Hải Phòng khẳng định vai trò trung tâm kinh tế - xã hội lớn đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về 'Xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045' (Nghị quyết 45), quy mô kinh tế Hải Phòng không ngừng được mở rộng, duy trì vị trí thứ hai trong vùng Đồng bằng sông Hồng, chỉ sau Thủ đô Hà Nội.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 45, kinh tế, xã hội của TP. Hải Phòng đã có nhiều sự bứt phá mạnh mẽ. Ảnh: ST

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 45, kinh tế, xã hội của TP. Hải Phòng đã có nhiều sự bứt phá mạnh mẽ. Ảnh: ST

Kim chỉ nam cho sự phát triển của Hải Phòng

Theo đồng chí Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Nghị quyết 45 ra đời là kim chỉ nam cho sự phát triển của Hải Phòng với những định hướng rất rõ ràng, cụ thể, những cơ chế, chính sách đủ mạnh để Thành phố phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, bứt phá mạnh mẽ.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 45, Hải Phòng đã từng bước khẳng định vai trò trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả ấn tượng, là điểm sáng trong bức tranh chung của cả nước; đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân được nâng cao.

Quy mô kinh tế Hải Phòng không ngừng được mở rộng, duy trì vị trí thứ hai trong vùng Đồng bằng sông Hồng, sau thủ đô Hà Nội, với 9 năm liên tiếp đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số. Trong đó, tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2018 - 2023 đạt 12,6%. Riêng trong năm 2023, GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.800 USD/người, gấp 1,83 lần năm 2018 và bằng 1,87 lần so với cả nước, đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 - 2023 ước thực hiện 480.043,32 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 6,96%/năm, gấp 1,88 lần bình quân chung cả nước. Cơ cấu nguồn thu chuyển biến theo hướng tăng tỷ trọng thu ngân sách nội địa, giảm tỷ trọng thu xuất nhập khẩu trong tổng thu ngân sách nhà nước cho thấy xu hướng bền vững hơn khi sự phụ thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước đối với hoạt động thu xuất, nhập khẩu giảm xuống.

Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, Hải Phòng trở thành một trong những địa phương có môi trường đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hải Phòng liên tục nằm trong danh sách các địa phương dẫn đầu về thu hút FDI toàn quốc, đã và đang trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới và các nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, Thành phố đang tập trung chỉ đạo xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000 ha, được định hướng là khu kinh tế sinh thái thế hệ 3.0, đa ngành, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistics hiện đại và đô thị thông minh, là đầu mối của Thành phố tham gia vào chuỗi giá trị và cung ứng khu vực và thế giới. Mục tiêu đến năm 2030, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng trở thành một động lực chủ đạo của nền kinh tế Thành phố.

Giai đoạn 2019 - 2023, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Thành phố đã có những chuyển biến mạnh mẽ, liên tục đạt vị trí xếp hạng cao. Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của Thành phố luôn duy trì là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước kể từ năm 2012 - năm đầu tiên Bộ Nội vụ thực hiện đo lường, đánh giá chỉ số này.

Chưa đạt được như kỳ vọng

Các chuyên gia nhận định, mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 45 song phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hải Phòng vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đạt được kỳ vọng trong lộ trình phát triển.

Việc xây dựng TP. Hải Phòng đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, điện đại hóa theo mục tiêu của Nghị quyết 45 còn chưa được như kỳ vọng. Ảnh: ST

Việc xây dựng TP. Hải Phòng đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, điện đại hóa theo mục tiêu của Nghị quyết 45 còn chưa được như kỳ vọng. Ảnh: ST

Nghị quyết 45 đề ra mục tiêu xây dựng TP. Hải Phòng đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, song đến nay, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải chỉ mới lấp đầy khoảng hơn 80% đất công nghiệp; việc phát triển các khu, cụm công nghiệp còn chậm tiến độ nên dư địa để thu hút đầu tư còn ít, không đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư, nhất là các dự án lớn.

Hải Phòng là một trong những địa phương phát triển nhanh nhất cả nước trong những năm qua. Tuy nhiên, hệ thống cơ chế chính sách đặc thù, thúc đẩy phát triển còn khá khiêm tốn, chưa đủ sức tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, xứng tầm với tiềm năng và vị thế của Thành phố.

Ngoài ra, sự đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo còn chưa tương xứng với mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm quốc tế về giáo dục - đào tạo. Thành phố đang thiếu những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, để phục vụ phát triển các ngành công nghiệp tiên tiến, hiện đại...

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, hiện, vẫn còn một số cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, đặc thù cho TP. Hải Phòng chưa được ban hành như: Thành lập Khu thương mại tự do; thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cấp và hai cấp hành chính; nghiên cứu mô hình cơ quan quản lý cảng…

Do đó, để phát triển Hải Phòng theo mục tiêu Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết 45, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Hải Phòng cần xây dựng, hoàn thiện và kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố trong giai đoạn tới, trọng tâm là cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho biết, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong thời gian tới được xác định trên cơ sở kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 45, nhất là đối với các chỉ tiêu còn thấp, các khâu yếu, hạn chế trong từng lĩnh vực.

Vấn đề rất quan trọng là phải tiếp tục giữ vững, vun đắp tinh thần đoàn kết, khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về quê hương trong các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp, để toàn hệ thống chính trị và nhân dân chung sức, đồng lòng nỗ lực, quyết tâm, đổi mới, sáng tạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị phát triển Thành phố, xây dựng Hải Phòng đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đồng chí Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Theo đó, Thành phố sẽ tiếp tục kế thừa những kết quả đạt được của các thế hệ đi trước, đồng thời tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng trọng yếu có tính lan tỏa, kết nối cao. Trong đó, sẽ tập trung phát triển công nghiệp, đầu tư hệ thống hạ tầng, thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam, tạo động lực tăng trưởng đột phá trong giai đoạn tới.

Đồng thời, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thành phố với trọng tâm là thí điểm mô hình Khu thương mại tự do TP. Hải Phòng.

Song song với đó là tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh thu hút nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực mà Thành phố có nhu cầu; tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, giữ vững sự ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng an ninh.../.

M. THÚY

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/hai-phong-khang-dinh-vai-tro-trung-tam-kinh-te-xa-hoi-lon-doi-voi-vung-dong-bang-song-hong-va-ca-nuoc-33505.html