Hai nhiếp ảnh gia đứng bên Nick Út vụ tác quyền 'Em bé Napalm'

Hai phóng viên ảnh hàng đầu đã lên tiếng ủng hộ Nick Út sau khi ông bị tổ chức Giải ảnh báo chí thế giới (World Press Photo) dừng ghi nhận tác quyền bức ảnh The Terror War (Em bé Napalm).

Sau khi tổ chức Giải ảnh báo chí thế giới (World Press Photo) tuyên bố dừng ghi nhận tác quyền của Nick Út với bức ảnh Em bé Napalm, nhiếp ảnh gia David Hume Kennerly đã lên tiếng trong một bài đăng trên Facebook.

Cần bằng chứng rõ ràng

David Hume Kennerly là nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ, từng là nhiếp ảnh gia riêng của Tổng thống Mỹ Gerald Ford, và đã nhận được giải Pulitzer năm 1972 cho bộ ảnh về cuộc chiến tại Việt Nam, Campuchia, người tị nạn Đông Pakistan gần Calcutta….

 Bài đăng của Kennerly nhận được nhiều sự quan tâm. Ảnh: Facebook.

Bài đăng của Kennerly nhận được nhiều sự quan tâm. Ảnh: Facebook.

Trong bài viết này, Kennerly bày tỏ sự ủng hộ với Nick Út, cho rằng World Press Photo (WPP) “đang tìm cách đày Nick đến địa ngục nhiếp ảnh”. Ông viết: “WPP không thể chắc chắn rằng ông ấy (Nick) có chụp hay không, nhưng điều đó không ngăn cản họ đóng vai chúa tể thế giới ảnh bằng cách cố gắng hủy hoại danh tiếng của Nick bằng các tính toán méo mó của họ. Ngay cả trong bóng đá, bạn cũng cần bằng chứng rõ ràng để bác bỏ một quyết định trên sân. Bằng chứng đó không có ở đây”.

Lý giải hành động của World Press Photo, Kennerly cho rằng World Press Photo có quan hệ tốt với tổ chức The VII Foundation và người đứng đầu Gary Knight. Trong khi Knight chính là người sản xuất và đóng vai chính trong The Stringer - bộ phim đặt câu hỏi về tác quyền bức ảnh Em bé Napalm. Nhân vật này cũng từng chủ trì một số cuộc thi của World Press Photo.

Kennerly còn tiết lộ thông tin Giám đốc điều hành World Press Photo Jouman El Zein Khoury từng gửi cho Nick Út một email vào ngày 14/1/2025. Trong email này, bà Khoury cho Út một tuần để trả lời những cáo buộc của Knight về việc Nick không chụp bức ảnh Em bé Napalm.

Email viết: "Chúng tôi cần nghe phản hồi từ ông trước ngày 21/1/2025. Nếu chúng tôi không nghe phản hồi từ ông trước thời điểm đó, chúng tôi sẽ đưa ra các quyết định của mình".

Cho rằng việc yêu cầu Út phải đưa ra câu trả lời trong vòng một tuần là không hợp lý, đặc biệt là đối với một sự việc xảy ra hơn 50 năm, Kennerly cũng đặt câu hỏi về quyền của World Press Photo trong việc tước đi quyền tác giả của một bức ảnh không phải của họ.

Bức ảnh do Associated Press (AP) sở hữu và đã được xuất bản trên toàn thế giới. Và chính AP, sau cuộc điều tra của riêng mình, vẫn giữ nguyên quyền tác giả của Nick Út. AP cho biết: “Không bên nào, trong việc điều tra quá trình tạo ra một bức ảnh sau hơn nửa thế kỷ, có thể có được chứng cứ chắc chắn thực sự về những gì đã xảy ra. Để bác bỏ tác quyền một bức ảnh được đưa ra tại thời điểm đó sẽ cần có bằng chứng rõ ràng để cho thấy quyết định của những người có mặt tại hiện trường là không chính xác. Sự chắc chắn như vậy đơn giản là không thể có ở đây”.

Ngoài ra, vai trò của Nguyễn Thanh Nghệ cũng được Kennerly nhắc đến khi ông Nghệ "chưa bao giờ bán hoặc công bố bất cứ tác phẩm nào ngoài bức ảnh đang gây tranh cãi. Trong khi đó, ngoài Nghệ, không ai đặt câu hỏi về quyền tác giả của Út đối với bức ảnh, và Nghệ bỗng dưng đã xuất hiện một cách kỳ diệu sau nhiều thập kỷ trôi qua".

David Burnett, một nhiếp ảnh gia người Mỹ nổi tiếng với bộ ảnh cuộc cách mạng Iran 1979 trên tạp chí Time và cũng từng nhận giải của World Press Photo năm 1980, cũng lên tiếng về việc của Nick Út. Ông cho biết đã được World Press Photo liên hệ vào ngày 15/1 năm nay để thông báo về việc cần tìm hiểu về tác giả thực sự của Em bé Napalm.

 Lập trường của Burnett được nhiều người dùng đồng tình. Ảnh: Facebook.

Lập trường của Burnett được nhiều người dùng đồng tình. Ảnh: Facebook.

Và World Press Photo cho biết cần nghe ý kiến của ông trước ngày 20/1. “Loại nguyên tắc báo chí nào khiến họ cảm thấy rằng một quyết định về một tình huống đã diễn ra 53 năm trước, phải được hoàn tất trong năm ngày”, Burnett viết trong bài đăng ngày 17/5 trên Facebook.

“Tuy nhiên, kể từ sau đó, tôi không nghe một lời nào từ World Press Photo và tôi hiểu là họ cũng không liên lạc với Nick Út hoặc đại diện của ông ấy trong thời gian đó”, Burnett tiết lộ thêm.

Hành động sát cánh với Nick Út

Là người có mặt tại Trảng Bàng khi vụ đánh bom napalm diễn ra, Burnett đã khẳng định vai trò của Nick Út: “Ký ức của tôi rất rõ ràng, tôi vẫn còn lưu lại nhiều khía cạnh không thể phai mờ trong thời gian tôi ở Việt Nam, vào ngày có nhiều sự kiện quan trọng. Tôi từng viết về trải nghiệm của mình vào ngày hôm đó và không hề dao động trong suốt những năm qua.

Khi nhìn thấy rõ một nhóm người dân chạy khỏi trung tâm làng, hướng về con đường mà đoàn báo chí đang đứng một cách lộn xộn, Nick Út và phóng viên của Newsweek Alex Shimkin, những người đang đứng cạnh tôi, bắt đầu chạy xuống đường về phía những đứa trẻ đang lao tới. Trong vài khoảnh khắc tiếp theo khi những đứa trẻ đến gần, Nick Út đã chụp bức ảnh đó. Theo ký ức của tôi, không ai khác ở gần để chụp bức ảnh đó”.

Sau đó, tại văn phòng của Associated Press, tôi đã nhờ đội ngũ phòng tối của AP xử lý, biên tập và in phim của mình, để gửi ảnh cho tờ New York Times. Trong những phút chờ đợi bản in được hoàn thành, người đứng đầu phòng tối của AP bước ra với bản in cỡ 5x7 đầu tiên về tấm ảnh sau này được gọi là "nỗi kinh hoàng của chiến tranh". Chưa có lúc nào tôi nghi ngờ về việc Nick không chụp bức ảnh đó”.

Kennerly, trong động thái thể hiện tinh thần ủng hộ với Nick Út, đã tạm dừng mọi đề cập đến hai giải nhất mà ông đã giành được trong cuộc thi của World Press Photo vào năm 1975 cho tác phẩm về Campuchia. “Tôi sẽ xóa mọi dấu vết về giải thưởng đó khỏi tiểu sử của mình và sẽ chỉ khôi phục các trích dẫn khi World Press Photo trả lại tác quyền cho Nick Út. So với những gì đã xảy ra với Nick thì không là gì, nhưng tôi sẽ luôn ủng hộ ông ấy”, Kennerly cho hay.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/hai-nhiep-anh-gia-dung-ben-nick-ut-vu-tac-quyen-em-be-napalm-post1553789.html