Hai ngôi nhà 'đặc biệt' ở bản Hua Rốm

Bất chấp những làn mưa rét, chiếc xe máy gồng mình đưa chúng tôi vượt qua con dốc cao rồi dừng lại trước một ngôi nhà ở ven đường. Nhác thấy chúng tôi, đám trẻ con đang chơi bỗng túa ra và reo lên: 'Thủ trưởng Kiên... bộ đội Kiên... về bản...' bằng cả tiếng Mông và tiếng Kinh lẫn lộn.

Thấy vậy, Đại úy QNCN Chu Văn Kiên, nhân viên thống kê - quân lực, Ban CHQS TP Điện Biên Phủ nhìn tôi cười rồi nói nhỏ: “Bọn trẻ ở bản này đã quen với tiếng xe máy của tôi. Chỉ cần đi qua là chúng đã nhận ra rồi”.

Tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên thì lũ trẻ con đã ùa tới tíu tít. Một bé gái trong nhóm túm lấy tay tôi như sợ những đứa khác giành mất rồi hổn hển nói bằng tiếng phổ thông chưa sõi: “Mời chú và chú Kiên vào nhà cháu trước. Bố cháu nhắc chú Kiên suốt”. Rồi chưa cần biết tôi có đồng ý hay không, nó cứ níu tay lôi vào căn nhà mới xây trước mặt. Đón chúng tôi là người đàn ông khoảng 50 tuổi, dáng vẻ hoạt bát, ánh mắt toát lên sự vui mừng, thân thiện.

Đã nhiều năm tiếp xúc với đồng bào các dân tộc nên tôi nhận ra đó là thứ tình cảm đặc trưng của người vùng cao dành cho người thân đi xa mới trở về. Người đàn ông liên tục đưa hai tay ra trước, hướng về phía chúng tôi, miệng ú ớ phát ra ngôn ngữ gì đó rất lạ, nghèn nghẹn trong cổ họng. Thấy tôi vẫn đứng với vẻ ngơ ngác chưa hiểu, bé gái nhanh nhảu giãi bày: “Bố cháu mời các chú vào nhà đấy. Từ hôm về nhà mới, bố con cháu vẫn chờ các chú đến chơi...”. Đứa bé vừa dứt lời, anh Kiên khoát tay ra hiệu cho tôi ngồi xuống một trong những chiếc ghế gỗ cũ kỹ được kê ngay ngắn giữa nhà.

Tôi đưa mắt nhìn quanh, căn nhà chỉ rộng chừng 40m2 vẫn còn mùi ngai ngái của vôi vữa. Tài sản đáng giá nhất có lẽ là những bao lúa được xếp gọn ở góc nhà. Phía bên kia là một chiếc giường gỗ dành cho cả nhà. Tuy vậy, căn nhà lại nằm ở vị trí “đắc địa” ngay giữa bản, cạnh nhà là những cây đào cổ thụ đang nở hoa rực rỡ.

 Đại úy QNCN Chu Văn Kiên cùng các chiến sĩ dân quân và gia đình anh Giàng A Di bên ngôi nhà đại đoàn kết ở bản Hua Rốm, xã Nà Tấu, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Đại úy QNCN Chu Văn Kiên cùng các chiến sĩ dân quân và gia đình anh Giàng A Di bên ngôi nhà đại đoàn kết ở bản Hua Rốm, xã Nà Tấu, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Dù đã được thông báo trước về chuyến đi bản lần này nhưng tôi vẫn ngạc nhiên bởi cách đón tiếp thân tình của người dân nơi đây. Sau một hồi thăm hỏi thân tình, câu chuyện lần lượt được anh Kiên chia sẻ: Mùa hè năm 2023, anh Kiên cùng Thiếu tá QNCN Nguyễn Thiện Tuyển và Thiếu tá QNCN Thào A Minh được chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương làm công tác vận động quần chúng tại bản Hua Rốm, xã Nà Tấu, TP Điện Biên Phủ, kết hợp giúp hai gia đình có hoàn cảnh khó khăn thi công nhà ở. Đây là hai ngôi nhà đại đoàn kết mà Ban CHQS TP Điện Biên Phủ phối hợp với các đơn vị tài trợ xây tặng hai gia đình, gồm: Anh Giàng A Di (câm, điếc bẩm sinh) và bà Giàng Thị Úa (neo đơn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về kinh tế).

Hằng ngày, anh Kiên và hai anh Tuyển, Minh thay nhau đi chợ nấu cơm và tự đo, vẽ thiết kế, thi công. Chủ nhà là anh Giàng A Di (sinh năm 1979) bị câm, điếc bẩm sinh nên mọi giao tiếp đều thực hiện bằng cử chỉ. Ngày đơn vị và cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với các nhà tài trợ làm lễ cắt băng khánh thành, bàn giao căn nhà, anh Di không nói được, cứ liên tục đưa tay lên lau những giọt nước mắt vui mừng. Còn bà Giàng Thị Úa cứ nhắc đi nhắc lại: “Cảm ơn các chú bộ đội rất nhiều. Mẹ con tôi nằm mơ cũng không dám nghĩ có được ngôi nhà đẹp đẽ thế này để ở”.

Nói về những kỷ niệm với bà con ở bản Hua Rốm, anh Kiên cho biết, cả bản có 139 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên đầu năm 2023, có 7 hộ dân với 36 người đã nghe lời kẻ xấu dụ dỗ, bán tài sản rồi vào tỉnh Đắk Nông làm ăn, nhưng chỉ được 3 tháng sau thì các hộ này lại dắt díu nhau quay về địa phương.

Quá trình làm công tác vận động quần chúng tại bản Hua Rốm, bên cạnh việc xây nhà giúp hai hộ dân, các anh còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương nắm tình hình, tuyên truyền cho người dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chế độ, chính sách của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số; tuyên truyền, làm rõ bản chất, tác hại của các tà đạo cũng như ý đồ của các đối tượng xấu nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết dân tộc; hướng dẫn nhân dân phát triển những mô hình chăn nuôi; kỹ thuật trồng rừng và chăm sóc, quản lý rừng...

Trước khi chia tay chúng tôi, bà Giàng Thị Úa liên tục nhắc: “Tết này, mời các chú bộ đội đến chơi, ăn Tết cùng mẹ con tôi và bà con nhé”!

Tạm biệt bà con dân tộc Mông ở bản Hua Rốm về TP Điện Biên Phủ, trời lạnh nhưng chúng tôi thực sự ấm lòng. Trên sườn núi, hoa đào, hoa mận đua nhau khoe sắc như báo hiệu một năm mới tràn đầy hạnh phúc, ấm no.

Bài và ảnh: HÀ KHÁNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/hai-ngoi-nha-dac-biet-o-ban-hua-rom-765192