Hải Phòng kiên cường và phát triển không ngừng: Bài 2- Bước vào kỷ nguyên làm chủ vận mệnh
Hải Phòng sau những tháng năm kiên cường đã chính thức bước vào kỷ nguyên làm chủ vận mệnh. Trên hành trình bước vào thời kỳ mới, Hải Phòng không chỉ giữ vững nhịp phát triển mạnh mẽ mà còn hòa chung sức mạnh với tỉnh Hải Dương, mở ra một chương mới của sự hợp nhất, tạo nên động lực bứt tốc.

Một góc thành phố Hải Phòng. Ảnh: TTXVN phát
Làm chủ vận mệnh
Nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, hiện là Phó Chủ tịch chuyên trách, Hội đồng Lý luận Trung ương, Thượng tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành chia sẻ, kể từ ngày giải phóng (13/5/1955), từ một đô thị công nghiệp và cảng biển truyền thống, thành phố Hải Phòng đã vươn lên trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, là cực tăng trưởng trọng điểm khu vực phía Bắc. Với chiến lược quy hoạch hiệu quả, thu hút đầu tư mạnh mẽ và quản lý tài chính bền vững, Hải Phòng hiện nằm trong nhóm 5 địa phương có quy mô kinh tế dẫn đầu cả nước, cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai.
Hải Phòng đã xây dựng nhiều mô hình, trong đó có mô hình (CDS - City Development Strategy, năm 2000-2004), với sự trợ giúp của chuyên gia Ngân hàng Thế giới; Mô hình đô thị sinh thái - kinh tế (Eco2 - Ecological Cities as Economic Cities, năm 2004-2008), với sự hợp tác của chính tác giả mô hình Eco2, Giáo sư Hiroaki Suzuki, chuyên gia Ngân hàng Thế giới; các tiêu chuẩn đô thị toàn cầu (GCIF - Global City Indicators Facility, năm 2008-2012). Hải Phòng cũng xây dựng thành phố cảng xanh đạt chuẩn tăng trưởng xanh và thành phố carbon thấp năm 2012-2014; quy hoạch tăng trưởng xanh năm 2014 với sự giúp đỡ của chuyên gia thành phố Kitakyushu, Nhật Bản; cải thiện chất lượng không khí (Better Air Quality) năm 2015; Thành phố đa dạng sinh học (Biodiversify City).
Năm 2014, Hải Phòng được công nhận là Thành phố quốc tế đạt tiêu chuẩn ISO 37120:2014: Phát triển cộng đồng bền vững - Các chỉ số cho dịch vụ thành phố và chất lượng cuộc sống. Được vinh danh tại London (Anh), Hải Phòng sánh vai với 20 thành phố đầu tiên trên thế giới bắt kịp tiêu chuẩn phát triển mới này...
Thượng tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành cho rằng, Hải Phòng lần đầu tiên dẫn đầu bảng xếp hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2024. Đây là một chỉ dấu quan trọng phản ánh chất lượng điều hành kinh tế, môi trường đầu tư và năng lực quản trị của chính quyền của thành phố cảng. Đồng thời là minh chứng sinh động cho hành trình vươn tầm của thành phố cảng, từ một đô thị công nghiệp truyền thống trở thành trung tâm công nghiệp, logistics, dịch vụ và đổi mới sáng tạo tầm khu vực châu Á.

Cầu Hoàng Văn Thụ, thành phố Hải Phòng. Ảnh: TTXVN phát
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng Phạm Hồng Minh cho biết, 70 năm xây dựng và phát triển cùng đất nước, đặc biệt là gần 40 năm đổi mới, Hải Phòng đã vươn mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ và đầu mối giao thông quan trọng của cả nước và khu vực... Hệ thống cảng biển Hải Phòng không chỉ là niềm tự hào mà còn là trụ cột chính của nhóm cảng biển số 1, đảm nhận vai trò cửa ngõ ra biển chiến lược cho toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Nhờ lợi thế vị trí và mạng lưới giao thông đa phương thức (hàng không, đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa) kết nối hiệu quả tới các trung tâm kinh tế lớn khu vực phía Bắc, Hải Phòng đã xây dựng được một hệ sinh thái logistics tương đối hoàn chỉnh.
Quy mô và tầm vóc của hệ thống cảng biển Hải Phòng được thể hiện rõ qua sản lượng năm 2024, với tổng lượng hàng hóa thông qua đạt khoảng 106,5 triệu tấn (trong đó sản lượng container khoảng 7,4 triệu TEU). Đây là những đóng góp quan trọng vào tổng sản lượng chung của hệ thống cảng biển Việt Nam. Với kết quả này, Hải Phòng giữ vững vai trò là trung tâm cảng biển lớn nhất khu vực phía Bắc và là một trong hai cụm cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất cả nước. Những con số trên không chỉ phản ánh năng lực khai thác mà còn khẳng định vị thế không thể thiếu của Hải Phòng trong bản đồ logistics và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Hòa chung sức mạnh
Đất nước đang bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của khát vọng vươn mình mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và cuộc cách mạng trong tổ chức bộ máy, cải cách hành chính đang mở ra cơ hội và cả những thách thức lớn chưa từng có đối với các địa phương, trong đó có Hải Phòng. Đặc biệt, việc hợp nhất Hải Phòng và Hải Dương là thời cơ lịch sử để xây dựng một đô thị lớn, trở thành một cực tăng trưởng mới, xứng tầm quốc gia và khu vực.
Theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, Hải Phòng và Hải Dương có sự gắn kết sâu sắc về lịch sử, văn hóa, kinh tế và xã hội. Từ lâu, hai địa phương đã chung một cội nguồn, cùng là vùng đất xứ Đông kiên trung, địa linh nhân kiệt. Hai bên có chung không gian văn hóa châu thổ sông Hồng, với phong tục, lễ hội, nếp sống tương đồng; cùng có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ phát triển năng động, giao thương mật thiết và dân cư cần cù, hiếu học, có truyền thống cách mạng.
Việc hợp nhất không chỉ là yêu cầu từ chủ trương của Đảng mà còn là cơ hội để hai địa phương cộng hưởng thế mạnh, mở rộng không gian phát triển, tối ưu nguồn lực, phát huy vai trò động lực vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, xây dựng một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, logistics hiện đại, phát triển bền vững và nâng cao đời sống nhân dân.

Trung tâm hành chính mới thành phố Hải Phòng. Ảnh: TTXVN phát
Tại Hội thảo khoa học "70 năm xây dựng và phát triển Hải Phòng - Thành tựu và khát vọng vươn mình" ngày 9/5, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng là một bước đi mang tính chiến lược, có thể tạo ra một "siêu đô thị ven biển" với quy mô, năng lực và vai trò vượt trội trong mạng lưới đô thị quốc gia và khu vực.
Trên cơ sở những lợi thế tổng hợp về vị trí địa lý, hạ tầng cảng biển - hàng không - logistics, truyền thống công, nông nghiệp - thương mại và nền tảng văn hóa - xã hội, thành phố Hải Phòng mở rộng sẽ có cơ hội tái định vị mình trở thành cửa ngõ chiến lược của Việt Nam hướng ra biển lớn. Trung tâm logistics, cùng nền công, nông nghiệp hiện đại gắn với chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành động lực phát triển mới cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, với năng lực kết nối liên vùng và xuyên biên giới ngày càng cao.
Tuy nhiên, cơ hội lớn luôn đi kèm với thách thức. Để làm được điều đó, thành phố cần có tư duy quy hoạch mới, tầm nhìn dài hạn và cơ chế quản trị linh hoạt nhằm đảm bảo sự phát triển cân bằng giữa công nghiệp hóa và chất lượng sống đô thị; đồng thời huy động và phân bổ nguồn lực thông minh, hiệu quả, trong đó nhân lực chất lượng cao, công nghệ và thể chế giữ vai trò trung tâm.
"Nếu thực hiện được mục tiêu đề ra, Hải Phòng sẽ không chỉ tiếp nối vai trò "thành phố cảng trung tâm" như đã được khẳng định trong lịch sử, mà còn vươn mình trở thành hình mẫu quản trị đô thị tiên tiến, nơi hội tụ các yếu tố hiện đại, văn minh và bền vững; đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển quốc gia đến năm 2045, góp phần đưa đất nước bước vào hàng ngũ các quốc gia công nghiệp phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu", Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh chia sẻ.