Hải Lăng tập trung nguồn lực phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Nhận thức rõ về vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể đối với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, huyện Hải Lăng đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế. Nhờ vậy góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện hằng năm đạt khá (12-14%), cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Nhằm phát triển doanh nghiệp, huyện Hải Lăng đã có nhiều chủ trương, chính sách để thu hút các doanh nghiệp bên ngoài vào đầu tư và phát triển doanh nghiệp tại địa phương cả về số lượng và chất lượng. Qua đó đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng giá trị ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), thương mại, dịch vụ. Đồng thời, hoàn thành cơ bản quy hoạch tổng thể và ngành, lĩnh vực, nhất là quy hoạch các cụm, điểm CNTTCN, thương mại dịch vụ, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung và ban hành các chính sách để thu hút, khuyến khích phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, toàn huyện đã có 139 doanh nghiệp, tăng 39 doanh nghiệp (39%) so với năm 2016; tổng số vốn đăng kí 866 tỉ đồng, tăng 222 tỉ đồng (25,7%) so với năm 2016. Tổng doanh thu bình quân hằng năm của các doanh nghiệp đạt khoảng 770 tỉ đồng. Các doanh nghiệp đăng kí kinh doanh tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, xây dựng khoảng 55%; thương mại, dịch vụ khoảng 30%; nông nghiệp khoảng 10% và các lĩnh vực khác khoảng 5% tổng số doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp ở huyện Hải Lăng có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, vốn điều lệ trên 10 tỉ đồng có 6/139 doanh nghiệp (4,3%), từ 1 tỉ đồng đến dưới 10 tỉ đồng có 82/139 doanh nghiệp (59%) và vốn điều lệ dưới 1 tỉ đồng có 51/139 doanh nghiệp (36,7%). Có 98 doanh nghiệp (70,5%) có dưới 10 lao động, 39 doanh nghiệp (28%) từ 10-200 lao động và 2 doanh nghiệp (1,5%) trên 200 lao động. Tuy số lượng doanh nghiệp trên địa bàn huyện còn ít, quá trình hoạt động còn gặp nhiều khó khăn; công tác hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp chưa được triển khai cụ thể nhưng đa số các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, năng lực cạnh tranh ngày được nâng cao, đã hình thành được một số doanh nghiệp tham gia các hoạt động xuất, nhập khẩu quốc tế. Các doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách bình quân đạt 20 tỉ đồng/ năm, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 2.000 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước thay đổi diện mạo của huyện.
Bên cạnh đó, hoạt động của kinh tế tập thể, kinh tế hộ cá thể có bước phát triển đáng ghi nhận. Toàn huyện hiện có khoảng 2.052 cơ sở sản xuất CN-TTCN với 5.320 lao động, đóng góp vào giá trị sản xuất hằng năm khoảng 700 tỉ đồng; 4.144 cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ với 5.967 lao động, với tổng doanh thu bán lẻ hằng năm 2.500 tỉ đồng; trong đó có 2.475 hộ cá thể được cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh. Những năm qua, hoạt động khởi nghiệp doanh nghiệp cho các hộ kinh doanh chưa được huyện ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể. Tuy nhiên, thông qua các đề án, kế hoạch, chính sách của huyện và xã về khuyến khích phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, các chính sách về phát triển thương mại, dịch vụ…, nhiều tập thể, cá nhân tham gia thực hiện, đạt được nhiều kết quả quan trọng, bước đầu hình thành nên nhiều hoạt động khởi nghiệp do các đoàn thể phát động, tuyên truyền, vận động các hội viên, đoàn viên và nhân dân thực hiện. Nhiều ý tưởng, phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh của phụ nữ được triển khai, các sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống, các sản phẩm đặc trưng của huyện, xã được thành lập theo tổ hợp tác hoặc nhóm để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như: Tổ bánh tét xã Hải Thượng, HTX chăn nuôi gà Tứ Hải… Phong trào khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên có nhiều khởi sắc, nhiều ý tưởng về xây dựng các mô hình được thực hiện, cho kết quả tốt như mô hình chăn nuôi tập trung, gia trại tổng hợp, mở cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ, khởi nghiệp kinh doanh online…
Trên cơ sở những kết quả đạt được, huyện Hải Lăng đang tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư phát triển CN- TTCN, thương mại, dịch vụ, ngành nghề và tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Trọng tâm là từ nay đến năm 2021 sẽ tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; từng bước đưa vào khai thác, sử dụng các vùng quy hoạch sản xuất tập trung, các điểm CN-TTCN, thương mại, dịch vụ; củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các làng nghề. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính sách hỗ trợ của địa phương vẫn còn nhỏ lẻ; việc huy động các nguồn lực còn khó khăn; vai trò của doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực tiêu thụ các sản phẩm chưa thể hiện rõ nét. Mặt khác, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn còn ít và điều kiện của các hộ kinh doanh còn hạn chế nên ít khả năng tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của tỉnh về phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc xây dựng đề án về hỗ trợ khởi nghiệp nhằm xem xét có thể bổ sung thêm một số chính sách ngoài chính sách của tỉnh để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp là rất cần thiết. Hướng tới mục tiêu 100% dự án liên kết chuỗi giá trị được hỗ trợ; 100% các dự án khởi nghiệp được xem xét, thẩm định tính khả thi kịp thời để quyết định chính sách hỗ trợ triển khai thực hiện. 100% sản phẩm chủ lực, đặc trưng của huyện được hỗ trợ sản xuất, liên kết sản xuất theo hướng tạo ra sản phẩm khoa học công nghệ cuối cùng, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm ổn định trên thị trường. Phấn đấu từ nay đến năm 2021, hỗ trợ khởi nghiệp từ 10-15 dự án, trong đó có 4-5 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, phát triển du lịch.
Huyện Hải Lăng không chỉ có thế mạnh thâm canh cây lúa mà còn là nơi được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển ngành CN- TTCN. Cơ hội càng được khẳng định khi Khu kinh tế Đông Nam được thành lập, trong đó Hải Lăng được xác định là “vùng lõi” với các dự án động lực như Nhà máy nhiệt điện 1.200 MW, cảng Mỹ Thủy… Với sự nỗ lực của địa phương, sự hỗ trợ của cấp trên, tin tưởng huyện Hải Lăng sẽ tiếp tục có nhiều chính sách hợp lí nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thu hút nhiều dự án đầu tư trên địa bàn, góp phần thúc đẩy CN-TTCN phát triển.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=141997