Ngày pháp luật Việt Nam - đề cao giá trị của pháp luật
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Ngày pháp luật Việt Nam) đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương và đông đảo nhân dân hưởng ứng, thực hiện nghiêm túc, tạo hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, góp phần khơi dậy ý thức công dân, xây dựng lối sống thượng tôn pháp luật.
Giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật
Ngày pháp luật được quy định cụ thể trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật Việt Nam. Đây là ngày trong năm để khẳng định vị trí, thượng tôn pháp luật trong đời sống xã hội, nâng cao ý thức chấp hành và bảo vệ pháp luật tại Việt Nam, thúc đẩy tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Ngày 9-11-1946, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được ban hành (Hiến pháp 1946 - nay đã hết hiệu lực), đánh dấu mốc son trong lịch sử lập pháp của Việt Nam, được lấy là Ngày pháp luật Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã có 5 bản Hiến pháp, bản Hiến pháp đang có hiệu lực là Hiến pháp năm 2013.
Thông qua các hoạt động được tổ chức, Ngày pháp luật Việt Nam giúp mọi tổ chức, cá nhân, công dân nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt và hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật. Qua đó, những người thi hành pháp luật sẽ nhận được các thông tin phản hồi, quan điểm đánh giá về tất cả quy định pháp luật cũng như cách thức thực hiện, hiệu quả của hệ thống pháp luật đối với đời sống xã hội. Từ đó hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, cũng như cải thiện, nâng cao hoạt động của hệ thống tư pháp.
“Hằng năm, trung tâm ban hành các kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân. Người dân đã dành thời gian tham gia, tập trung lắng nghe và hỏi đáp trực tiếp tại buổi tuyên truyền. Nhìn chung các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã đáp ứng yêu cầu pháp luật”.
Bà PHAN THỊ VÂN, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, Sở Tư pháp
Ngày pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn. Qua đó góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong đời sống xã hội. Đồng thời, vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Bình Phước hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam
Tại Nghị định số 28/2013/NĐ-CP, Chính phủ quy định Ngày pháp luật Việt Nam có thể được tổ chức dưới các hình thức như: Mít tinh; hội thảo; tọa đàm; thi tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động, triển lãm và các hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Đến nay, Ngày pháp luật Việt Nam đã được bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương và đông đảo nhân dân tích cực hưởng ứng, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, góp phần khơi dậy ý thức trách nhiệm công dân, nâng cao nhận thức pháp luật, xây dựng lối sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Tại tỉnh Bình Phước, ngày 8-10-2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4132/KH-UBND về việc hưởng ứng Ngày pháp luật nước Việt Nam năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam trên địa bàn tỉnh được tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, cao điểm từ ngày 1-11 đến 9-11-2024.
Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã gắn việc hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam với phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó tập trung phổ biến chính sách, pháp luật cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, tập trung vào các luật, pháp lệnh, văn bản mới thông qua năm 2023, 2024; pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phòng, chống tội phạm; an toàn giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm…
Song song đó, Bình Phước đã và đang tăng cường tuyên truyền cổ động trực quan thông qua áp phích, băng-rôn, cờ phướn trên các tuyến đường, tuyến phố, khu trung tâm, các cơ quan, đơn vị hành chính, trường học, địa điểm công cộng trên địa bàn; tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật hướng về cơ sở; truyền thông trên cổng/trang thông tin điện tử, các phương tiện thông tin truyền thông, loa truyền thanh tại cơ sở... và hình thức phù hợp khác.
“Hoạt động trợ giúp pháp lý luôn lấy người nghèo, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế khác là mục tiêu phục vụ. Những năm gần đây, hoạt động trợ giúp pháp lý đã góp phần tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người nghèo và một số nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội”.
Ông TRẦN THANH LONG, Phó Giám đốc Sở Tư pháp
Chỉ tính trong 9 tháng năm 2024, tỉnh đã thực hiện 4.916 cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật cho gần 420 ngàn lượt người; tổ chức 26 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thu hút hơn 1.600 lượt người tham gia.
2024 là năm thứ 11 cả nước thực hiện hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam. Thông qua các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và ý thức thượng tôn pháp luật trong toàn dân, khẳng định hơn nữa mục đích, ý nghĩa của Ngày pháp luật Việt Nam và vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội.