Hai mặt hàng giảm tốc xuất khẩu, 'rớt' khỏi 'câu lạc bộ tỷ đô'
Bộ Công Thương cho biết, quý I năm nay, 'câu lạc bộ xuất khẩu tỷ đô' chỉ còn 14 mặt hàng, giảm 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm ngoái.
Do những khó khăn trong sản xuất và sụt giảm đơn hàng, kim ngạch xuất khẩu tháng 3-2023 mặc dù có sự hồi phục, ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước nhưng giảm tới 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung quý I-2023, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ tăng 14,4%).
Đáng chú ý, trong quý I-2023 có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giảm 2 mặt hàng so với quý I-2022 (có 16 mặt hàng), chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; Có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,8%.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 6,86 tỷ USD. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: thủy sản, cao su, sắn và các sản phẩm từ sắn đã giảm mạnh trong quý vừa qua.
Điểm nổi bật trong xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản trong tháng 3 là xuất khẩu gạo tăng mạnh cả về lượng và về trị giá xuất khẩu. Ước tính xuất khẩu gạo tháng 3-2023 so với tháng trước tăng 68,3% về lượng và tăng 67,6% về kim ngạch; so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo tăng 69,3% về lượng và tăng 82,3% về kim ngạch xuất khẩu.
Cùng với đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo xuất khẩu cũng suy giảm mạnh, ước đạt 67,5 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái do chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu, tổng cầu giảm sút, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn giảm mạnh. Chỉ riêng mặt hàng điện thoại và linh kiện- mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất, trong quý I ước đạt 13 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng cũng giảm 15% so với cùng kỳ năm trước; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 11,8 tỷ USD, giảm 10,9%; hàng dệt may đạt 7,2 tỷ USD, giảm 17,4%; giày dép các loại đạt 4,3 tỷ USD, giảm 18,6%...
Về thị trường xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta trong quý I-2023 đều giảm. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 20,57 tỷ USD, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu cũng là thị trường sụt giảm mạnh nhất, tới 21,6% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc.
Theo Bộ Công Thương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt giảm xuất khẩu. Trong đó đáng chú ý là việc Trung Quốc mở cửa trở lại làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương cho hay, hoạt động giao ban với thương vụ nước ngoài sẽ được đẩy mạnh để cập nhật thông tin về thị trường cho doanh nghiệp.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới cũng như tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu…