Hải Phòng siết chặt quản lý dịch vụ nấu cỗ di động, thức ăn đường phố dịp cuối năm

Sở Y tế Hải Phòng vừa ban hành công văn về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn thành phố dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ, trong đó siết chặt quản lý dịch vụ nấu cỗ di động, thức ăn đường phố.

Sở Y tế Hải Phòng vừa có công văn về việc bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, nấu cỗ di động, kinh doanh thức ăn đường phố dịp cuối năm, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân 2025.

Đây là thời điểm nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao; đồng nghĩa với nguy cơ xuất hiện các thực phẩm không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người sử dụng, nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm và sự cố ATTP trên địa bàn thành phố.

Thực phẩm đường phố tiềm ẩn nguy cơ gây độc nếu không được quản lý nghiêm. Ảnh minh họa

Thực phẩm đường phố tiềm ẩn nguy cơ gây độc nếu không được quản lý nghiêm. Ảnh minh họa

Tại Hải Phòng, việc quản lý, giám sát an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Vì vậy, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP thành phố đề nghị các đơn vị triển khai các giải pháp quản lý, bảo đảm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.

Ủy ban nhân dân các quận, huyện tăng cường công tác thông tin, truyền thông, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm; các biện pháp giám sát, quản lý an toàn thực phẩm chặt chẽ, phù hợp đối với các loại hình cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, dịch vụ nấu cỗ di động, dịch vụ ăn uống tại các lễ hội, sự kiện trên địa bàn.

Các xã, phường sẽ tăng cường quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, kinh doanh thức ăn đường phố; thực hiện rà soát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Theo Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm Thành phố Hải Phòng, toàn thành phố có 24.796 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bao gồm 5.549 cơ sở thực phẩm; 10.115 dịch vụ ăn uống. Trong nhóm kinh doanh dịch vụ ăn uống có 7.865 cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ và kinh doanh thức ăn đường phố, 264 bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp và các doanh nghiệp, trên 700 bếp ăn tập thể tại các trường học.

Ngoài ra, Hải Phòng còn 4.860 cơ sở sản xuất ban đầu lĩnh vực nông lâm thủy sản; 2.934 cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm; 1.338 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

Hải Phòng cũng là địa phương có hoạt động dịch vụ ăn uống đường phố phát triển rất mạnh mẽ. Mô hình food tour với các quầy hàng kinh doanh trở thành sản phẩm du lịch của thành phố. Để đảm bảo ATTP, địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với bảo đảm an toàn thực phẩm đường phố.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cuoi-nam-hai-phong-siet-chat-quan-ly-dich-vu-nau-co-di-dong-thuc-an-duong-pho-2350804.html