Hai năm thực thi Hiệp định CTCPP: 'Mỏ vàng' tiếp sức cho Việt Nam 'tăng trưởng dương'
Nếu như Hiệp định EVFTA với 500 triệu dân EU chỉ đánh vào thị trường cao cấp thì với Hiệp định CPTPP khối lượng khách hàng cũng không hề kém cạnh.
CPTPP không chỉ hỗ trợ đắc lực cho Việt Nam đa dạng danh mục xuất khẩu, đa dạng khách hàng mà còn là “động lực” tiếp sức cho Việt Nam có mức tăng trưởng dương bất chấp “bóng đen” Covid-19 đã bao phủ lên nền kinh tế toàn cầu trong hơn một năm qua.
CPTPP – Hiệp định bảo vệ những người yếu thế
Nói về giá trị của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân từng nhận định, Hiệp định CPTPP ngoài bàn về thương mại còn bàn tới nhiều vấn đề phi thương mại như lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, phòng chống tham nhũng... Trong đó, Hiệp định CPTPP bàn sâu về người lao động, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì thế có thể coi Hiệp định CPTPP là “Hiệp định bảo vệ những người yếu thế” trong các hoạt động về thương mại, tài chính, đầu tư.
Như vậy, Hiệp định CPTPP không chỉ có ý nghĩa trên “mặt trận” kinh tế mà còn có ý nghĩa to lớn về mặt “tinh thần”. Theo bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2019, xuất khẩu sang 6 nước CPTPP đạt 34,3 tỷ USD, tăng 8,1%. Năm 2020, xuất khẩu sang 6 nước CPTPP duy trì ở mức gần tương đương 2019, đạt 34 tỷ USD.
Tuy nhiên, vẫn còn điều đáng tiếc là “cứ 20 doanh nghiệp mới có 1 doanh nghiệp biết rõ về các cam kết CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình. Trong đó, các doanh nghiệp FDI và dân doanh có tới 51-52% cho rằng CPTPP có tác động tích cực. Nhưng điều “đáng buồn” lại ở ngay chính khối doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước vì có tới 64% doanh nghiệp nhóm này cho rằng CPTPP không tác động gì – với các FTA khác cũng như vậy). Dường như quá trình hội nhập theo chiều sâu thông qua CPTPP và các FTA chưa chạm tới khu vực doanh nghiệp này”, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI cho hay.
Theo nhận định của Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI, lý do khiến doanh nghiệp không tận dụng được ưu đãi thuế quan CPTPP một phần do đã sử dụng ưu đãi thuế theo các FTA khác (37%) và một phần do không đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ (40%), gặp vướng mắc về thủ tục hay để lỡ hạn xin cấp chứng nhận xuất xứ (20%), thiếu các giấy tờ vận chuyển cần thiết (15%)... “Đáng chú ý, lý do lớn nhất mà cũng gây tiếc nuối nhiều nhất là việc doanh nghiệp không biết về ưu đãi thuế CPTPP cho lô hàng của mình”, vị này nhấn mạnh.
Trong khi đó, dù chỉ thuộc khối doanh nghiệp sản xuất “phụ kiện” nhưng vị trí của da giày, túi xách là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đang rất phát triển khi đứng thứ hai trên thế giới. Vì thế CPTPP là cú hích lớn cho ngành giày da nói riêng vì sản phẩm ngành này chủ yếu cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Ngay cả khi Mỹ rút ra khỏi CPTPP khiến tỷ trọng xuất khẩu “biến động” nhưng không có nghĩa là ngành giày da không hưởng lợi bởi tỷ trọng vẫn tăng. Đặc biệt với Canada và Mexico – trước đây vốn gián tiếp qua Mỹ nhưng khi CPTPP được thông qua thì họ đã tìm đến Việt Nam, bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Giày da Túi xách Việt Nam thông tin.
Theo bà Xuân, đại dịch Covid-19 cho thấy việc đứt gãy chuỗi cung gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới sản xuất, buộc toàn ngành phải nhìn nhận lại chiến lược phát triển. Nếu phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nguyên phụ liệu, khi xảy ra vấn đề chuỗi cung doanh nghiệp sẽ rất bị động. Ngành da giày, túi xách có thể tận dụng được các cơ hội hay không cần phải phát triển công nghiệp phụ trợ. Vì thế, giải pháp để tận dụng Hiệp định CPTPP là “vấn đề nằm ở đâu thì đưa giải pháp ở đó”.
“Mỏ vàng” CPTPP tiếp sức cho Việt Nam tăng trưởng dương
Sau hai năm nhìn lại có thể thấy, nếu Hiệp định EVFTA phục vụ cho 500 triệu người tiêu dùng “sang xịn mịn” thì thị trường của Hiệp định CPTPP với khoảng 500 triệu người và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 10.000 tỷ USD cũng không hề kém cạnh. Vấn đề mỗi thị trường phục vụ một phân khúc khách hàng khác nhau vì thế phải cơ cấu sản phẩm phù hợp để tận dụng triệt để được từng Hiệp định.
Vốn là người đồng hành và chứng kiến từng bước đi của doanh nghiệp, trong mắt Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, CPTPP là Hiệp định đặc biệt, có thời gian đàm phán lâu nhất và cũng chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng nhất. “Tiền thân của CPTPP là Hiệp định TPP, đã có những lúc chúng ta tưởng rằng CPTPP không thể ký kết nhưng cuối cùng nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ mà Hiệp định đặc biệt này đã được hồi sinh”. Và càng đặc biệt hơn khi “chúng ta là quốc gia tiên phong trong việc phê chuẩn thực hiện Hiệp định này - điều này thể hiện quyết tâm hội nhập của Việt Nam”.
Giá trị của Hiệp định CPTPP không chỉ sau hau năm mới “thể hiện” được mà ngay trước đó, thời điểm Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ đầu năm 2019. Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cũng từng nhận định CPTPP sẽ giúp hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các nước được hưởng nhiều ưu đãi. Bên cạnh đó, dự kiến GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 1,32% và xuất khẩu tăng thêm 4%. Tuy nhiên, mặc dù đang ngồi trên “đống vàng” nhưng Việt Nam lại chưa biết cách khai thác.
Thực tế này càng được khẳng định qua con số thống kê của VCCI, sau hai năm thực thi CPTPP, “cứ 4 doanh nghiệp thì mới có 1 doanh nghiệp đã từng được trải nghiệm “trái ngọt” từ Hiệp định này”. Với 3/4 các doanh nghiệp chưa từng hưởng lợi ích trực tiếp nào từ CPTPP, lý do chủ yếu (60%) là họ không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào liên quan tới thị trường hay đối tác ở khu vực CPTPP trong hai năm vừa qua.
Lý giải về việc dù ngồi trên “mỏ vàng” trong suốt 2 năm qua nhưng hiệu quả khai thác lại chưa đạt như kỳ vọng vì hơn phân nửa thời gian có hiệu lực của CPTPP, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị xáo trộn theo cách chưa từng có bởi đại dịch Covid-19. Dự báo doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị cho kịch bản sống chung với Covid-19 theo cách thức đặc biệt - kinh doanh trong bối cảnh “bình thường mới”, Chủ tịch VCCI nói.
Điều đáng mừng là mặc dù đã phải chịu nhiều thiệt hại trong thời gian qua, đa phần các doanh nghiệp tỏ thái độ khá bình tĩnh, với 60,4% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục hoạt động bình thường. Thậm chí 13,3% doanh nghiệp vẫn hoạt động kinh doanh rất tốt trong đại dịch, họ có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng có khoảng 17,2% doanh nghiệp rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, và gần 1% tính tới việc ngừng kinh doanh tạm thời hoặc vĩnh viễn trong thời gian tới.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Hiệp định CPTPP đã tác động tới Việt Nam từ trước khi có hiệu lực. Thành ra sau 2 năm đánh giá lại Hiệp định này trong điều kiện đặc biệt – cả thế giới chao đảo bởi đại dịch Covid-19 sẽ chưa thấy hết tác động có chiều dài chiều sâu của Hiệp định này. Nhưng thực tế từ năm 2013 Việt Nam bắt đầu đưa luật tái cơ cấu, cải thiện môi trường kinh doanh. Sau đó, được các nhà hoạch định chính sách “kế nghiệp” rất nhanh, đáng chú ý vấn đề mở cửa lao động, công đoàn thay đổi tư duy… và kết quả này đã phản ánh vào kinh tế – xã hội Việt Nam trong những năm vừa qua.
Hiệp định CPTPP càng đáng “trân trọng” hơn trong bối cảnh năm 2020 - nền kinh tế toàn cầu bị bao phủ bởi “bóng đen Covid-19” thì Việt Nam lại trở thành một trong những quốc gia “hiếm hoi” có mức tăng trưởng dương. Trong đó có công trạng của xuất khẩu sang 6 nước CPTPP đạt 34 tỷ USD trong năm 2020 (duy trì ở mức gần tương đương năm 2019) - năm đầu tiên Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực.