Hải Phòng: Già hóa dân số và những thách thức về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Tại các đợt khám sức khỏe định kỳ, ngoài khám các bệnh thông thường về tim mạch, hô hấp, các bác sĩ, điều dưỡng còn tư vấn giúp người cao tuổi có thêm kiến thức, hiểu biết để chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Chăm sóc người cao tuổi chủ yếu dựa vào người thân

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2021 của Hải Phòng, hiện tuổi thọ trung bình của người dân thành phố đạt 74,7, cao hơn tuổi thọ trung bình của cả nước (73,6 tuổi). Tuổi thọ tăng cho thấy chất lượng dân số ngày một tăng, trong đó công tác chăm sóc sức khỏe là yếu tố chính. Tuy nhiên, việc già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh cũng đặt ra nhiều thách thức lớn, trong đó có vấn đề nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Hầu hết việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi vẫn phải dựa vào người thân.

Hầu hết việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi vẫn phải dựa vào người thân.

Bà Nguyễn Thị Nhung, 73 tuổi ở Bạch Mai, xã Đồng Thái, huyện An Dương (Hải Phòng) cho biết: "Ở tuổi ngoài 70 hầu như ai cũng đều mang bệnh. Bản thân tôi mắc bệnh đái tháo đường, dạ dày, tăng huyết áp, thoái khớp nên ngày nào cũng phải uống rất nhiều loại thuốc. Ngay việc nhớ lịch uống thuốc cũng là một vấn đề gây ảnh hưởng trong sinh hoạt của tôi. … Người già lại hay quên, sức khỏe kém, đi lại chậm chạp nên khi ốm đau chỉ biết dựa vào người thân. Việc khám sức khỏe định kỳ và tư vấn, hướng dẫn cách tự chăm sóc bản thân đối với người cao tuổi (NCT) rất quan trọng, giúp mỗi người có kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, giảm thiểu việc phiền hà tới con cái".

Ông Nguyễn Trọng Thiềm, 83 tuổi, ở Hoàng Mai, Đồng Thái, huyện An Dương (Hải Phòng) bày tỏ: "Tôi bị bệnh về tim mạch, thoái khớp và mắc một số bệnh mạn tính khác nên đi lại rất khó khăn, hầu hết đều nhờ vào con cháu. Khi nhận tin có chương trình thăm khám sức khỏe cho NCT ở địa phương, tôi nhờ con chở tới. Hoạt động này rất thiết thực bởi người già ngại đi xa, không đủ kiên nhẫn chờ đợi để tới lượt thăm khám hay tư vấn. Việc đưa chương trình chăm sóc sức khỏe cho người già ngay tại địa phương giúp chúng tôi giảm bớt thời gian đi lại, thời gian chờ đợi; đồng thời được thăm khám, tư vấn dùng thuốc, tư vấn dinh dưỡng đầy đủ, kỹ lưỡng".

Theo ghi nhận của phóng viên, bên cạnh những Hội NCT hay cơ sở làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe NCT còn không ít người cao tuổi chưa được quan tâm kịp thời, nhất là người cao tuổi ở khu vực nông thôn. Có những Hội NCT khó có thể tổ chức các đợt khám sức khỏe tổng thể cho NCT bởi quỹ dành cho hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi eo hẹp, chỉ trông chờ các đợt có công ty dược hoặc trung tâm, phòng khám về giới thiệu sản phẩm thì mới được tiếp cận nghe tư vấn, khám sức khỏe, tặng sản phẩm.

Việc được tập huấn kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe cần được tổ chức rộng khắp, nhất là ở vùng nông thôn, nơi điều kiện chăm sóc sức khỏe còn hạn chế, từ đó giúp người cao tuổi nắm được những kiến thức cơ bản để có thể tự chăm sóc bản thân.

Mong hoạt động chăm sóc sức khỏe cho NCT tại địa phương được thường xuyên hơn

Ngày 30/3, Trung tâm Y tế huyện An Dương phối hợp Trạm Y tế xã Đồng Thái tổ chức chương trình khám sức khỏe sàng lọc một số bệnh cho người cao tuổi trên địa bàn ngay tại Trạm tế. Theo đó, có hơn 100 người cao tuổi trên địa bàn xã Đồng Thái (huyện An Dương) được khám tư vấn sức khỏe đợt 1 năm 2024. Nội dung khám sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ngoài khám các bệnh thông thường về tim mạch, hô hấp, các bác sĩ, điều dưỡng tư vấn giúp người cao tuổi có thêm kiến thức, hiểu biết để chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho người cao tuổi xã Đồng Thái, huyện An Dương, Hải Phòng.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho người cao tuổi xã Đồng Thái, huyện An Dương, Hải Phòng.

Người cao tuổi mong mỏi công tác khám sức khỏe và tư vấn tại địa phương được thực hiện thường xuyên hơn.

Người cao tuổi mong mỏi công tác khám sức khỏe và tư vấn tại địa phương được thực hiện thường xuyên hơn.

Đến nay, huyện An Dương đã tổ chức thăm, khám định kỳ cho NCT tại 40 xã, thị trấn.

Đến nay, huyện An Dương đã tổ chức thăm, khám định kỳ cho NCT tại 40 xã, thị trấn.

Tại đợt khám bệnh này, Trung tâm Y tế huyện xây dựng kế hoạch triển khai tại 16/16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện với mục tiêu tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi ít nhất 1 lần/năm; 76% người cao tuổi toàn huyện được khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc phát hiện sớm các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm (ít nhất 1 lần/năm).

Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống BSCK1 Bùi Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc TTYT An Dương cho biết: Huyện An Dương có dân số trên 277.000 người, trong đó tỷ lệ người cao tuổi từ 60-80 tuổi chiếm trên 30%. Tuổi tác tăng cao, quá trình lão hóa tự nhiên làm gia tăng các bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, thoái khớp… và phải điều trị suốt đời. Định hướng chăm sóc NCT được chính quyền các cấp quan tâm, đầu tư nhân lực, vật lực. Đến nay, huyện An Dương đã tổ chức thăm, khám định kỳ cho NCT tại 40 xã, thị trấn.

Chương trình khám và chăm sóc sức khỏe định kỳ mỗi năm 1 lần nhằm phát hiện sớm các bệnh mãn tính, các bệnh không lây nhiễm điều trị dự phòng, các bệnh thường gặp như: cao huyết áp, tiểu đường..., góp phần quản lý, chăm sóc sức khỏe sớm nhất cho NCT tại cộng đồng. Qua đó, giúp NCT có kiến thức, ý thức chăm sóc sức khỏe ngay từ giai đoạn sớm của bệnh, tư vấn dinh dưỡng cho NCT, tạo sự an tâm cho người già và người thân trong gia đình.

Cũng theo bác sĩ Hằng, việc thực thi các hoạt động này đang gặp nhiều khó khăn như: thiếu các văn bản hướng dẫn, thiếu nguồn lực kinh tế, con người... Hiện nay, công việc chăm sóc NCT tại gia đình và cộng đồng chủ yếu dựa vào người thân và những người chăm sóc không được đào tạo. Chương trình này còn lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe cho NCT với mục tiêu quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho họ, góp phần nâng cao chất lượng dân số và thích ứng với già hóa dân số.

Người cao tuổi sau khi khám sức khỏe định kỳ được lập 1 sổ khám sức khỏe định kỳ, cập nhật theo dõi tình hình khám sức khỏe. Thông qua thông tin khám sức khỏe định kỳ, thông tin khám, chữa bệnh cho người cao tuổi tại các cơ sở y tế, lập file tổng hợp để quản lý bệnh mãn tính cho người cao tuổi theo nhóm bệnh và theo xã, thị trấn (quản lý ít nhất 6 bệnh: Tim mạch, Tăng huyết áp, Đái tháo đường, Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, Sa sút trí tuệ và Ung thư).

Đằng Giang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hai-phong-gia-hoa-dan-so-va-nhung-thach-thuc-ve-cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi-169240401200214328.htm