Hai mặt giá trị khi bác sĩ dùng mạng xã hội để truyền thông
Theo các chuyên gia, hiện một số phòng khám, bác sĩ dùng mạng xã hội để livestream, đăng video, hình ảnh của bệnh nhân để quảng cáo cho tên tuổi của bản thân. Việc làm này như con dao hai lưỡi, vô tình làm lộ thông tin của người bệnh và có thể bị xử phạt.
Video truyền thông sức khỏe: dễ hiểu, dễ tiếp cận
Để bắt nhịp xu hướng công nghệ, hiện nay, nhiều đơn vị truyền thông của bệnh viện ở TPHCM bắt đầu đổi mới cách thức, nội dung truyền thông chăm sóc sức khỏe. Thay vì chỉ áp dụng hình thức truyền thông truyền thống (phát tờ rơi, treo băng rôn, pa nô…), các đơn vị y tế, thậm chí là bác sĩ đã chủ động cập nhật các video chăm sóc sức khỏe thông qua kênh Facebook, Youtube, Instagram… để người dân có thêm kiến thức phòng, điều trị một số bệnh thường gặp.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long, Giảng viên cao cấp chương trình Quan hệ công chúng, Khoa Truyền thông và Thiết kế, Trường Đại học RMIT Việt Nam, thống kê cho thấy khoảng 20% người dân muốn không chia sẻ tình trạng về sức khỏe của bản thân với những người thân, bạn bè. Thay vào đó, họ tìm kiếm thông tin được chia sẻ trên mạng.
Thay vì chỉ đọc tin tức liên quan đến sức khỏe từ các trang báo chính thống như trước đây, hiện việc cập nhật thông tin của người dân đang dần chuyển dần qua đa kênh, đa nền tảng như Facebook, Twitter, Youtube, Podcast … Điều này có thể dẫn tới sự nhiễu loạn một số thông tin chưa được kiểm chứng.
Ngoài ra, dù đã có nhiều đổi mới trong cách truyền tải thông tin sức khỏe nhưng ông Long cho biết: “Hiện có 66% các cơ sở y tế vẫn sử dụng những phương tiện truyền thống trong việc giao tiếp với bệnh nhân. Chỉ 57% nhân viên y tế, bác sĩ được đào tạo bài bản về cách truyền thông mới với người dân trong việc khám chữa bệnh”. Có đến 55% người khám chữa bệnh không tiếp thu được nội dung của các cơ sở y tế hay bác sĩ, nếu họ không được tiếp cận thông tin từ các trang mạng xã hội. Họ cũng mong chờ các câu chuyện truyền cảm hứng, thông tin dễ hiểu thay vì đưa ra các số liệu thống kê khô khan.
Cùng quan điểm, Thạc sĩ Đỗ Thị Nam Phương, Trưởng Trung tâm truyền thông, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho rằng, các chuyên gia y tế thường sử dụng ngôn ngữ chuyên môn, khiến thông tin trở nên khó tiếp cận và khó hiểu đối với người dân. Đặc thù nghề nghiệp cũng khiến các trung tập trung vào việc truyền đạt thông tin chính xác và toàn diện, nhưng thường ít sự tương tác, làm cho thông tin khó thu hút sự chú ý.
Ngược lại, các thông tin thiếu kiểm chứng nhưng lại được dàn dựng hấp dẫn, tạo hiệu ứng tốt nên dễ lan tỏa trên nhiều nền tảng. Trong khi đó chưa có nhiều chuyên gia y tế sử dụng phương tiện truyền thông. Điều này khiến việc chuyển tải thông tin đúng đang bị hạn chế hoặc không hiệu quả.
Thời gian vừa qua, mạng xã hội xuất hiện nhiều bác sĩ thường xuyên đăng tải các video về chăm sóc da, nhi khoa, sản khoa… Các video này đã biến kiến thức y khoa “khô cứng” dần trở nên dễ hiểu, gần gũi với người dân hơn. Thế nhưng, khía cạnh khác, một số chuyên gia y tế lo ngại về việc tham gia mạng xã hội có thể đối mặt với ánh mắt dòm ngó và lời nói thiếu thiện cảm cho rằng bác sĩ không lo chuyên môn, lại lên mạng làm hình ảnh. Hoặc nếu các bác sĩ trở nên nổi tiếng, họ có thể bỏ đi, liệu bệnh viện có bị thiệt hại không.
Trước những lo ngại này, trong chuyên đề “Hướng đến quốc gia số: Chuyển đổi số trong y tế” do Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức vào ngày 19-7 vừa qua, Trưởng Trung tâm truyền thông của đơn vị này cho biết, vai trò của các cơ sở y tế và cá nhân bác sĩ khi tham gia vào mạng lưới truyền thông là trở thành chuyên gia trong xã hội để “uốn nắn” luồng thông tin và góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Các bác sĩ dù công tác ở đơn vị nào cũng là đang phụng sự xã hội. Vì vậy, lãnh đạo các cơ sở y tế nên cởi mở trong việc đầu tư cho đội ngũ bác sĩ trở thành những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng đến xã hội. Những bệnh viện tạo điều kiện cho các nhân viên y tế hoạt động trên mạng xã hội, cũng có thể nâng tầm được thương hiệu của đơn vị.
Có thể trở thành ‘con dao 2 lưỡi’
Việc thực hiện các video truyền thông sức khỏe trên mạng xã hội không chỉ với mục đích cá nhân là nổi tiếng hoặc thương mại, mà còn giúp hạn chế việc truyền bá các thông tin độc hại, sai lệch. Tuy nhiên, chia sẻ với KTSG Online, luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, hiện nay, nhiều phòng khám, bác sĩ đã sử dụng mạng xã hội để livestream, đăng video, đưa hình ảnh của bệnh nhân để quảng cáo cho tên tuổi của bản thân. Việc làm này như con dao hai lưỡi, có thể sẽ có nhiều bệnh nhân biết và tìm đến họ. Tuy nhiên, việc sử dụng mạng xã hội để “kể công trạng” trị bệnh, cũng như vô tình làm lộ các thông tin của người bệnh.
Nếu người bệnh đồng ý, đây được xem như là sự thỏa thuận của đôi bên theo pháp luật dân sự. “Trong trường hợp bệnh nhân không đồng ý hoặc các bác sĩ quay lén, đăng lên mạng mà không xin phép người bệnh, thì đây được xem là hành vi làm lộ thông tin của bệnh nhân. Hành vi này sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng theo điểm C khoản 3 Điều 38 Nghị định 117/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Cùng với đó, phía người bệnh có thể khởi kiện yêu cầu gỡ hình ảnh, thông tin bị lộ và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có)”, vị luật sư này nói thêm.
Trước đây, Thanh tra Sở Y tế TPHCM từng ra quyết định xử phạt bác sĩ chuyên khoa sản phụ khoa Cao Hữu Thịnh về hành vi làm lộ tình trạng bệnh, thông tin mà người bệnh đã cung cấp và hồ sơ bệnh án. Đây như một hồi chuông cảnh báo cho các phòng khám, bác sĩ cần cẩn trọng hơn khi đăng tải video, hình ảnh bệnh nhân với mục đích quảng bá.
Luật sư Ý cho hay các thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý. Hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh (theokhoản 2 Điều 8 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009).
Dựa theo khoản 4 Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư trong hồ sơ bệnh án chỉ được công khai trong các trường hợp khác như sinh viên thực tập, nghiên cứu viên, người hành nghề trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được mượn hồ sơ bệnh án để đọc hoặc sao chép phục vụ cho việc nghiên cứu hoặc công tác chuyên môn kỹ thuật hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về y tế trực tiếp quản lý hay cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án…
Lo ngại nổi tiếng trên mạng xã hội có thể bị “ném đá”
Theo ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở thông tin truyền thông TPHCM, lĩnh vực truyền thông y tế đang đứng trước “mỏ vàng” với nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, thực tế nhiều bác sĩ còn ngại việc truyền thông vì không muốn nổi tiếng hoặc sợ bị “ném đá” trên mạng xã hội.
“Hiện có nhiều Nghị định, luật xử lý những sai phạm trên không gian mạng. Bên cạnh xử lý hành chính, cơ quan chức năng vẫn có thể xử lý hình sự nếu vi phạm, thậm chí là khóa khoản để có thể bảo vệ người dùng trên không gian mạng”, ông Hồi thông tin tại hội thảo “Phương thức mới trong truyền thông y tế” diễn ra tại TPHCM vừa qua.
Cụ thể là theo Điều 101 của Nghị định 15/2020, trường hợp cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi đó. Vì vậy, bên cạnh tăng cường hoạt động truyền thông chăm sóc sức khỏe, các đơn vị và cá nhân cũng cần nắm vững bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội lẫn quy định pháp luật để không làm sai hoặc vi phạm vì thiếu hiểu biết.