Hái 'lộc rừng' trên dãy Hoành Sơn
Hàng năm cứ vào độ tháng 3, khi mùa dâu rừng chín, nhiều người dân sinh sống bên mái đèo Ngang ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) rủ nhau đi hái 'lộc rừng' trên dãy Hoành Sơn…
Rủ nhau đi hái dâu rừng
Dãy Trường Sơn chạy dọc các tỉnh miền Trung, khi ngang qua địa phận 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình có một nhánh đâm ngang ra biển gọi là Hoành Sơn. Ở trên dãy núi này, 4 mùa cây cối tốt tươi và cho nhiều sản vật quý hiếm. Chính vì vậy, người dân các xã phía Nam dãy Hoành Sơn (ở tỉnh Quảng Bình) không quen gọi 4 mùa theo Xuân, Hạ, Thu, Đông mà gọi tương ứng theo mùa dâu, sim, móc, muồng. Đây là 4 loài quả đặc trưng mà dãy Hoành Sơn ban tặng cho người dân địa phương.
Trước đây, vào mùa quả rừng chín, chỉ lác đác vài người đi hái trái cây rừng về ăn và bán ở các chợ, thế nhưng, những năm gần đây, khi các loại quả rừng được chế biến thành các loại nước uống, thì cứ đến mùa quả rừng chín, rất đông người dân vào rừng hái quả để tăng thu nhập.
Tháng 3 - khi nắng đã trải vàng khắp rừng núi, trên dãy Hoành Sơn loài dâu rừng đang chín rộ. Người dân sinh sống ở các xã bên mái đèo Ngang “í ới” rủ nhau lên dãy Hoành Sơn hái dâu. Dâu rừng đang có giá cao từ 40-50 nghìn đồng/lon (lon được chế từ vỏ hộp sữa đặc bằng kim loại, một loại dụng cụ người dân thường dùng để đong gạo) nên những người đi hái dâu rừng đã thu được tiền triệu mỗi ngày.
Chị Đàm Thị Thanh (xã Quảng Kim) vừa trở về nhà từ cửa rừng với một bao lưới đựng quả dâu rừng chín mọng. Với giá bán hiện tại khoảng 160.000 đồng/kg, chị Thanh đã có trên 1 triệu đồng. Để có được số dâu rừng này, chị và những người đi hái dâu phải thức dậy từ lúc 5 giờ sáng, đi nhiều kilômét đường rừng trên dãy Hoành Sơn. Chị Thanh cho biết, trước đây, trên dãy Hoành Sơn, cây dâu rừng rất nhiều, chỉ vào sát bìa rừng là đã nhìn thấy. Nhưng gần đây, cây dâu rừng cũng ít đi. Bây giờ muốn hái được nhiều dâu rừng thì phải vào sâu trong rừng, leo lên tận những đỉnh núi cao. Tuy vất vả nhưng cũng rất vui, vì nhờ quả dâu rừng mà chúng tôi có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Cứ đến mùa quả rừng chín, chị Phạm Thị Liên (ở xã Quảng Kim) lại có mặt trong đội đi hái “lộc rừng” trên dãy Hoành Sơn. Theo chị Liên, những năm qua, nhờ những mùa quả rừng mà dãy Hoành Sơn ban tặng nên cuộc sống gia đình chị ổn định hơn. Mùa nào thức nấy, hết dâu thì đến sim, rồi móc, muồng, chị đều bám rừng để “hái lộc” mưu sinh. Chị Liên cho biết, mùa dâu và sim năm ngoái, gia đình chị thu được hơn 30 triệu đồng từ việc hái quả. Nhờ tiền “hái quả rừng” mà gia đình chị mua được một con bò giống để chăn nuôi và sửa lại ngôi nhà kiên cố hơn.
Đưa “lộc rừng” về tận vườn nhà
Những năm gần đây, nhận thấy giá trị kinh tế cao, ở các xã Quảng Tiến, Quảng Hợp, Quảng Kim…, nhiều người đã đưa các loại quả rừng về “thuần hóa”, trồng trong vườn nhà để mở ra cơ hội làm ăn mới.
Trong số các cây bản địa cho quả thì cây sim được bà con đánh giá dễ trồng hơn cả. Sim mọc tự nhiên cũng nhiều hơn nên việc đào cây về trồng cũng không khó. Thậm chí, nhiều người còn trồng sim thành hàng rào xanh vừa làm cảnh vừa có thu nhập vào mùa quả chín. Gia đình ông Tưởng Văn Xô (xã Quảng Hợp) nhờ trồng 3 sào cây sim mà mỗi vụ cũng thu về trên 2 tạ quả (hiện giá thị trường dao động từ 20 - 40 nghìn đồng/kg).
So với cây sim, dâu rừng được đánh giá là loại cây rất khó trồng. Thời gian qua, anh Trần Văn Nam (xã Quảng Hợp) đã kiên trì chăm sóc hơn 20 gốc dâu rừng được anh đưa về từ dãy Hoành Sơn. Đến nay, sau hơn 4 năm, vườn dâu rừng của anh Nam đã cho thu hoạch. Với 20 gốc dâu, mỗi vụ anh Nam cũng thu được gần 10 triệu đồng.
Anh Tưởng Thái Hoàng - Trưởng thôn Hợp Bàn (xã Quảng Hợp) chia sẻ: “Dãy Hoành Sơn đã mang lại nhiều loại lâm sản phụ rất có giá trị cho người dân trong vùng, như: dâu, sim, muồng, quả chòi mòi, củ mài, lá kim ngân, lá vằng, rau má, hạt dẻ, mật ong..., tạo sinh kế cho rất nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, trở nên khấm khá. Mùa nào thức nấy, cứ chịu khó vào rừng tìm “lộc rừng” thì cũng kiếm được chừng 300 - 500 nghìn đồng/ngày/người, người nào may mắn thì thu về hơn 1 triệu đồng/ngày.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hai-loc-rung-tren-day-hoanh-son-10276151.html