Hai loại gạo nào của Việt Nam đang thống lĩnh thị trường Philippines?

ĐT8 và 5451 là hai loại gạo của Việt Nam đang được ưa chuộng tại Philippines do hạt gạo thơm, mềm, giá thành hợp lý. Hai loại gạo này tiêu thụ chủ yếu ở khu vực Metro Manila, khu vực các tỉnh phía Nam của Philippines.

ĐT8 là loại gạo thơm nhẹ. Khi nấu chín cơm mềm, vị ngọt, ráo nước. ĐT8 được trồng nhiều ở Đồng bằng sông Cửu Long, có thời gian tăng trưởng ngắn, năng suất cao nên là loại gạo xuất khẩu chủ yếu của nước ta.

Còn 5451 (hay còn gọi là OM 5451) là giống lúa thuần, được tạo ra từ 2 giống Jasmine 85 và OM 2490 với đặc tính chịu sâu bệnh tốt, ít đỗ ngã, năng suất cao (1 - 1,3 tấn/ha) mỗi năm trồng được 3 vụ. Giống này đã được Hội đồng Khoa học Công nghệ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống lúa Quốc gia vào ngày 23/6/2011.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 9,5% về lượng và tăng 33,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 3,2 triệu tấn với trị giá thu về hơn 2 tỷ USD. Đây là con số cao nhất đạt được của ngành gạo trong 4 tháng đầu năm kể từ trước đến nay.

Đến đầu tháng 6, giá gạo xuất xuất của Việt Nam vẫn duy trì ổn định ở mức 573 USD/tấn với gạo 5% tấm, trong khi gạo cùng loại của Thái Lan là 622 USD/tấn; gạo 25% tấm của Việt Nam là 552 USD/tấn, còn gạo của Thái Lan là 561 USD/tấn.

Nhìn từ thực tế, thời gian tới xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi khi nhu cầu của các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia, châu Phi… ở mức cao trong năm nay do ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết El Nino. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo trong năm 2024 và 7,5 triệu tấn trong năm 2025.

Thông tin từ Cục Thực vật (Bureau of Plant Industry), Bộ Nông nghiệp Philippines cho thấy nhập khẩu gạo của Philippines đạt gần 2 triệu tấn trong 5 tháng đầu năm 2024, cao hơn khá nhiều so với 5 tháng đầu năm 2023.

Năm 2024, dự tính tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines đạt khoảng 4 triệu tấn. Tính từ ngày 1/1 đến hết ngày 23/5/2024, tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines tăng 20,3% so với 5 tháng đầu năm 2023, đạt mức 1,97 triệu tấn, cao hơn khá nhiều so với mức nhập khẩu 1,64 triệu tấn trong 5 tháng đầu năm 2023.

Từ đầu năm cho đến nay, Cục Thực vật đã cấp 4.066 giấy phép thông quan nhập khẩu gạo cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Trong đó, Việt Nam vẫn là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất của Philippines. Kể từ ngày 1/1 đến ngày 23/5/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu sang Philippines đạt 1,44 triệu tấn, chiếm 72,9% trong tổng số gạo nhập khẩu của Philippines. Đứng thứ hai là Thái Lan xuất khẩu sang Philippines đạt 300.227,24 tấn, tiếp theo là Parkistan đạt 144.834,50 tấn, Myanmar đạt 65.080 tấn. Phần còn lại nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Ý và Tây Ban Nha.

Trước đó ngày 4/6, ông Arsenio Balisacan, Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Philippines tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng, thuế nhập khẩu với mặt hàng gạo sẽ giảm xuống 15% thay vì 35% như hiện nay. Thuế sẽ được giảm đối với cả gạo trong và ngoài hạn ngạch, mức thuế mới sẽ kéo dài cho đến năm 2028.

Quyết định trên nhằm mục đích hạ giá gạo và giúp gạo có giả cả phải chăng hơn đối với đại đa số người dân, nhất là dân nghèo, cận nghèo. Việc áp thuế 15% thay vì 35% cũng đồng thời hỗ trợ sản xuất trong nước thông qua việc bao phủ thuế quan và tăng hỗ trợ ngân sách để cải thiện năng suất nông nghiệp, đặc biệt khi giá gạo toàn cầu vẫn tăng.

Ngoài ra, việc giảm thuế cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nông nghiệp, khuyến khích họ đầu tư vào công nghệ tiên tiến và mở rộng quy mô sản xuất. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng gạo mà còn giúp nông dân cải thiện thu nhập, từ đó nâng cao mức sống của người dân ở khu vực nông thôn.

Nguyễn Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hai-loai-gao-nao-cua-viet-nam-dang-thong-linh-thi-truong-philippines-d218040.html