Hai năm tăng trưởng âm liên tiếp, Đức đang phải đối mặt với những 'hòn đá tảng' nào?

Ngày 15/1, Cục Thống kê Liên bang Đức (Destatis) thông báo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này giảm 0,2% trong năm 2024.

Đức phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong vài năm qua. (Nguồn: Shutterstock/esfera)

Đức phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong vài năm qua. (Nguồn: Shutterstock/esfera)

Đây là năm thứ hai liên tiếp nền kinh tế lớn nhất châu Âu tăng trưởng âm. Trước đó, năm 2023, kinh tế Đức đã giảm 0,3%.

Số liệu thống kê sơ bộ quý IV/2024 cũng cho thấy, nền kinh tế đất nước đã giảm 0,1% so với quý III/2024. Đầu tàu kinh tế châu Âu đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và nhu cầu xuất khẩu giảm.

Đức phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong vài năm qua, một phần do giá năng lượng tăng cao liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Từng là một khách hàng lớn mua khí đốt giá rẻ của xứ bạch dương, Berlin đã phải vật lộn để tìm kiếm các nguồn cung mới sau khi Nga ngừng cung cấp năng lượng.

Xung đột cùng với biến đổi khí hậu và các yếu tố khác trong chuỗi cung ứng quốc tế cũng góp phần làm tăng lạm phát và tăng chi phí cho các mặt hàng thiết yếu như hàng tạp hóa và đồ dùng vệ sinh.

Lạm phát đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, nhưng với Đức, vấn đề này đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Chưa kể, với một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Berlin, nhu cầu giảm đối với các sản phẩm của nước này là yếu tố quyết định tác động đến kinh tế.

Ô tô điện giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc tràn vào đã làm giảm nhu cầu đối với ô tô Đức.

Ngoài ra, đất nước cũng đang phải đối mặt với cơ sở hạ tầng cũ kỹ và khả năng cạnh tranh chậm chạp trong ngành công nghiệp và công nghệ.

(theo Euro News)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hai-nam-tang-truong-am-lien-tiep-duc-dang-phai-doi-mat-voi-nhung-hon-da-tang-nao-301081.html