Ba Lan tái kiểm soát biên giới với Đức và Litva: Nguy cơ đổ vỡ Schengen?

Lo ngại buôn người và áp lực chính trị trong nước buộc Ba Lan áp dụng biện pháp mạnh, đẩy căng thẳng khu vực biên giới EU lên mức báo động.

Động thái của Ba Lan nhằm ngăn nhập cư bất hợp pháp đang làm dấy lên lo ngại về tương lai của tự do đi lại trong châu Âu và hiệu ứng domino chính trị toàn khối (trong ảnh: Cảnh sát Đức kiểm tra các phương tiện tại điểm kiểm soát ở Cottbus, biên giới Đức - Ba Lan). Ảnh: Getty Images/TTXVN

Động thái của Ba Lan nhằm ngăn nhập cư bất hợp pháp đang làm dấy lên lo ngại về tương lai của tự do đi lại trong châu Âu và hiệu ứng domino chính trị toàn khối (trong ảnh: Cảnh sát Đức kiểm tra các phương tiện tại điểm kiểm soát ở Cottbus, biên giới Đức - Ba Lan). Ảnh: Getty Images/TTXVN

Theo trang tin châu Âu Euronews.com ngày 7/7, Ba Lan đã quyết định tái áp đặt kiểm soát biên giới với các nước láng giềng Đức và Litva, một động thái được Thủ tướng Donald Tusk công bố và có hiệu lực từ đầu tuần này. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng về vấn đề nhập cư bất hợp pháp, đặc biệt là sau khi Đức thực hiện các biện pháp kiểm soát tương tự.

Phản ứng đối xứng và mục tiêu rõ ràng

Thủ tướng Tusk nhấn mạnh rằng Ba Lan vẫn là quốc gia ủng hộ tự do đi lại ở châu Âu. Tuy nhiên, ông cũng nêu rõ điều kiện để duy trì quyền tự do này là "ý chí chung của tất cả các nước láng giềng, hành động đối xứng và thống nhất, nhằm giảm thiểu dòng người di cư không kiểm soát qua biên giới của chúng tôi".

Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Tomasz Siemoniak giải thích thêm rằng các biện pháp kiểm soát này được thiết kế để nhắm vào "những người tham gia vào hoạt động buôn người di cư bất hợp pháp qua biên giới", đồng thời khẳng định "những du khách bình thường không có gì phải sợ cả". Cụ thể, các biện pháp kiểm soát sẽ tập trung vào xe buýt, xe chở khách và xe có cửa sổ tối màu, theo người phát ngôn lực lượng biên phòng Ba Lan.

Đợt kiểm tra ban đầu dự kiến kéo dài 30 ngày, nhưng Chính phủ Ba Lan không loại trừ khả năng gia hạn tùy thuộc vào tình hình thực tế.

Áp lực trong nước và những cáo buộc từ Đức

Áp lực chính trị lên Thủ tướng Tusk gia tăng đáng kể sau những cáo buộc từ các nhóm cực hữu ở Ba Lan, cho rằng Đức đang vận chuyển người di cư vào lãnh thổ Ba Lan sau khi những người này đến Tây Âu. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Friedrich Merz đã bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc này.

Đức và Ba Lan cùng là thành viên của Khu vực Schengen miễn thị thực, nơi thường cho phép công dân di chuyển tự do qua biên giới cho mục đích công việc hoặc du lịch. Theo quy định của Liên minh châu Âu (EU), các quốc gia thành viên được phép áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới trong trường hợp có mối đe dọa nghiêm trọng.

Đức đã đi tiên phong trong việc áp dụng kiểm soát biên giới với Ba Lan từ năm 2023 nhằm chống nạn buôn người và hạn chế di cư bất hợp pháp. Sau khi nhậm chức vào tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Đức Merz đã ra lệnh tăng cường cảnh sát tại biên giới và trao quyền từ chối một số người xin tị nạn.

Thủ tướng Tusk thẳng thắn bày tỏ rằng sự kiên nhẫn của Ba Lan với Đức đã "cạn kiệt". Ông lập luận rằng nếu không có sự kiểm tra từ phía Ba Lan, "sẽ rất khó để xác định liệu những người bị trả về hay chuyển hướng đến Ba Lan có nên được đến đó hay không".

Về phần mình, Thủ tướng Merz, người đã vận động tranh cử với lập trường cứng rắn hơn về vấn đề di cư, đã bảo vệ các biện pháp của Đức. Tại một cuộc họp báo ở Luxembourg, ông nhấn mạnh rằng hệ thống Schengen chỉ có thể tồn tại nếu nó không bị "lạm dụng bởi những người thúc đẩy di cư bất hợp pháp, đặc biệt là bằng cách buôn người di cư". Ông cũng khẳng định "không có sự trở về Ba Lan nào của những người xin tị nạn đã đến Đức" và cho biết chính phủ hai nước đang hợp tác "để cùng nhau giải quyết một vấn đề chung".

Quan ngại về tự do đi lại và "hiệu ứng domino"

Quyết định của Ba Lan đã gây ra những quan ngại trong giới doanh nghiệp và chính trị gia Đức về hậu quả đối với quyền tự do đi lại khắp châu Âu. Bà Helena Melnikov, Tổng giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức, bày tỏ lo ngại với tờ báo Handelsblatt: "Các công ty cần sự tin cậy và tự do di chuyển, chứ không phải những rào cản mới". Bà cảnh báo rằng các cuộc kiểm tra này sẽ ảnh hưởng đến những người đi làm ở khu vực biên giới Đức-Ba Lan, khiến họ không thể đến nơi làm việc đúng giờ.

Katarina Barley, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu, đã gọi quyết định của Ba Lan là "hành động trả đũa" cho hành động của Đức. Bà Barley nhận định trên ARD và ZDF: "Đây là hiệu ứng domino và tất nhiên, điều đó đang đẩy toàn bộ hệ thống Schengen đến giới hạn của nó".

Có thể động thái của Ba Lan, dù được giải thích là nhằm mục tiêu cụ thể và đảm bảo an ninh quốc gia, đang đặt ra thách thức lớn đối với nguyên tắc tự do đi lại trong Khu vực Schengen và có thể gây ra những hệ quả khó lường cho sự hợp tác xuyên biên giới trong tương lai.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ba-lan-tai-kiem-soat-bien-gioi-voi-duc-va-litva-nguy-co-do-vo-schengen-20250708171418940.htm