Hải Phòng giữ vị trí quán quân trong bảng xếp hạng PCI 2024
Theo báo cáo đánh giá được VCCI công bố sáng 6/5, TP Hải Phòng xếp vị trí quán quân trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2024. Kết quả này đã phản ánh nỗ lực của chính quyền và các ban ngành TP Hải Phòng trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Với 74,84 điểm, TP Hải Phòng xếp vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2024. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp, Hải Phòng nằm trong tốp 3 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt; Hải Phòng cũng có 7 năm thuộc TOP 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI. Trong bảng xếp hạng năm nay, TP Hải Phòng có 7/10 lĩnh vực điều hành được các doanh nghiệp ghi nhận cải thiện hơn so với năm 2023, gồm: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Để đạt kết quả này, những năm qua, TP Hải Phòng đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Năm 2024, TP Hải Phòng đã khai trương dự án chính quyền số, hướng tới sự minh bạch, hiệu quả và tiện ích, tạo động lực phát triển mới. Hiện nay, tất cả các thủ tục hành chính tại TP Hải Phòng đã được giải quyết tại bộ phận một cửa; đồng thời, thành phố cũng công bố danh mục thủ tục hành chính và công khai trên hệ thống trực tuyến, các khoản phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến được miễn giảm, triển khai mạng chuyên dụng, đảm bảo kết nối 100% các phường, xã.

Với 74,84 điểm, TP Hải Phòng xếp vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2024
Ông Akira Kuei, Phó Giám đốc sản xuất Công ty TNHH USI Việt Nam (KCN Nam Đình Vũ, Hải Phòng) đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh tại Hải Phòng.
"Trong quá trình thực hiện dự án tại Hải Phòng, chúng tôi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của chính quyền TP Hải Phòng. Đặc biệt trong thực hiện các thủ tục đầu tư, thực hiện dự án. Vì thế, việc xây dựng nhà máy của chúng tôi tại Hải Phòng và các công đoạn sản xuất rất thuận lợi. Chính quyền TP Hải Phòng cũng phối hợp với các đơn vị đào tạo tổ chức nhiều chương trình nâng cao tay nghề cho lao động; giúp doanh nghiệp có nguồn nhân lực dồi dào và kỹ thuật cao, phục vụ nhu cầu phát triển" - ông Akira Kuei cho biết.
Với kết quả chỉ số PCI công bố: Năm 2024, TP Hải Phòng đứng đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số uy tín về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gồm: Chỉ số PCI, Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).
Theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ thành phố đã xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng công vụ của bộ máy hành chính là giải pháp đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng cao. Thành phố thực hiện triệt để việc giao nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm cá nhân từng cán bộ, đảng viên, theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền”. Thường trực Thành ủy Hải Phòng cũng thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ khó khăn; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số.

Thường trực Thành ủy thường xuyên đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Ông Lê Tiến Châu khẳng định, chỉ số PCI đã trở thành công cụ quan trọng giúp Hải Phòng đổi mới tư duy điều hành, nâng cao hiệu quả quản trị, xây dựng thương hiệu địa phương và đặc biệt là công cụ giám sát hữu hiệu, phản ánh “tiếng nói” doanh nghiệp đối với chính quyền.
"Hãy thay đổi tư duy và cách tiếp cận, suy nghĩ lớn, hành động đột phá; bỏ bớt và cắt giảm những công việc, những thủ tục không thật sự cần thiết, mang tính hình thức. Công tác phối hợp giữa các cơ quan đơn vị cũng phải đổi mới, xóa bỏ tư duy quyền anh, quyền tôi; điều gì có lợi cho người dân, doanh nghiệp và cho Thành phố thì phải ủng hộ, giải quyết thật nhanh, không được gây khó dễ, cản trở sự phát triển", ông Châu chia sẻ.
Nỗ lực cải cách nhằm nâng cao thứ hạng chỉ số PCI và các chỉ số cải cách hành chính đã góp phần giúp Hải Phòng đạt sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội những năm qua, với tốc độ tăng trưởng GRDP hai con số liên tục 10 năm liền, khẳng định vai trò đầu tàu của khu vực kinh tế trong điểm phía Bắc và cả nước.
Tỉnh Quảng Ninh đứng vị trí thứ 2
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh đứng vị trí thứ 2 với 73,2 điểm (sau TP Hải Phòng với 74,84 điểm). Chỉ số là kết quả khảo sát gần 11.000 doanh nghiệp cho thấy những chuyển biến tích cực trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân – trụ cột quan trọng cho tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.
Mặc dù tụt hạng sau nhiều năm giữ vị trí quán quân, nhưng tỉnh Quảng Ninh vẫn có tổng điểm tăng 1,95 điểm so với năm 2023; duy trì được sự cải thiện của 5/10 lĩnh vực điều hành đo lường bởi PCI, bao gồm: Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Cạnh tranh bình đẳng, Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Ở Chỉ số Cơ sở hạ tầng trong PCI 2024, Quảng Ninh đứng thứ 6 cả nước. Điều này cũng khẳng định tương quan rõ rệt giữa chất lượng điều hành kinh tế và chất lượng cơ sở hạ tầng.

Tỉnh Quảng Ninh tổ chức phân tích và xếp hạng thường niên các chỉ số cải cách ở cấp địa phương
Những đột phá về hạ tầng đường bộ, khu công nghiệp, viễn thông, điện năng… của Quảng Ninh trong nhiều năm qua tiếp tục cho thấy hiệu quả cách tiếp cận đồng bộ giữa cải cách hành chính, phát triển hạ tầng và hỗ trợ doanh nghiệp. Trong giai đoạn phát triển mới, Chỉ số PCI tiếp tục thể hiện kỳ vọng của doanh nghiệp, yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tại các hội nghị phân tích chuyên sâu về PCI trước đó, lãnh đạo Quảng Ninh nhiều lần nhấn mạnh, PCI không chỉ là cuộc đua về thứ hạng mà phải cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, đóng góp tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh đề xuất, chính quyền địa phương cần tiếp tục có các giải pháp cụ thể triển khai đến các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là đội ngũ chiếm tới 98% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và cũng vấp phải khó khăn về cơ chế chính sách, việc giải quyết các thủ tục hành chính còn kéo dài, thậm chí còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm dẫn đến làm chậm quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp địa phương cần hỗ trợ tối đa để mở rộng đầu tư, hợp tác sản xuất, kinh doanh.
"Tỉnh tiếp tục có các giải pháp tập trung hỗ trợ khôi phục sản xuất, kinh doanh. Có giải pháp hỗ trợ tài chính và tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi. Cải thiện môi trường pháp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu rào cản pháp lý đối với doanh nghiệp tư nhân. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân áp dụng công nghệ mới, hỗ trợ chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh" - ông Thể cho biết thêm.