lái đò năm xưa đã không còn nữa...

Cho đến bây giờ, nếu ai có dịp bước xuống thuyền xuôi dòng Ô Lâu về phía hạ nguồn, thì câu chuyện nao lòng kia vẫn thường trở đi trở lại trong từng ý nghĩ mặc dù cốt chuyện tưởng như ta từng đọc qua, nghe qua như gió thoảng ở đâu đó rồi. Đi trên Ô Lâu, người ta sẽ gặp những cây đa, những bến sông có người giặt áo, tay trần khỏa nước xao động cả bóng cây, bóng hình, bóng nắng; gặp những tên làng dặt dìu theo mình sông xuôi về hạ lưu với những cánh đồng bát ngát, những trầm tích văn hóa sâu dày: Lương Điền, Câu Nhi, Văn Quỹ, An Thơ, Hưng Nhơn, Phú Kinh...

Có một điều đặc biệt là từ xa xưa, một số làng lân cận trong vùng thuộc huyện Hải Lăng có tên bắt đầu bằng từ “kẻ” như làng Kẻ Đâu thuộc xã Hải Trường, Kẻ Lạng thuộc xã Hải Sơn, làng Kẻ Văn thuộc xã Hải Tân (cũ), làng Kẻ Vịnh thuộc xã Hải Hòa (cũ). Thăm chợ Kẻ Diên thuộc xã Hải Thọ (cũ) nay đã là một khu chợ hiện đại của thị trấn Diên Sanh, ký ức một thời gian nan lại ùa về trong lòng du khách khi tên chợ từng được nhắc đến trong bài ca dao “Mười quả trứng” đúc kết thành một triết lý sống bất khuất của người Hải Lăng, người Quảng Trị: “Đừng than phận khó ai ơi, còn da lông mọc còn chồi nảy cây”.

Sông Ô Lâu -Ảnh: N.V.TOÀN

Sông Ô Lâu -Ảnh: N.V.TOÀN

Hải Lăng còn là mảnh đất địa linh nhân kiệt khi khắp các thôn làng bao bọc bởi những dòng sông thơ mộng đã sản sinh ra nhiều danh nhân lịch sử và văn hóa nổi tiếng như: Đặng Dung, Tiến sĩ Bùi Dục Tài, Nguyễn Đức Hoan, Nguyễn Văn Hiến, Nguyễn Trừng...; những anh hùng liệt sĩ như Phan Thanh Chung, Trần Thị Tâm, những anh hùng Văn Thị Xuân, Võ Thiết...; mẹ Trần Thị Mít ở xã Hải Phú, người mẹ chịu đựng hy sinh, hiến dâng cho Tổ quốc chồng và sáu người con trai, người con dâu và đứa cháu nội; người mẹ mà tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở Thủ đô Hà Nội ghi danh là một trong mười Bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu nhất của đất nước.

Nói đến những dòng sông là cũng nói đến sự trường tồn của một vùng đất. Hải Lăng trong các cuộc kháng chiến vệ quốc luôn nhận lãnh trách nhiệm “đi trước về sau”. Mảnh đất thân thương này một thời đánh giặc là nơi luôn ở tuyến trước, lấy thân mình làm phên dậu, che chắn cho cả một vùng rộng lớn nơi cực Nam của tỉnh, nhưng lại là nơi hưởng yên ấm, thái bình sau cùng.

Phải đến hơn 18 giờ ngày 19/3/1975, huyện Hải Lăng mới hoàn toàn được giải phóng. Cũng chính nơi đây, thời đổi mới, Hải Lăng lại đang nhận lãnh trách nhiệm lớn lao là xây dựng một khu kinh tế động lực, có vai trò “đầu tàu” thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Quảng Trị.

Với bản lĩnh kiên cường, trí thông minh, sáng tạo và nhiều nội lực, đất và người Hải Lăng đang viết tiếp trang sử hào hùng thời đổi mới ngay chính trên quê hương mình...

Đan Tâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/hai-lang-dat-cua-nhung-dong-song-su-thi-191319.htm