Hải Phòng phát triển BĐS công nghiệp gắn với hạ tầng logistics

Là trung tâm logistics cảng biển của cả khu vực miền Bắc, việc phát triển hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) tại Hải Phòng cần chú ý đầu tư hạ tầng logistics, đặc biệt là hệ thống kho bãi.

Trong những năm gần đây, khi hội nhập quốc tế tại Việt Nam ngày càng phát triển sâu rộng, nhu cầu xuất nhập khẩu tăng cao, đặc biệt khi Việt Nam đang chở thành điểm để của dòng dịch chuyển vốn FDI.

Theo Tổng Cục Thống Kê, tổng giá trị xuất nhập khẩu là 543,9 tỷ USD trong 2020, tăng đến 5,1% so với cùng kỳ. Đồng thời, tuy bị ảnh hưởng bởi đại dịch, song khả năng tăng trưởng giao thương của cả nước vẫn được đánh giá khả quan dựa trên những hiệp định thương mại được kí gần đây, bao gồm Hiệp Định Thương Mại Tự Do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực (RCEP).

Công Ty Cổ Phần Chứng Khoán SSI cũng đưa ra mức dự đoán doanh thu của ngành cảng biển và logistics sẽ tăng đến 10% trong 2021, và ngành sẽ tiếp tục đà phát triển tầm 12-14% như các năm vừa qua.

Ông Troy Griffith, Phó Tổng Giám Đốc Savills Việt Nam nhận định: Với việc mở rộng quy mô các cảng biển như Cái Mép – Thị Vải và Lạch Huyện, Việt Nam sẽ thu hút được những tàu hàng có tải trọng lớn thay vì đến các cảng tại Singapore và Hong Kong.
Cùng với nhu cầu ngày càng tăng của cảng biển và ngành logistics, nhu cầu thuê kho bãi hiện nay cũng đang mạnh.

Cụ thể hơn, ông John Campbell, Quản lý bộ phận BĐS Công nghiệp của Savills Việt Nam cho biết: Trong những năm gần đây, tổng diện tích kho bãi theo quan sát đã tăng đáng kể, và giá đã tăng từ 5-10% mỗi năm. Theo số liệu từ Savills Việt Nam, giá thuê trung bình cho nhà kho tại vùng kinh tế phía Bắc và Nam trong năm 2020 lần lượt là 4,1 USD/m2/tháng và 4,4 USD/m2/tháng.

Kho ngoại quan trong KCN Nam Đình Vũ có quy mô 13ha.jpg

Tại các tỉnh như Long An và Bình Dương, những dự án kho bãi và cơ sở phân phối mới đang mọc lên dày đặc khi khu vực TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương đối diện với vấn đề thiếu hụt nguồn cung”. Ông John cũng dẫn chứng thêm, như tại Long An, JD.com đã đầu tư vào dự án kho bãi mới lên đến 10 ha tại huyện Đức Hòa; Cainiao (Đơn vị cung cấp logistic cho Alibaba) đã đầu tư vào dự án kho bãi tại huyện Bến Lức. Hay như trong năm ngoái, LOGOS Property đã tham gia thị trường với liên doanh kho bãi với mức đầu tư 350 triệu USD.

Là một trong những doanh nghiệp đón đầu xu hướng này khi phát triển bất động sản công nghiệp, ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ - Chủ đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN Nam Đình Vũ cho biết:

“Khi quy hoạch KCN Nam Đình Vũ, nhận định lợi thế là một trung tâm logistics về cảng biển khu vực phía Bắc của Hải Phòng, chúng tôi đã hướng đến việc xây dựng 1 KCN tổng hợp, có các phân khu chức năng tạo thành 1 hệ sinh thái bổ trợ cho nhau, đầu ra của doanh nghiệp này có thể là đầu vào của doanh nghiệp khác. Trong đó, phân khu Cảng biển và Logistics có quy mô gần 200ha là một trong những phân khu quan trọng và hội tụ nhiều tiềm năng nhất, cảng Nam Đình Vũ với qui mô 7 cầu cảng container và hàng tổng hợp, với 2 bến cập tàu đã được đưa vào khai thác, công suất khoảng từ 800.000 đến 1 triệu TEUs/năm.

Các khu vực kho ngoại quan và logistic được đầu tư hạ tầng với tiêu chuẩn hiện đại và đồng bộ. Kho ngoại quan trong khu vực này của chúng tôi có quy mô 13ha và hiện đang được khai thác hiệu quả.”.

Trong bối cảnh, Việt Nam đang trở thành một điểm đến hàng đầu trong đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư, với việc sẽ có nhiều nhà máy sẽ chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam, thì Hải Phòng đang có lợi thế lớn để đón dòng vốn dịch chuyển. Lợi thế này xuất phát từ việc Hải Phòng là trung tâm logistics của miền Bắc.

Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: Mặc dù có vị trí thuận lợi và nhiều tiềm năng, nhưng Hải Phòng vẫn chưa phát huy được hết những lợi thế đã có, chưa thực sự trở thành địa phương đi đầu về phát triển dịch vụ logistics, chưa tận dụng lợi thế để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.

“Việc hàng trăm doanh nghiệp hoạt động đơn lẻ, chưa tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ ngành logistics đã dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, phát triển manh mún thiếu quy hoạch làm giảm khả năng cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập”, ông Lộc nhấn mạnh.

Cảng Nam Đình Vũ với qui mô 7 cầu cảng container và hàng tổng hợp đã được đưa vào khai thác ổn định để phục vụ chính cho nhà đầu tư trong KCN Nam Đình Vũ.

Trong khi đó, Hải Phòng đang có kế hoạch tăng quỹ đất bất động sản công nghiệp tương đối lớn. Cụ thể, theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban ban quản lý các Khu kinh tế Hải Phòng, từ nay tới năm 2025, sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng mới 15 KCN, với tổng diện tích hơn 6.400 ha tại 8 quận, huyện. Trong đó, huyện Tiên Lãng sẽ xây dựng 3 KCN diện tích lớn nhất, hơn 1.450 ha, huyện Vĩnh Bảo mở thêm 3 KCN, diện tích 900 ha. Trước mắt, tới năm 2025, Hải Phòng sẽ phấn đấu lấp đầy 12 KCN hiện có (rộng hơn 4.400 ha và khai thác 30% công suất các KCN mới).

Như vậy, với việc các KCN hiện hữu còn chưa được lấp đầy hết và nguồn cung mới đã được chuẩn bị thì sự cạnh tranh để thu hút giữa các KCN ngày càng tăng. Cùng với đó, dòng vốn FDI mới được đánh giá sẽ “khó tính” hơn trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư. Vậy nên, KCN nào vừa có hạ tầng đồng bộ, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư tốt, lại vừa có lợi thế về hạ tầng logistics như hệ thống cảng, kho bãi ngay trong KCN, giúp giảm chi phí hoạt động sẽ là lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư.

Nhấn mạnh thêm, cũng xuất phát từ nhu cầu này nên trong định hướng phát triển logistics của Hải Phòng đã hướng đến việc thành lập bốn trung tâm logistics lớn, bao gồm: 1 trung tâm cấp vùng là trung tâm logistics Nam Đình Vũ tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (phía Đông); 3 trung tâm cấp thành phố tại Lạch Huyện (phía Đông Nam), khu VSIP tại Khu công nghiệp VSIP (phía Đông Bắc) và khu Tràng Duệ tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (phía Tây).

Thu Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/hai-phong-phat-trien-bds-cong-nghiep-gan-voi-ha-tang-logistics-d144119.html