Hai năm, 5 triệu ca tử vong và những điều trớ trêu của COVID-19
Tiến sĩ Wafaa El-Sadr, Giám đốc ICAP, một trung tâm y tế tại Đại học Columbia, cho biết: 'Điều khác lạ và trớ trêu của COVID-19, là đại dịch này gây ảnh hưởng nặng nề nhất ở các quốc gia có nguồn tiềm lực dồi dào'.
Thân nhân viếng mộ một nạn nhân COVID-19 ở Bogota (Colombia). Ảnh: AP
Số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu đã vượt mốc 5 triệu ca vào ngày 1/11, chưa đầy hai năm sau khi cuộc khủng hoảng y tế bùng phát khiến cả những nước phát triển với hệ thống chăm sóc sức khỏe hàng đầu phải lao đao.
Mỹ, Anh, Brazil và Liên minh châu Âu chỉ chiếm khoảng 1/8 dân số thế giới, nhưng lại là nơi tập trung gần một nửa tổng số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu. Tính riêng tại Mỹ đã có hơn 745.000 người thiệt mạng, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Tiến sĩ Albert Ko, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại trường Y tế Công cộng (thuộc Đại học Yale) cho biết: “Đây là thời khắc quyết định. Chúng ta phải làm gì để thế giới không ghi nhận thêm 5 triệu ca tử vong nữa?”.
“Cột mốc tàn khốc này nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đang thất bại trên phần lớn thế giới”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản. "Đây là một nỗi hổ thẹn toàn cầu".
Số người chết, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, tương đương dân số của Los Angeles và San Francisco (hai thành phố Mỹ) cộng lại. Con số này sánh ngang với số người thiệt mạng trong cuộc đối đầu giữa các quốc gia kể từ năm 1950, theo ước tính của Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo. Trên toàn cầu, COVID-19 hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba, sau bệnh tim và đột quỵ.
Tuy nhiên, con số này dường như không phản ánh đúng thực tế. Vì nhiều người mắc COVID-19 thậm chí đã qua đời tại nhà khi chưa được điều trị, đặc biệt là ở những nước nghèo, nơi hệ thống chăm sóc sức khỏe còn hạn chế.
Các điểm nóng COVID-19 đã liên tục thay đổi trong 22 tháng kể từ khi dịch bùng phát ở Trung Quốc. Sau Mỹ, Ấn Độ, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang tấn công Nga, Ukraine và các khu vực khác ở Đông Âu, đặc biệt là những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Ở Ukraine, hiện mới chỉ có 17% dân số trưởng thành được tiêm đủ liều vắc xin. Ở Armenia, con số này mới chỉ đạt 7%.
Tiến sĩ Wafaa El-Sadr, Giám đốc ICAP, một trung tâm y tế tại Đại học Columbia, cho biết: “Điều khác lạ và trớ trêu của COVID-19, là đại dịch này gây ảnh hưởng nặng nề nhất ở các quốc gia có nguồn tiềm lực dồi dào".
Theo El-Sadr, các nước giàu có tỷ lệ người già, người khỏi ung thư và người sống tại viện dưỡng lão lớn. Đây đều là những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương bởi COVID-19. Trong khi đó, các nước nghèo có tỷ lệ trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên lớn hơn. Đây là những người dễ hồi phục nếu mắc bệnh.
Sự giàu có cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tiêm chủng toàn cầu, khi các nước phát triển bị cáo buộc tích trữ vắc xin trong bối cảnh hàng triệu người châu Phi vẫn chưa được tiêm liều vắc xin nào. Châu Phi hiện vẫn là khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trên thế giới, với chỉ 5% dân số 1,3 tỷ người được tiêm đủ liều.
Tại Kampala (Uganda), Cissy Kagaba – một nhà hoạt động chống tham nhũng - đã mất đi người mẹ 62 tuổi vào ngày Giáng sinh năm 2020 và người cha 76 tuổi sau đó vài ngày. “Giáng sinh sẽ không bao giờ được như xưa nữa”, Kagaba đau lòng nói.
“Còn ai nữa đâu? Giờ trách nhiệm nằm trên vai tôi. COVID đã thay đổi cuộc đời tôi”, Reena Kesarwani (32 tuổi), một bà mẹ của hai cậu con trai ở Ấn Độ cho biết. Chồng cô - Anand Babu Kesarwani - qua đời ở tuổi 38 trong đợt bùng phát COVID-19 hồi đầu năm nay.
Ở Lake (Florida, Mỹ), LaTasha Graham (38 tuổi) hằng ngày vẫn nhận được thư gửi đến đứa con gái 17 tuổi của cô, Jo’Keria.
Jo’Keria đã qua đời vì COVID-19 vào tháng 8, vài ngày trước khi bắt đầu năm cuối trung học. Cô gái trẻ được yên nghỉ trong bộ trang phục tốt nghiệp, khi chưa kịp thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ.
“Tôi biết rằng con gái mình sẽ làm được. Nếu con bé còn sống, tôi chắc chắn rằng con bé sẽ đạt được tất cả những gì mà nó mong muốn”, Graham nói.