Hải Phòng: 'Làng tiến sĩ' có 7 người đỗ đại khoa thời phong kiến
Đến nay, người dân làng Lê Xá, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, nơi có 7 tiến sĩ thời phong kiến, vẫn giữ gìn truyền thống hiếu học quý báu của quê hương.
“Một đấu vàng không bằng nang chữ”
Trong câu chuyện với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Hữu Thắng - Bí thư Đảng ủy xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, không giấu được sự tự hào về truyền thống hiếu học của địa phương.
Ông Thắng cho biết, theo các bậc cao niên trong vùng, từ xưa, mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân xã Tú Sơn vẫn tạo mọi điều kiện cho con cái ăn học đàng hoàng với quan niệm “Một đấu vàng không bằng nang chữ”. Chính vì vậy, suốt thời phong kiến, xã Tú Sơn (trước gồm 4 xã Nãi Sơn, Lê Xá, Hồi Xuân và Đồng Mô), trở thành trở thành vùng đất khoa bảng nổi tiếng, nhất là làng Lê Xá.
Chỉ trong 69 năm, từ năm 1469 đến năm 1538, làng Lê Xá có tới 7 người đỗ tiến sĩ. Dưới thời phong kiến, làng nào, xã nào chỉ cần có một người đỗ tiến sĩ, tiếng thơm vang xa và lưu truyền mãi. Vì thế, làng Lê Xá được nhiều biết đến với cái tên “Làng tiến sĩ”.
Người khai khoa của “làng tiến sĩ” Lê Xá là cụ Nguyễn Nhân Nghiêm đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 29 tuổi tại khoa thi năm Kỷ Sửu (1469) dưới triều vua Lê Thánh Tông. Tại khoa thi năm Mậu Tuất (1538) dưới triều vua Mạc Thái Tông, làng Lê Xá có 2 vị đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân là cụ Hoàng Thuyên và cụ Nguyễn Huệ Trạch.
Trong số 7 vị tiến sĩ của làng Lê Xá, cụ Bùi Phổ đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Giáp Thìn (1484) dưới thời vua Lê Thánh Tông. Cụ Bùi Phổ nổi tiếng về tài làm thơ đã được vua Lê Thánh Tông mời tham gia, là 1 trong số 28 thành viên của Hội Tao Đàn (Tao Đàn nhị thập bát tú).
Theo ông Nguyễn Văn Anh - Trưởng Làng văn hóa Lê Xá, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, truyền thống hiếu học đã thấm vào máu thịt của người dân làng Lê Xá. Đến nay, nhiều gia đình dù hoàn cảnh có phần còn khó khăn nhưng vẫn chắt chiu, dành dụm những gì tốt đẹp nhất mong con cái ăn học thành tài.
Trong số đó, có thể kể đến gia đình ông Đặng Văn Trường. Bản thân ông Trường đi làm bảo vệ, vợ ở nhà trồng rau nuôi gà, nhưng vẫn gắng gượng nuôi 2 con ăn học đại học. Hay ông Nguyễn Văn Biềm (đã mất) từng mò cua, bắt ốc cùng vợ nuôi 2 con hoàn thành chương trình đại học.
“Từ năm 2005 đến nay, trung bình mỗi năm, làng Lê Xá có hơn 10 cháu thi đỗ đại học. Theo lời các bậc cao niên, thế “mình rồng cánh phượng” (đất hình rồng, cánh phượng là 2 con sông Họng và Văn Úc bao bọc) giúp làng Lê Xá có được thành tích đáng tự hào trong suốt chiều dài lịch sử”, ông Nguyễn Văn Anh - Trưởng Làng văn hóa Lê Xá, chia sẻ.
Đau đáu mong có nơi thờ tự các vị tiến sĩ
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Anh - Trưởng Làng văn hóa Lê Xá, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, cho biết, trước đây các vị tiến sĩ được thờ trong đình làng. Trong thời kỳ chiến tranh, đình làng đã bị tàn phá.
Do không còn đình làng, hiện thành hoàng làng, 7 vị tiến sĩ dưới thời phong kiến, hơn 60 liệt sĩ được thờ tạm tại Nhà văn hóa Lê Xá được xây dựng trong khuôn viên đình làng trước kia. Trước tình cảnh này, người dân trong làng, con em quê hương xa quê rất áy náy và bùi ngùi.
“Bấy lâu nay, vấn đề xây lại đình làng đã được đưa ra tại nhiều cuộc họp của làng. Mọi người mong muốn chung tay góp công, góp của để xây dựng nơi thờ tự thành hoàng làng, các vị tiến sĩ, các anh hùng liệt sĩ.
Đồng thời, cũng là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, hiếu học, điểm kết nối cộng đồng. Nhất là con em xa quê khi trở lại quê hương thấy lại cảnh quen thuộc về cây đa, bến nước, sân đình”, ông Nguyễn Văn Anh bày tỏ.
Về nguyện vọng xây lại đình làng của người dân làng Lê Xá, ông Đồng Duy Cường - Chủ tịch UBND xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, cho biết, UBND xã Tú Sơn đã đề nghị UBND huyện Kiến Thụy đưa vào quy hoạch dành 2.000 m2 ở khu vực đình làng Lê Xá cũ, nay thuộc khuôn viên Nhà văn hóa Lê Xá, để huy động nguồn xã hội hóa xây dựng đình làng mới.
Ông Đồng Duy Cường cho biết thêm, để góp phần gìn giữ, tiếp nối truyền thống hiếu học quý giá của làng Lê Xá nói riêng, xã Tú Sơn nói chung, thời gian qua, đại diện chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp các đoàn thể, đại diện các thôn tổ chức “thăm nhà đột xuất” vào buổi tối tới nhà các cháu học sinh có học lực kém để kiểm tra việc học hành, động viên gia đình và các cháu.
Bên cạnh đó, xã Tú Sơn còn huy động các nguồn xã hội hóa trao học bổng, xe đạp tặng các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó vươn lên trong học tập. Đồng thời, khen thưởng kịp thời những cháu đạt được thành tích cao, nổi bật trong học tập.