Hai Phó Thủ tướng trả lời các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Cuối giờ chiều 29/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã phát biểu giải trình trước Quốc hội, làm rõ các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến lĩnh vực quản lý.

Tiếp tục chính sách tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp

Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trân trọng cảm ơn Quốc hội đã cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ, các ý kiến đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Chính phủ tiếp tục có chính sách tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Chính phủ tiếp tục có chính sách tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp.

Sự nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các cấp, ngành địa phương, kinh tế - xã hội năm 2023 đã có nhiều thay đổi tích cực, nhất là tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát, thu ngân sách nhà nước… Những tháng đầu năm 2024 cũng đạt nhiều kết quả tích cực.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, hạn chế của nền kinh tế, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường vàng, chương trình phục hồi phát triển kinh tế…

Phó Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục các chính sách hỗ trợ, miễn giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất… để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp; tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp.

Liên quan đến những động lực cho tăng trưởng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, với những mức tăng trưởng mà Việt Nam đã đạt được là khá cao so với các nước trong khu vực trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Trong 2 năm trở lại đây, với những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, các địa phương, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đã đạt được kết quả đáng khích lệ.

“Chính phủ cũng từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, thủ tục hành chính để thu hút vốn đầu tư công, kích hoạt vốn đầu tư tư trong hình thức đối tác công - tư, đạt nhiều kết quả tích cực. Chính phủ cũng đã có các giải pháp về mở rộng thương mại, tăng cường xuất khẩu, đàm phán ký kết các hiệp đinh hợp tác FTA… để kích cầu thị trường trong nước” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết thêm.

Khẩn trương đưa luật vào cuộc sống, hạn chế bất cập về giá đất, định giá đất

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận liên quan đến biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, định giá đất…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Về biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề này được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, trong đó có đã ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2013 chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Chiến lược về biến đổi khí hậu và có sự điều chỉnh sau khi Việt Nam tham dự COP26, trong đó xác định rõ quan điểm và mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, giải pháp tăng trưởng xanh để hiện thực hóa mục tiêu này. Chính phủ đã tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành các nghị quyết liên quan đến vấn đề năng lượng.

Đối với các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo, cùng với các đối tác phát triển xác định nhu cầu của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi công bằng và cần có sự tham gia một cách công bằng của các nước phát triển.

Việt Nam cũng đã thành lập Ban chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ chủ trì; thành lập các tổ công tác liên quan tới giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng công bằng, thu hút đầu tư… Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật pháp lệnh, sớm sửa đổi Luật Điện lực, trong đó sẽ đề cập đến năng lượng tái tạo, đề xuất các chính sách về kinh tế xanh.

“Đồng thời, Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành nghị định về mua bán điện trực tiếp với các khách hàng lớn, trong đó tập trung năng lượng tái tạo; sớm ban hành nghị định về điện áp mái để khuyến khích người dân tham gia đóng góp vào nguồn điện…” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết.

Về thích ứng với biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã có sự chỉ đạo bài bản; riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã đánh giá tổng thể tác động từ thượng nguồn và đã xác định trung tâm của ảnh hưởng là tài nguyên nước.

Theo Phó Thủ tướng: “Chúng ta đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch hành động cụ thể… với khoảng 60 dự án. Hiện đã có quy chế liên kết vùng, là cơ sở để các địa phương lựa chọn vấn đề ưu tiên để giải quyết những vấn đề bức xúc đang diễn ra”.

Đối với vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến đất đai, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ, các ý kiến phát biểu đều liên quan đến tồn tại, hạn chế, yếu kém liên quan đến Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở.

Quốc hội đã thông qua 3 luật này, đang được Chính phủ đặt quyết tâm cao sau khi các luật đi vào cuộc sống sẽ giải quyết khoảng 60% những hạn chế, yếu kém liên quan đến 3 luật trên. Còn một số quy định luật giao Chính phủ (14 nghị định), Thủ tướng đã khẩn trương chỉ đạo, làm việc với các địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp lắng nghe ý kiến, sự tham gia của các bộ, ngành sớm ban hành các nghị định hướng dẫn cụ thể, đảm bảo tính liên thông trong quá trình đưa luật vào cuộc sống./.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng: 9 phiên đấu thầu, chênh lệch giá vàng không giảm như kỳ vọng

Giá vàng tăng cao và biến động là biến động chung của các nước trên thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Trong nước, giá vàng diễn biến phức tạp và cũng diễn biến cùng chiều với giá vàng thế giới.

Tuy nhiên, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế nới rộng và đặc biệt là giá vàng SJC. Trước bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm và có nhiều chỉ đạo quyết liệt cả Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như các bộ, ngành phải thực hiện chức năng theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP để có thể thu hẹp về chênh lệch giá vàng.

Việc thu hẹp chênh lệch giá vàng là một nhiệm vụ thách thức. Bởi vì chúng ta thực hiện trong điều kiện giá vàng quốc tế vẫn liên tục tăng cao và phức tạp. Trước tình hình đó, NHNN cũng đã thực hiện tăng cung vàng ra thị trường, thực hiện đấu thầu. Tuy nhiên qua 9 phiên đấu thầu, chênh lệch giá không giảm như kỳ vọng.

Do đó, NHNN đã dừng đấu thầu để đánh giá tình hình và tìm ra các nguyên nhân cũng như xây dựng một phương án mới để triển khai trong tuần tới nhằm giảm được chênh lệch giá vàng trong thời gian tới, đi đôi với minh bạch hóa các giao dịch của thị trường vàng.

Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt ở các bộ, ngành phải phối hợp tăng cường minh bạch các giao dịch thị trường vàng và NHNN đã quyết định lập Đoàn thanh tra liên ngành thanh tra toàn diện về mọi mặt, từ hóa đơn, chứng từ, các giao dịch về phòng, chống rửa tiền liên quan đến các giao dịch về vàng.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hai-pho-thu-tuong-tra-loi-cac-van-de-dai-bieu-quoc-hoi-neu-151850.html