Hải Phòng làm gì để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế top đầu cả nước?
Nghị quyết của Chính phủ giao cho thành phố Hải Phòng tăng trưởng 12,5%, mức cao nhất trong vùng đồng bằng sông Hồng cũng như trong 6 thành phố trực thuộc trung ương.
Ngày 13-2, tại hội nghị cung cấp thông tin và giao ban báo chí Hải Phòng, Giám đốc Sở KH&ĐT Hải Phòng Nguyễn Ngọc Tú đã chia sẻ thông tin về mục tiêu tăng trưởng kinh tế của TP Hải Phòng năm 2025.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức cao trong top đầu cả nước
Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5-2-2025 của Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước đạt từ 8% trở lên trong năm 2025.
Trong đó, giao cho thành phố Hải Phòng tăng trưởng 12,5%. Mức tăng trưởng này thống nhất với mục tiêu tăng trưởng năm 2025 mà Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã xác định, thông qua ngay từ tháng 12-2024.
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Hải Phòng, qua so sánh, chỉ tiêu tăng trưởng giao cho Hải Phòng trong nghị quyết gấp trên 1,5 lần mức bình quân chung của cả nước.
Đây cũng là mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao nhất trong vùng đồng bằng sông Hồng, cao nhất trong 6 thành phố trực thuộc trung ương. Cùng với đó, con số này cũng cao nhất trong 5 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước (gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng).
Mục tiêu 12,5% chỉ xếp thứ 3 cả nước sau Bắc Giang là 13,6% và Ninh Thuận là 13%.
6 nhóm giải pháp để hoàn thành mục tiêu
Chia sẻ tại hội nghị, Giám đốc Sở KH&ĐT Hải Phòng Nguyễn Ngọc Tú cho biết để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng, Hải Phòng sẽ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp, trọng tâm vào 6 nhóm giải pháp.
Ở giải pháp thứ nhất, Hải Phòng tập trung xây dựng, thi hành hệ thống pháp luật, xây dựng cơ chế chính sách. Trong đó, hoàn thành hồ sơ xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế đặc thù, phấn đấu hoàn thành, trình Quốc hội trong quý II-2025.
Cùng với đó, hoàn thành đề án và trình cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Khu thương mại tự do thế hệ mới tại Hải Phòng trong năm 2025.
Giải pháp thứ 2 là tăng tốc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics và du lịch - thương mại.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 12,5%, thành phố cần khoảng 240 - 250 ngàn tỉ đồng vốn đầu tư thực hiện. Sở KH&ĐT đã chủ động xây dựng danh mục các dự án đầu tư dự kiến thực hiện trong năm để tập trung theo dõi, đôn đốc thực hiện.
Đối với vốn đầu tư công năm 2025 là khoảng 25,4 ngàn tỉ đồng (chiếm khoảng 10-11% tổng vốn đầu tư thực hiện), thành phố phấn đấu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn được giao.
Trọng tâm là các công trình hạ tầng quan trọng, có vai trò kết nối, tạo động lực cho phát triển kinh tế, như các dự án ở khu vực Bắc sông Cấm để phục vụ di chuyển Trung tâm Chính trị - Hành chính; dự án xây dựng đường vành đai 2; dự án xây dựng cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352...
Ở giải pháp thứ 3, Hải Phòng tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng số. Trong đó, trình phê duyệt hoặc phê duyệt điều chỉnh các quy hoạch quan trọng của thành phố trong năm 2025 như: Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải; quy hoạch chung xây dựng thành phố; nhiệm vụ Quy hoạch chung Khu kinh tế ven biển phía Nam; đầu tư một số công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật trong khu kinh tế mới; phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT hoàn thành các thủ tục, phấn đấu khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cuối năm 2025…
Ở các giải pháp tiếp theo, Hải Phòng tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.
Cùng với đó, tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 gắn với đảm bảo chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Ngoài ra, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, tăng cường liên kết vùng; củng cố quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.