Hai lý do chưa xây dựng Luật Hành chính công, Dịch vụ công
Sáng 09/11, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc trình Quốc hội xem xét dự án Luật Hành chính công, Luật Dịch vụ công, trong đó có nêu rõ 2 lý do cụ thể.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) đặt vấn đề, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi các quốc gia phải ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong công tác lập pháp, quản lý, điều hành nền hành chính và tổ chức cung ứng dịch vụ công chưa nghiên cứu, ứng dụng các luận cứ khoa học quản lý về hành chính công và dịch vụ công nên hệ thống pháp luật chưa thực sự minh bạch, rõ ràng về công và tư, chồng chéo, chưa đồng bộ với pháp luật về đầu tư công, quản lý tài chính công và tài sản công. Đây là nguyên nhân cốt lõi để giải ngân vốn đầu tư công còn gặp nhiều khó khăn thời gian vừa qua.
Do đó Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề nghị Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ cho biết bao giờ thống nhất chỉ đạo Bộ Tư pháp, Bộ Công an hay Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, trình dự án Luật Hành chính công, Luật Dịch vụ công đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử, Chính phủ số, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết của Đảng.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tất cả các đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Khóa XIV đều nhận biết được sự kiên trì của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh trong sáng kiến đề xuất xây dựng pháp luật, đó là Luật Hành chính công và sau này chuyển thành Luật Dịch vụ công.
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau khi nhiều lần làm việc giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã trao đổi thống nhất và thấy rằng chưa thể ban hành luật này vì các lý do. Thứ nhất, các quy định về hành chính công đều đã được quy định trong từng dự án luật, trong hệ thống pháp luật chúng ta đều có các quy định thủ tục hành chính công. Thứ hai, trong dự thảo luật mà đại biểu trình bày, đã chuẩn bị thì chưa rõ đối tượng, phạm vi và nội hàm và vì thế chưa thể ban hành được, do đó chưa thể trình Quốc hội.