Hai nước NATO triển khai hàng loạt chiến đấu cơ F-35 tới Ba Lan giữa căng thẳng với Nga
Sau Na Uy, Hà Lan cũng triển khai các tiêm kích tàng hình hiện đại F-35 đến Ba Lan, thể hiện sự sẵn sàng của NATO trong việc răn đe và đối phó với bất kỳ hành vi xâm phạm không phận nào.

Khi các tiêm kích F-35 của Hà Lan phối hợp cùng máy bay chiến đấu của Na Uy trên bầu trời Ba Lan, NATO nhấn mạnh cam kết bảo vệ các tuyến viện trợ quân sự hướng tới Ukraine và ngăn chặn nguy cơ leo thang căng thẳng. Ảnh: Không quân Hà Lan
Chuyên trang quân sự Army Recognition cho biết ngày 7/7, Hà Lan đã xác nhận sẽ triển khai các tiêm kích tàng hình hiện đại F-35 đến Ba Lan từ ngày 1/9 - 1/12 nhằm tăng cường giám sát không phận và khả năng răn đe của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong bối cảnh căng thẳng leo thang và mối đe dọa từ Liên bang Nga ngày càng gia tăng.
Nhiệm vụ này nhằm đảm bảo an toàn cho các tuyến vận chuyển thiết bị quân sự tới Ukraine, theo yêu cầu trực tiếp của Bộ Chỉ huy Tối cao của NATO tại châu Âu (SHAPE).
Trước đó, ngày 30/6/2025, Army Recognition cũng đưa tin Na Uy đã triển khai phi đội F-35 của mình tới Ba Lan nhằm đáp trả các hoạt động quân sự gia tăng của Liên bang Nga, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về kiểm soát không phận chặt chẽ.
Theo Bộ Quốc phòng Hà Lan, đợt triển khai mới này thể hiện sự sẵn sàng của liên minh trong việc răn đe và đối phó với bất kỳ hành vi xâm phạm không phận NATO nào.
F-35 Lightning II, do tập đoàn Lockheed Martin phát triển, là một trong những tiêm kích đa nhiệm tiên tiến nhất thế giới, tích hợp khả năng tàng hình, điện tử hàng không hiện đại và khả năng hợp nhất dữ liệu chiến trường theo thời gian thực.
Được thiết kế để giành ưu thế trên không và tấn công chính xác các mục tiêu mặt đất, F-35 kết hợp cảm biến thế hệ mới với khả năng chia sẻ dữ liệu tác chiến với các lực lượng đồng minh, trở thành trụ cột trong sức mạnh không quân của NATO.
Đối với Không quân Hà Lan, F-35 đánh dấu bước nhảy vọt so với các máy bay F-16 cũ, mang lại khả năng sống sót và khả năng nhận thức tình huống vượt trội.
Quá trình phát triển của F-35 đã kéo dài hàng thập kỷ, bắt nguồn từ chương trình Joint Strike Fighter nhằm thay thế nhiều nền tảng máy bay cũ trong NATO.
Khác với các chiến đấu cơ như Eurofighter Typhoon hay F-16, F-35 được thiết kế ngay từ đầu là một tiêm kích thế hệ thứ năm thực thụ, tập trung vào khả năng tàng hình và tích hợp tác chiến điện tử kỹ thuật số.
Điều này mang lại cho F-35 lợi thế độc nhất vô nhị so với các tiêm kích thế hệ thứ tư truyền thống vốn thiếu khả năng tàng hình và hợp nhất cảm biến tương đương. Lịch sử từng chứng kiến những bước nhảy vọt tương tự, chẳng hạn như từ F-4 Phantom sang F-16 trong thời Chiến tranh Lạnh, đã làm thay đổi căn bản học thuyết tác chiến không quân phương Tây.
Việc triển khai F-35 đến Ba Lan ngày nay đánh dấu một sự thay đổi mô hình tương tự.
Khác với các tiêm kích đa nhiệm khác, việc triển khai F-35 ở Ba Lan cho thấy nhu cầu thực hiện các nhiệm vụ mà chỉ toàn bộ phổ năng lực của F-35 mới có thể đáp ứng.
Quyết định triển khai F-35 của Hà Lan cùng với Na Uy phản ánh đánh giá của NATO rằng các hoạt động quân sự gần đây của Liên bang Nga đặt ra mức độ đe dọa cao hơn dự kiến, đòi hỏi các nhiệm vụ giám sát tàng hình, tác chiến điện tử và đánh chặn phản ứng nhanh.
Điều này khiến F-35 trở thành tài sản không thể thiếu của NATO trong việc bảo vệ các hành lang tiếp tế chiến lược vào Ukraine và ngăn chặn lực lượng thù địch.
Về mặt địa chính trị, động thái này gửi đến Moskva (Moscow) thông điệp rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm cản trở dòng chảy vũ khí hoặc thăm dò không phận phía Đông của NATO sẽ vấp phải công nghệ phòng thủ tiên tiến nhất của liên minh, đồng thời trấn an các đồng minh tiền tuyến như Ba Lan và các nước Baltic.
Khi các tiêm kích F-35 của Hà Lan gia nhập cùng máy bay Na Uy trên bầu trời Ba Lan, NATO tái khẳng định cam kết bảo vệ các tuyến vận chuyển viện trợ quân sự tới Ukraine và ngăn chặn mọi leo thang tiềm tàng.
Bên cạnh đó, bước triển khai chiến lược này khẳng định rằng chỉ có những máy bay chiến đấu hiện đại nhất của liên minh mới được tin tưởng giao phó các nhiệm vụ phức tạp và nhạy cảm tại khu vực bất ổn này.
Với các hoạt động quân sự của Liên bang Nga đang gia tăng, những đợt triển khai này là cảnh báo rõ ràng rằng lá chắn của NATO trên Đông Âu vẫn được duy trì vững chắc và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.