Hải Nham: Nơi di sản và du lịch song hành phát triển

Homestay Tam Cốc Galaxy Villa (Đội 1, thôn Hải Nham) xây dựng hài hòa với thiên nhiên.

Homestay Tam Cốc Galaxy Villa (Đội 1, thôn Hải Nham) xây dựng hài hòa với thiên nhiên.

Là một phần không thể tách rời của vùng lõi Di sản Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, thôn Hải Nham (phường Nam Hoa Lư) những năm qua đã chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế du lịch. Với sự đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, thôn đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao ý thức bảo vệ di sản, qua đó không chỉ cải thiện đời sống người dân mà còn góp phần gìn giữ vẻ đẹp nguyên sơ của cảnh quan thiên nhiên.

Du lịch - "Chiếc cần câu" bền vững cho người dân

Với gần 20 năm gắn bó với nghề lái đò tại tuyến du lịch Linh Cốc-Hải Nham, bà Nguyễn Thị Vững là một trong số những người con của Hải Nham đã và đang gìn giữ di sản một cách sống động nhất. Bà không chỉ là một cư dân mà còn là người trực tiếp bảo tồn, truyền bá các giá trị văn hóa, lịch sử của Tràng An thông qua công việc hàng ngày của mình.

Bà Vững xúc động chia sẻ: Từ khi Di sản Tràng An được công nhận là Di sản Thế giới, người dân chúng tôi được thụ hưởng rất nhiều. Không chỉ được sống trong cảnh quan thiên nhiên tuyệt sắc, mà nơi đây còn trao cho chúng tôi một “chiếc cần câu ” bền vững. Mỗi gia đình trong thôn được phân công một chuyến đò phục vụ khách Việt và một chuyến đò phục vụ khách nước ngoài, luân phiên theo vòng. Trong quá trình kinh doanh dịch vụ, chúng tôi không chỉ giới thiệu cho du khách về lịch sử, văn hóa Di sản Tràng An, những tuyến tham quan Hang Chùa, Hang Ghé, Hang Bụt của tuyến du lịch Linh Cốc-Hải Nham mà còn truyền tải thông điệp về việc bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường, giúp du khách hiểu và có ấn tượng tốt đẹp về nơi họ đã đến.

Ở Hải Nham, du lịch đã thực sự làm thay đổi cuộc sống của một miền quê nghèo trước đây. Nhiều mô hình du lịch cộng đồng đã ra đời, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của người dân. Điển hình là câu chuyện làm du lịch của gia đình anh Nguyễn Văn Hà, chủ homestay Tam Cốc Galaxy Villa ở Đội 1, thôn Hải Nham.

Từng kinh doanh và làm việc trong nhiều ngành nghề, với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, năm 2024, anh Hà cùng gia đình đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp khuôn viên để kinh doanh homestay với 10 phòng nghỉ, bể bơi và nhà hàng bên cạnh núi, tạo sự gần gũi với thiên nhiên.

Anh Hà cho biết: Sinh ra và lớn lên trên quê hương Hải Nham, hơn 40 năm qua, quê hương luôn ở trong tim tôi. Do đó, tôi luôn trăn trở làm sao để phát triển kinh tế gắn liền với phát triển du lịch và bảo tồn di sản. Trong thiết kế homestay, tôi luôn chú trọng yếu tố hài hòa với thiên nhiên, bảo vệ di sản, không xâm lấn di sản, để không chỉ quảng bá di sản mà còn lấy di sản làm nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Du lịch không chỉ mang lại nguồn thu nhập mà còn giúp người dân nông thôn học hỏi thêm nhiều kiến thức, trở nên văn minh hơn. Thế hệ trẻ ở đây thường xuyên được giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường cảnh quan để phát triển du lịch bền vững. Hiện nay, thôn Hải Nham với 164 hộ, trên 400 nhân khẩu, đã có trên 10 hộ kinh doanh homestay, hơn 100 người lái đò và một số hộ kinh doanh cho thuê xe máy du lịch, tạo ra nhiều sinh kế mới cho người dân.

Phòng nghỉ ở homstay tại thôn Hải Nham được thiết kế bằng ốp gỗ hài hòa với thiên nhiên.

Phòng nghỉ ở homstay tại thôn Hải Nham được thiết kế bằng ốp gỗ hài hòa với thiên nhiên.

Lan tỏa tinh thần "Sống trong di sản, bảo vệ di sản, hưởng lợi từ di sản"

Ông Đinh Quang Phượng, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Hải Nham khẳng định: Là địa phương thuộc vùng lõi Di sản Tràng An, nhân dân thôn Hải Nham luôn lấy phương châm “Sống trong di sản, bảo vệ di sản, hưởng lợi từ di sản”. Do đó, công tác bảo vệ di sản đã được chi bộ thôn đưa vào nghị quyết hàng tháng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ di sản cũng như phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn minh du lịch, quảng bá văn hóa thôn; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh phát triển du lịch bền vững.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản là một câu chuyện không hề đơn giản, nhưng từ sự chung sức, đồng lòng của các cấp, đoàn thể, doanh nghiệp và toàn thể người dân trong thôn, Hải Nham đã tạo nên một mô hình bảo vệ di sản và phát triển du lịch "mẫu mực". Du lịch đã giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế của thôn từ nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ thương mại, tạo ra nhiều ngành nghề và sinh kế mới. Du lịch cộng đồng đã nâng tầm các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, kiến trúc nông thôn và cảnh quan thiên nhiên, biến chúng thành những "hàng hóa đặc biệt" mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống.

Bên cạnh đó, Hải Nham là một trong những thôn điển hình về xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng các điểm văn minh du lịch, từ đó hình thành một môi trường du lịch bền vững trong cộng đồng.

Nhờ những nỗ lực này, thôn Hải Nham đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2020. Đến nay, các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu vẫn được duy trì và nâng cao; thôn không còn hộ nghèo đa chiều, chỉ còn 3 hộ nghèo bảo trợ xã hội; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 70 triệu đồng/người/năm.

Hải Nham không chỉ là một miền quê thanh bình mà còn là minh chứng rõ nét cho việc phát triển kinh tế du lịch gắn liền với bảo tồn di sản, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân và góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa, thiên nhiên vô giá cho các thế hệ mai sau.

Bài, ảnh: Hồng Vân

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hai-nham-noi-di-san-va-du-lich-song-hanh-phat-trien-986054.htm