Hải Phòng khẳng định tầm vóc mới, diện mạo mới

70 năm 'trung dũng quyết thắng' trong hành trình chiến đấu và phát triển mạnh mẽ tạo nền tảng vững chắc để Hải Phòng vững vàng, tự tin bước vào kỷ nguyên mới.

Trung tâm Chính trị - Hành chính của TP. Hải Phòng sau hợp nhất với tỉnh Hải Dương. Ảnh: Hồng Phong

Trung tâm Chính trị - Hành chính của TP. Hải Phòng sau hợp nhất với tỉnh Hải Dương. Ảnh: Hồng Phong

Một Hải Phòng giàu và đẹp

Ngày 13/5/1955, dấu mốc lịch sử khi lá cờ đỏ sao vàng chiến thắng kiêu hãnh tung bay trên bầu trời Hải Phòng - một trang sử mới bắt đầu.

Hải Phòng bây giờ đã khác! Một thành phố mang vóc dáng với những khu đô thị cao cấp, những khu mua sắm, vui chơi, giải trí, bệnh viện, trường học mang tầm cỡ quốc tế đã và đang hiện hữu. “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị” là nhiệm vụ được Hải Phòng đưa vào chủ đề công tác năm kể từ năm 2021 đến nay. Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu tạo nên một Hải Phòng giàu đẹp.

Các khu vực, tuyến phố trung tâm của Hải Phòng có sự thay đổi nhanh chóng trong những năm trở lại đây, khi được cải tạo, chỉnh trang đã trở thành các công viên như vườn hoa Tam Kỳ, Tố Hữu. Các công trình phúc lợi công cộng được quan tâm đầu tư, mở rộng, xây dựng mới. Nhiều khu đô thị mới như Vinhomes Imperia, Marina, đảo Vũ Yên của Tập đoàn Vingroup; các khu đô thị của Tập đoàn Hoàng Huy, khu đô thị ven sông Lạch Tray của Tập đoàn Agape, Trung tâm thương mại Aeon Mall; một số khách sạn 5 sao như Sheraton Hải Phòng, Mercure, Pullman... đã mang lại diện mạo mới, hiện đại và văn minh hơn.

Hạ tầng kỹ thuật và xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại, không chỉ ở khu vực nội đô, mà còn lan tỏa nhanh đến vùng phụ cận. Nông thôn mới đã thực sự thay đổi đời sống người nông dân cả về chất và lượng khi 100% xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Trong 5 năm trở lại đây, Hải Phòng lên kế hoạch xây dựng 100 cây cầu với tổng mức đầu tư gần 38.000 tỷ đồng. Những công trình ngàn tỷ như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu - đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, tuyến đường Hồ Sen - Cầu Rào 2, Đại lộ Bùi Viện, cầu Bến Rừng… đã trở thành biểu tượng mới cho sự phát triển của Thành phố cảng. Và mới đây, cầu Nguyễn Trãi được khởi công sẽ kết nối giữa khu vực Trung tâm Hành chính - Chính trị cũ tại quận Hồng Bàng với Trung tâm Hành chính - Chính trị mới tại Khu đô thị Bắc sông Cấm, cùng với cầu Hoàng Văn Thụ.

Thật tự hào về chặng đường phát triển của Thành phố. Những năm qua, Hải Phòng luôn là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. Nổi bật là việc 10 năm liền có tốc độ tăng trưởng đạt hai con số (2015 - 2024) và lần đầu tiên (năm 2024) lọt vào tốp 5 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, chỉ sau Hà Nội và TP.HCM, với thu ngân sách đạt trên 118.255 tỷ đồng.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Hải Phòng là điểm sáng khi có sự tăng trưởng vượt bậc. Hải Phòng đã và đang trở thành cứ điểm của nhiều nhà đầu tư lớn, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nổi bật là các dự án của Tập đoàn LG, Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast, Pegatron, USI, Bridgestone...

Thành phố luôn nằm trong nhóm địa phương thu hút vốn đầu tư FDI lớn nhất của cả nước. Năm 2024, Hải Phòng thu hút được 4,94 tỷ USD vốn FDI, đứng thứ 2 cả nước. Lũy kế đến nay, Hải Phòng có 1.063 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký lũy kế đạt trên 34,62 tỷ USD, đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ. Niềm tin đã tạo nên bến đỗ vững chắc cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đến Hải Phòng.

Không chỉ tập trung cho phát triển kinh tế, chủ trương “đầu tư cho an sinh, phúc lợi xã hội phải đi trước so với tốc độ phát triển kinh tế” là một dấu ấn đặc biệt với người dân Thành phố. Đó là phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; miễn học phí cho học sinh tất cả các cấp học; hỗ trợ các đối tượng chính sách luôn ở mức cao so với bình quân cả nước. Đến cuối năm 2024, Hải Phòng chính thức không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia.

Dư địa mới, động lực mới

Tháng 1/2025, khi dự hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Hải Phòng có đủ "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để thử nghiệm những đổi mới, sáng tạo để "cất cánh", “đi sau nhưng sẽ bắt kịp và vượt lên” trong xu thế phát triển lấy khoa học công nghệ làm then chốt, ý tưởng con người làm tài nguyên của đất nước.

Trước khi sáp nhập, Hải Phòng là một trong 5 địa phương có GRDP lớn nhất cả nước, đạt khoảng 446.000 tỷ đồng vào năm 2024. Trong khi đó, Hải Dương đứng thứ 11 với GRDP đạt hơn 212.000 tỷ đồng. Sau khi sáp nhập, GRDP của TP. Hải Phòng mới sẽ khoảng 660.000 tỷ đồng.

“Đây sẽ là dấu ấn mang tính lịch sử của một thời kỳ mới, một giai đoạn phát triển mới của Hải Phòng”, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định.

Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng có quy mô diện tích 20.000 ha (trong đó có 2.909 ha đất lấn biển), được định hướng là một khu kinh tế đa ngành, mang tầm quốc tế, với các trụ cột phát triển là công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics hiện đại, đô thị thông minh, du lịch sinh thái. Đặc biệt, Hải Phòng đề xuất thành lập khu thương mại tự do với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, hứa hẹn tạo nên một không gian phát triển rộng lớn, năng động, hấp dẫn, đầy tiềm năng cho Thành phố.

Ở khu vực phía Bắc, Hải Phòng là địa phương có nhiều bến cảng nhất cả nước, với 51 bến. Trong quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng khu vực nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 16/1/2025, Cảng biển Hải Phòng được quy hoạch 5 khu với 70 - 74 bến cảng, đảm bảo đến năm 2030 thông quan được hơn 215 triệu tấn hàng hóa và 22.800 lượt khách mỗi năm. Đây không chỉ là động lực trong tăng trưởng kinh tế, mà còn là cơ sở để Hải Phòng khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế biển, trung tâm dịch vụ logistics quốc tế.

Và mới đây, ngày 19/2/2025, Quốc hội khóa XV có Nghị quyết số 187/2025/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Dự án có tổng chiều dài tuyến chính 390,9 km, các tuyến nhánh khoảng 27,9 km; điểm đầu tại vị trí nối ray biên giới Việt - Trung, kết thúc tại khu bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).

“Việc triển khai dự án này có tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố. Dự án sẽ từng bước phát triển giao thông - vận tải đường sắt hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa trên hành lang Đông - Tây, là cửa ngõ giao thương với thế giới qua cảng biển khu vực Thành phố, cũng như kết nối liên vận quốc tế về giao thông đường sắt tại cửa khẩu Lào Cai”, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng nhận định.

Theo chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh được Trung ương thống nhất, hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP. Hải Phòng, lấy tên là TP. Hải Phòng. Trước khi sáp nhập, Hải Phòng là một trong 5 địa phương có GRDP lớn nhất cả nước. Trong khi đó, Hải Dương đứng thứ 11. Cả hai địa phương đều có thế mạnh về công nghiệp - xây dựng, với tỷ trọng trong GRDP đạt trên 50%. Sau khi sáp nhập, TP. Hải Phòng mới sẽ có kinh tế GRDP cao hơn nhiều so với nhiều địa phương khác và chỉ đứng sau TP.HCM và Hà Nội. Với quy mô kinh tế lớn hơn, hệ thống hạ tầng đồng bộ và các chính sách hỗ trợ linh hoạt cũng sẽ tạo điều kiện thu hút các dự án FDI quy mô lớn hơn.

Việc hợp nhất hai địa phương, với các thế mạnh tương đồng và bổ sung cho nhau, có thể tối ưu hóa quy hoạch hạ tầng và tài nguyên, tạo dư địa mới và chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hải Phòng - thành phố xứng tầm khu vực

Có thể thấy, cú hích tạo bước ngoặt làm thay đổi diện mạo TP. Hải Phòng chính là Nghị quyết số 32-NQ/TW và Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị. Những nghị quyết này là kim chỉ nam cho sự phát triển của Hải Phòng với những định hướng rất rõ ràng, cụ thể, những cơ chế, chính sách đủ mạnh để Thành phố phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, bứt phá nhằm thực hiện mục tiêu Hải Phòng phải đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là động lực phát triển của vùng Bắc bộ.

Mục tiêu phát triển của Hải Phòng trong giai đoạn mới đã được đưa ra. Đến năm 2030, Hải Phòng phát triển thành thành phố công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao; trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ. Thời điểm này, đóng góp của Hải Phòng vào GDP của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ tăng lên 28,3%; GRDP bình quân đầu người là 29.900 USD; thu ngân sách đạt 300.000 - 310.000 tỷ đồng.

Dài hạn hơn, tầm nhìn đến năm 2045, Hải Phòng sẽ trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Với những dư địa và động lực vượt trội, trong tương lai gần, Hải Phòng sẽ trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu khu vực phía Bắc và Đông Nam Á, là một trong những thành phố đi đầu về cảng biển, công nghiệp, logistics và du lịch bền vững.

Quỳnh Nga

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hai-phong-khang-dinh-tam-voc-moi-dien-mao-moi-d281758.html