Hải Phòng, Quảng Ninh tập trung khắc phục hậu quả mưa lụt

Như tin đã đưa, vào ngày 9/6 tại khu vực Hải Phòng và Quảng Ninh đã xảy ra đợt mưa lớn kỷ lục, gây lụt và chia cắt các tuyến giao thông, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tài sản của người dân.

Ông Phạm Quang Quỳnh - Chủ tịch HĐTV kiêm TGĐ Công ty TNHH MTV thoát nước Hải Phòng cho biết, trận mưa từ 3h kéo dài với cường độ cao đến suốt buổi sáng ngày 9/6 được đánh giá là lớn nhất trong vòng 30 năm trở lại đây ở Hải Phòng, với lượng mưa đo được lên tới 330 mm, cao hơn nhiều so với kỷ lục được thiết lập năm 2018 là 287 mm.

Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường nội thành Hải Phòng trở thành sông.

Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường nội thành Hải Phòng trở thành sông.

Mặc dù trước đó qua theo dõi dự báo thời tiết, Công ty thoát nước Hải Phòng đã cho rút cạn mực nước tại các hồ điều hòa cũng như hệ thống trong khu vực nội thành để phòng chống úng ngập, đồng thời huy động hơn 400 công nhân thường ứng trực nhnưg do mưa quá lớn, kết hợp triều cường dâng cao lên mức 4,2m tại các sông trên địa bàn nên khu vực nội thành Hải Phòng đã bị ngập nặng.

Trong ngày 9/6 giao thông nội thành Hải Phòng bị ngưng trệ, nước cống dềnh lên đẩy ngược qua các cửa ga kết hợp với nước mặt tràn vào nhà dân, làm hư hại nhiều đồ đạc, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động kinh doanh. Đến tận trưa hôm nay (10/6), hệ thống thoát nước của Hải Phòng cũng chưa thể tiêu thoát bình thường, nhiều khu phố, ngõ ngách và nhà dân vẫn bị ngập nước.

Nông dân huyện An Dương (Hải Phòng) tập trung bơm nước tiêu úng cho diện tích cây cảnh.

Nông dân huyện An Dương (Hải Phòng) tập trung bơm nước tiêu úng cho diện tích cây cảnh.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (PCTT, TLCN & PTDS) Hải Phòng, mưa lớn đã gây thiệt hại ở nhiều địa phương thuộc khu vực ngoại thành, ảnh hưởng trực tiếp tới 55% trên tổng diện tích 27.326ha lúa vụ Xuân đang mùa thu hoạch, tập trung nhiều ở các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy và An Lão.

Tại huyện Thủy Nguyên, mưa lụt đã làm đình trệ việc thi công nhiều dự án công trình lớn, có khu vực nước ngập sâu tới 0,6m. Tại huyện An Dương, tuyến kênh tiêu thoát cho KCN An Dương bị dồn ứ, đáng lưu ý địa bàn An Dương có vùng trồng hoa, cây cảnh lớn nhất Hải Phòng với diện tích trên 230ha bị úng lụt nặng, nếu bị thối rễ hư hỏng thì mức độ thiệt hại sẽ rất lớn.

Lũ tràn về nhấn chìm khu dân cư ở thị trấn Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh).

Lũ tràn về nhấn chìm khu dân cư ở thị trấn Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh).

Hiện Ban Chỉ huy PCTT, TLCN & PTDS Hải Phòng đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung cao độ khắc phục hậu quả của mưa lụt, tổ chức tiêu thoát nước, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt, thu hoạch lúa mùa vụ Xuân và có biện kháp phòng ngừa diễn biến xấu tiếp theo của thời tiết, nhằm hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại.

Tại Quảng Ninh, mưa lớn kết hợp với triều cường khiến nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra úng ngập, đáng chú ý là trên các sông khu vực huyện Tiên Yên, huyện Ba Chẽ, Hải Hà, Móng Cái và TP Hạ Long đã xuất hiện lũ.

Lực lượng cứu hộ TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) giúp dân di tản tránh lụt.

Lực lượng cứu hộ TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) giúp dân di tản tránh lụt.

Sơ bộ thống kê ban đầu, mưa lũ đã khiến huyện Tiên Yên bị ngập khoảng 300ha lúa; TP Hạ Long có 29 hộ dân và 20ha lúa bị ngập; các huyện Bình Liêu và Ba Chẽ có nhiều điểm bị sạt lở; Huyện Ba Chẽ có 1 hộ dân bị và 13 điểm trên tuyến đường huyện, liên xã, thôn bị sạt lở… cùng nhiều khu dân cư trải khắp 13 địa phương trực thuộc tỉnh bị ngập lụt.

Một trong những địa phương ảnh hưởng nặng nề nhất tỉnh Quảng Ninh là TP Uông Bí, nước mưa và lũ tràn về khiến nhiều khu vực bị ngập rất sâu, điển hình là các xã, phường: Thanh Sơn, Quang Trung, Trưng Vương, Yên Thanh, Bắc Sơn, Vàng Danh, Thượng Yên Công… làm tê liệt sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Đường ven biển TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) cũng bị ngập nước.

Đường ven biển TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) cũng bị ngập nước.

Trước tình hình này, Ban Chỉ huy PCTT, TLCN & PTDS tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương tích cực duy trì ứng trực, khơi thông cống thoát nước, căng dây cảnh báo và tổ chức lực lượng canh gác. Đồng thời, huy động các lực lượng hỗ trợ người dân đưa tài sản ra khỏi nơi ngập úng và tiếp tục rà soát nhằm khắc phục hậu quả thiệt hại.

Cây cổ thụ đổ đè bẹp 1 chiếc ô tô ở Hải Phòng.

Cây cổ thụ đổ đè bẹp 1 chiếc ô tô ở Hải Phòng.

Ở một diễn biến liên quan khác, cũng trong thời điểm mưa lớn diễn ra, vào khoảng 4h ngày 9/6, xe ô tô mang BKS 14A-254xx do anh Nguyễn Quang V. (SN 1972, trú TP Móng Cái) đang lưu thông trên cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, đến đoạn cầu vượt thuộc địa bàn xã Hải Tiến (TP Móng Cái) thì bất ngờ bị lật, hậu quả anh V. tử vong tại chỗ, người ngồi cùng trên xe là chị Nguyễn Thị H. (SN 1967, cùng trú TP Móng Cái) bị thương phải nhập viện cấp cứu, ô tô hư hỏng nặng.

Còn tại Hải Phòng, vào khoảng 9h ngày 9/6, tại khuôn viên Cung văn hóa thể thao thanh niên Hải Phòng, 1 cây xà cừ cổ thụ bị bật gốc đổ xuống đè bẹp 1 chiếc xe ô tô loại 5 chỗ, rất may không có thiệt hại về người.

Văn Minh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/hai-phong-quang-ninh-tap-trung-khac-phuc-hau-qua-mua-lut-i733863/