Hải Phòng: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực GD&ĐT
Ngày 17/5, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng, Sở GD&ĐT, công ty SAVIS đã phối hợp tổ chức Hội thảo Ứng dụng chữ ký số, lưu trữ và liên thông điện tử trong chuyển đổi số lĩnh vực GD&ĐT TP Hải Phòng.
Hội thảo được tổ chức dưới cả hai hình thức là trực tiếp và trực tuyến, kết nối đến 800 điểm cầu tại các trường Đại học, Cao đẳng, THPT, THCS, Tiểu học, Mầm non, các Phòng Giáo dục quận, huyện.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT; Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hải Phòng; Sở GD&ĐT Hải Phòng.
Hải Phòng đang thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, trong đó, GD&ĐT là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu.
Trước sự phát triển của công nghệ, các công cụ số thay thế dần giấy tờ truyền thống. Trong Giáo dục, hệ thống hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, học bạ điển tử, bảng điểm điện tử, chứng chỉ, chứng nhận điện tử… trở thành những thay đổi căn bản và thiết yếu. Vì thế, xây dựng hệ thống ký số, lưu trữ điện tử sẽ tạo nền tảng vững chắc để chuyển đổi số sâu rộng trong lĩnh vực GD&ĐT.
Tại Hội thảo, đại diện Bộ GD&ĐT, ông Tô Hồng Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin đã trình bày những thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đối số trên cả nước, định hướng chuyển đổi số GD&ĐT cùng những khuyến nghị dành riêng cho Hải Phòng. Ông Nam nhấn mạnh 5 trụ cột về chuyển đổi số, trong đó việc khai thác tối đa tiến bộ công nghệ để giúp thầy dạy tốt hơn, trò học dễ hơn, quản lý nhẹ nhàng hơn. Lấy con người là trung tâm, đổi mới nhận thức và tư duy, đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới quản lý là thước đo mức độ thành công của chuyển đổi số. Từ đó, hình thành những nền tảng giáo dục mở phục vụ cộng đồng, dựa trên sức mạnh cộng đồng.
Trong bài trình bày Tổng quan chuyển đổi số, chữ ký số và lưu trữ điện tử trong lĩnh vực Giáo dục và đào tạo, ông Hoàng Nguyên Vân – Chủ tịch HĐQT công ty SAVIS cho rằng: “Với những phương thức ký số thông thường đang được sử dụng phổ biến hiện nay, tài liệu điện tử không được bảo vệ. Chứng thư số thường chỉ có giá trị trong khoảng từ 3 năm. Sau thời gian này, nếu không được ký lại thì tài liệu sẽ không thể xác thực được và trở thành file rác. Trong trường hợp yêu cầu lưu trữ dài hạn, toàn vẹn dữ liệu, tra cứu xác thực lâu dài thì việc triển khai chữ ký số cơ bản sẽ không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Thêm nữa, thời gian ký số là thời gian của thiết bị hoặc server ký số, có thể dễ dàng bị thay đổi bởi những công cụ đơn giản, khiến những tài liệu, chứng từ nhạy cảm về thời gian như học bạ điện tử, hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử, chứng chỉ, chứng nhận điện tử… có khả năng dễ bị giả mạo, gian lận, dẫn đến việc không chứng minh được mốc thời gian tài liệu chính xác về hiệu lực chữ ký số khi xảy ra tranh chấp bất cứ vấn đề gì về pháp luật.”
Để giải quyết bài toán này, chúng ta cần chú trọng xây dựng hệ thống ký số, lưu trữ điện tử chuẩn chỉnh ngay từ đầu để tránh lãng phí thời gian và chi phí khắc phục hậu quả. Đó là ký số theo tiêu chuẩn ký số nâng cao AdES, công nghệ xác thực lâu dài LTV, LTANS, gắn ký đóng dấu thời gian Timestamp cho phép kéo dài hiệu lực xác thực, đảm bảo tính toàn vẹn lâu dài của tài liệu trong 10 năm, 20 năm hay vĩnh viễn. Đây là công nghệ xác thực cao nhất sự tồn tại của dữ liệu tại một mốc thời gian nhất định và đảm bảo sự toàn vẹn dữ liệu trong quá trình vận chuyển, lưu trữ cũng như chống gian lận, giả mạo khi giao dịch điện tử.
Hội thảo đã có những trao đổi cởi mở, sâu sắc giữa các diễn giả và hơn 800 điểm cầu. Nhờ đó, những vấn đề và cách thức ứng dụng chữ ký số, lưu trữ, liên thông điện tử trong từng cơ quan cụ thể đã được gợi mở trong hơn ba giờ trao đổi nghiêm túc.
Nguyễn Dịu