Hải Phòng bàn giải pháp nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ
Các đại biểu cùng thảo luận một số vấn đề tồn tại và bàn các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ của đồng bào dân tộc thiểu số.
Tiêu chí quan trọng để xây dựng xã hội học tập
Nhiều năm qua, công tác xóa mù chữ được Đảng, Nhà nước quan tâm và là vấn đề cấp thiết, được đặt lên hàng đầu của việc nâng cao dân trí. Xóa mù chữ là một tiêu chí quan trọng để xây dựng xã hội học tập.
Cùng với phổ cập giáo dục, nhiệm vụ duy trì và củng cố kết quả xóa mù chữ được Chính phủ quan tâm đưa vào Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Công tác xóa mù chữ cho người dân nói chung và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng đã được Bộ GD&ĐT chỉ đạo sát sao, quyết liệt qua các hành động cụ thể.
Ngày 21/11, tại Hải Phòng, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS số giai đoạn 2023-2030.
Dự Hội thảo có Thiếu tướng Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội biên phòng; đại diện Bộ Công an, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; đại diện các Sở GDĐT, Phòng GDĐT và một số cơ sở giáo dục các tỉnh khu vực miền Bắc.
Ông Hoàng Đức Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD&ĐT thông tin: Công tác xóa mù chữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục, được quan tâm và bền bỉ triển khai ngay từ những ngày đầu cách mạng Tháng Tám năm 1945, với các phong trào “Bình dân học vụ”, “Người biết chữ dạy người chưa biết chữ” theo lời dạy của Bác Hồ.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, bộ GD&ĐT đã ban hành các Thông tư; biên soạn và in ấn tài liệu hướng dẫn thực hiện Chương trình xóa mù chữ dành cho giáo viên, học viên; tổ chức tập huấn cho giáo viên các trường học và cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng, cán bộ giáo dục các trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc. Đồng thời, tổ chức kiểm tra và ban hành quyết định công nhận các tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ theo các mức độ.
Theo báo cáo về thực trạng công tác xóa mù chữ của Vụ Giáo dục Thường xuyên, trong giai đoạn 2021-2023, cả nước đã huy động được 79.280 người ra học xóa mù chữ. Riêng 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia đã huy động được 53.965 người ra học xóa mù chữ, trong đó có 44.087 học viên là người DTTS. Tính đến thời điểm tháng 10/2023, tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 tuổi từ 15-60 của cả nước lần lượt là 98,55% và 96,70%.
Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó, dân tộc Kinh chiếm đa số với tỷ lệ 85,3% còn lại là 53 DTTS với tỷ lệ 14,7%. Tuy đồng bào DTTS có tỷ lệ thấp nhất trong mặt bằng dân cư cả nước nói chung, nhưng được coi là phên giậu của Tổ quốc, đồng thời, giữ vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước.
Thời gian qua, công tác xóa mù chữ cho trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành. Cùng với hoạt động xã hội hóa giáo dục được lan rộng, chế độ, chính sách và cơ sở hạ tầng cho người dân được chú trọng, tạo điều kiện phát triển kinh tế, nên hoạt động phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cũng đạt được những kết quả quan trọng, tạo nền tảng thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc.
Cụ thể, tỷ lệ trường học kiên cố tăng từ 77,1% ( năm 2015) lên 91,3% (năm 2019); tỷ lệ trẻ em đi học đúng tuổi ở các cấp học đều tăng, tỷ lệ trẻ em DTTS trong độ tuổi đi học phổ thông, nhưng không đi học đã giảm gần 2 lần, từ 26,4% năm 2009 xuống còn 15,5% năm 2019.
Sự chung tay của các cấp ngành
Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước và các địa phương đã quan tâm nhưng khu vực biên giới, nhất là vùng DTTS và miền núi công tác giáo dục còn nhiều khó khăn, bất cập như: Hệ thống trường lớp chưa được xây dựng kiên cố; các gia đình khó khăn về kinh tế nên không cho trẻ em trong độ tuổi đến trường đúng quy định, nhiều em phải bỏ học giữa chừng; số người mù chữ, tái mù chữ vẫn còn...
Trên cả nước hiện vẫn còn trên 734 nghìn người chưa đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 (chiếm 1,15%) và trên 1.731.000 người chưa đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 (chiếm 2,71%). Tỷ lệ huy động người học xóa mù chữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp. Vẫn có địa phương còn người mù chữ, nhiều người chưa đạt chuẩn xóa mù chữ nhưng không huy động hoặc huy động được rất ít người ra học xóa mù chữ. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong công tác xóa mù chữ ở một số địa phương chưa thực sự chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả…
Theo thống kê, cả nước có 48/63 tỉnh đủ tiêu chuẩn, điều kiện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, nhưng chỉ mới có 21 tỉnh được Bộ GD&ĐT kiểm tra, công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, còn 27 tỉnh đủ tiêu chuẩn, điều kiện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 nhưng chưa đề nghị Bộ GD&ĐT kiểm tra công nhận.
Tại hội thảo, các đại biểu bàn một số giải pháp nhằm thúc đẩy và nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ giai đoạn 2023-2030. Cụ thể: chú trọng trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác xóa mù chữ; đổi mới công tác quản lý, điều tra, vận động và tổ chức lớp xóa mù chữ; củng cố kết quả biết chữ, hạn chế tình trạng tái mù chữ.
Việc tăng cường phối hợp trong triển khai thực hiện công tác xóa mù chữ, nâng cao chất lượng dạy - học chương trình xóa mù chữ; bổ sung chế độ, chính sách đối với người học, người dạy, người tham gia công tác xóa mù chữ phù hợp với yêu cầu thực tiễn; đẩy mạnh xã hội hóa công tác công tác xóa mù chữ cũng cần được quan tâm thiết thực.
Một số đóng góp, tham luận được lãnh đạo Bộ GD&ĐT ghi nhận, đánh giá cao như: Giải pháp nhằm nâng cao ý thức học chữ của người dân tộc thiểu số; vận động người mù chữ đi học xóa mù chữ, không bỏ học giữa chừng; chính sách hỗ trợ, động viên người học xóa mù chữ là người dân tộc thiểu số; giải pháp phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, các tổ chức, đoàn thể địa phương trong công tác xóa mù chữ...