Quy định rõ cơ chế đột phá về tài chính cho khoa học, công nghệ

Tại phiên thảo luận Tổ 19 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Phú Thọ, Đồng Nai, Quảng Bình) về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chiều 6/5, các ĐBQH đánh giá, dự thảo Luật cơ bản đã thể chế hóa nhiều chủ trương, định hướng quan trọng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 19. Ảnh: Khánh Duy

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 19. Ảnh: Khánh Duy

Phân biệt, phân loại vị trí pháp lý của tổ chức khoa học và công nghệ đặc thù

ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) cho biết, tại khoản 16 Điều 3 dự thảo Luật giải thích khái niệm tổ chức khoa học và công nghệ là tổ chức được thành lập theo quy định pháp luật để thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ hoặc cung cấp dịch vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tổ chức này được thành lập khi có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41. Đồng thời, khoản 3 Điều 41 quy định, cơ sở giáo dục đại học được thành lập theo quy định của pháp luật về giáo dục đại học được coi là tổ chức khoa học và công nghệ, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tổ chức khoa học và công nghệ.

ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Khánh Duy

ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Khánh Duy

Đại biểu nhận thấy, theo quy định của Luật Giáo dục đại học, cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục đại học đã bao gồm tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc (điểm d khoản 1 Điều 14). Vì vậy, đề nghị nghiên cứu quy định rõ hơn để phân biệt, phân loại vị trí pháp lý của tổ chức khoa học và công nghệ đặc thù; trong đó có cơ sở giáo dục đại học, đơn vị vừa thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhân lực, vừa thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và có các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc.

Dự thảo Luật không quy định “Viện hàn lâm” là một hình thức của tổ chức khoa học và công nghệ. Tuy vậy, 2 Viện hàn lâm quốc gia (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã có lịch sử lâu đời, có vị thế quan trọng, có vai trò đặc thù trong nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu dài hạn; cung cấp luận cứ khoa học, tham mưu cho việc hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như đóng góp quan trọng trong đào tạo nhân lực, xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị, nghiên cứu đánh giá tác động đầy đủ để quy định mô hình “Viện hàn lâm” được coi là một hình thức đặc thù của tổ chức khoa học và công nghệ.

Tại Điều 8 về nghiên cứu khoa học, công nghệ liên quan đến con người. Đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung nội dung quy định các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn liên quan đến con người (giới, tâm lý, tín ngưỡng…) phải bảo đảm quyền con người, bí mật cá nhân, quy định của pháp luật và các chuẩn mực trong nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn.

ĐBQH Lê Hoàng Hải (Đồng Nai) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Khánh Duy

ĐBQH Lê Hoàng Hải (Đồng Nai) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Khánh Duy

Về cơ chế chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Điều 9, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga bày tỏ rất tán thành, tuy nhiên, đề nghị cần nghiên cứu quy định rõ hơn về chủ thể chịu trách nhiệm đánh giá việc tuân thủ quy trình, quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học của tổ chức, cá nhân phê duyệt và quản lý nhiệm vụ khoa học; cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng kinh phí và trách nhiệm giải trình trong quản lý và sử dụng kinh phí.

Khoản 3 Điều 29 dự thảo Luật đề cập rõ vai trò, mục đích của nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn (điểm a); nhấn mạnh đến tính kết nối liên ngành trong nghiên cứu (điểm b) và việc bố trí ngân sách, cơ chế tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn phù hợp với đặc thù của lĩnh vực (điểm c). "Tuy nhiên, các quy định còn mang tính chất tuyên bố chung, chưa có định hướng chiến lược cụ thể, cơ chế tài trợ cụ thể cho lĩnh vực nghiên cứu mới cần phát triển".

ĐBQH Nguyễn Công Long (Đồng Nai) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Khánh Duy

ĐBQH Nguyễn Công Long (Đồng Nai) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Khánh Duy

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung rõ hơn các nguyên tắc cụ thể liên quan đến cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong nghiên cứu liên ngành; quy định cụ thể cơ chế hỗ trợ, tài trợ và khuyến khích cho hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Cần xác định cơ chế tài chính rõ ràng

Khoản 23 Điều 3 dự thảo Luật quy định hệ thống đổi mới sáng tạo là tổng thể các chủ thể và mối liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức trung gian, Nhà nước và người dân để thúc đẩy việc tạo ra hoặc cải tiến sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh; quy trình quản lý nhằm nâng cao hiệu suất, giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế xã hội và chất lượng cuộc sống.

Theo ĐBQH Lê Hoàng Hải (Đồng Nai), cách liệt kê tại khái niệm vừa nêu không bảo đảm tính bao quát, việc xác định cứng cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu sẽ bỏ sót các trường hợp khác. Do vậy, đại biểu đề nghị không quy định cứng là cơ sở giáo dục đại học mà thay vào đó là cơ sở giáo dục; thay viện nghiên cứu bằng cơ sở nghiên cứu để bảo đảm tính bao quát hơn.

Liên quan đến nguyên tắc và chính sách hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Điều 4, đại biểu Lê Hoàng Hải đề nghị cần bổ sung nguyên tắc: Mọi nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải bảo đảm nguyên tắc lấy con người là trung tâm; mọi công trình nghiên cứu đều phải bảo đảm dưới sự giám sát, kiểm soát chủ động của con người.

Về thúc đẩy hợp tác, chia sẻ trong nghiên cứu khoa học quy định tại Điều 31, hiện dự thảo Luật đang quy định nhà nước khuyến khích chia sẻ dữ liệu, phương pháp kết quả nghiên cứu khoa học một cách minh bạch, dễ tiếp cận và có thể tái sử dụng; đồng thời bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ dữ liệu nhạy cảm. Nhà nước xây dựng hạ tầng, tiêu chuẩn kỹ thuật để chia sẻ dữ liệu, công bố khoa học, bảo đảm tính bảo mật, khả năng tương tác, tái sử dụng cho doanh nghiệp và cộng đồng được khuyến khích tham gia sử dụng và đóng góp dữ liệu, kết quả nghiên cứu.

ĐBQH Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Khánh Duy

ĐBQH Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Khánh Duy

Tuy nhiên, đại biểu Lê Hoàng Hải cho rằng, nghiên cứu khoa học là trí tuệ, mà đã là trí tuệ, chất xám thì không thể là khuyến khích mà cần xác định cơ chế tài chính rõ ràng. Đơn cử như mua lại kết quả nghiên cứu khoa học hay là chi trả chi phí để doanh nghiệp, cộng đồng cung cấp, đóng góp dữ liệu, kết quả nghiên cứu.

ĐBQH Nguyễn Công Long (Đồng Nai) băn khoăn khi dự thảo Luật quy định tại Điều 19 về Tạp chí khoa học. Theo đại biểu, trong tiêu chí mục đích đây là xuất bản phẩm của các các tổ chức hoạt động nghiên cứu nhằm công bố kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, các Tạp chí khoa học lại “lấn sân” sang cả hoạt động báo chí, liệu mục đích có đúng không?

Đại biểu Nguyễn Công Long đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, đánh giá những vấn đề bất cập hiện nay trong tổ chức hoạt động của các Tạp chí khoa học. "Tạp chí khoa học phải là ấn bản được thực hiện theo Luật Xuất bản, đưa ra khỏi hệ thống hoạt động theo Luật Báo chí".

ĐBQH Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ) đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát Nghị quyết 57 nhằm thể chế hóa đầy đủ định hướng, chỉ đạo của Bộ Chính trị đưa vào dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để bảo đảm đầy đủ, thống nhất.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quy-dinh-ro-co-che-dot-pha-ve-tai-chinh-cho-khoa-hoc-cong-nghe-10371521.html