Hải Phòng thu ngân sách 6 tháng giảm hơn 15% do Vinfast ngừng sản xuất xe xăng
Trong 6 tháng đầu năm, thu ngân sách Hải Phòng chỉ đạt 46.490 tỷ đồng, giảm 15,17% so với cùng kỳ do các chính sách miễn, giảm thuế và Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast ngừng sản xuất xe xăng, chuyển sang sản xuất xe điện với mức thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ còn 3%.
Báo cáo từ UBND Hải Phòng, tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 46.490 tỷ đồng, bằng 44,4% dự toán Trung ương giao và giảm 15,17% so với cùng kỳ.
Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 28.475 tỷ đồng, bằng 40,7% dự toán Trung ương giao và giảm 13,7% so với cùng kỳ.
Thu nội địa đạt 16.666 tỷ đồng, bằng 53,2% dự toán Trung ương giao và giảm 18,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Thu ngân sách nhà nước Hải Phòng giảm là do các chính sách miễn, giảm thuế ban hành trong năm 2022 vẫn còn ảnh hưởng đến nguồn thu năm 2023. Mặt khác, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast ngừng sản xuất xe xăng, chuyển sang sản xuất xe điện với mức thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ còn 3% đã tác động lớn làm giảm nguồn thu nộp ngân sách nhà nước.
Chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2023 đạt 13.822 tỷ đồng, bằng 48,9% dự toán Trung ương giao và tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, tổng chi đầu tư đầu tư phát triển đạt 8.079 tỷ đồng, bằng 60,3% dự toán Trung ương giao và tăng 66% so với cùng kỳ.
Chi thường xuyên đạt 5.616 tỷ đồng, bằng 39,3% dự toán Trung ương giao và tăng 4,3% so với cùng kỳ.
Ngân sách thành phố đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời các khoản chi thường xuyên: Ưu tiên kinh phí để giải quyết các chế độ, chính sách an sinh xã hội; Chi tặng quà cho các đối tượng chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễ lớn; Kinh phí thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố (như: Chương trình Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; Nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội và một số chính sách trợ giúp xã hội; Hỗ trợ học phí cho học sinh từ bậc mầm non đến trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng,…),...
Theo TP Hải Phòng, các chỉ tiêu về tổng thu ngân sách nhà nước, thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2023 đều giảm so với cùng kỳ và chưa đảm bảo yêu cầu theo kế hoạch đặt ra. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; giá vật tư, nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao; nhiều thị trường quốc tế lớn, truyền thống bị thu hẹp; nhiều đơn hàng, hợp đồng phải tạm dừng để điều chỉnh và đàm phán lại giá. Giá điện điều chỉnh tăng 3% từ tháng 5/2023 tác động đến giá một số mặt hàng như thép, xi măng, giấy,...
Hậu quả của dịch bệnh Covid-19 gây ra còn nặng nề, kinh tế trong nước vẫn đang trong quá trình phục hồi. Dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu khó dự báo, nắng nóng gay gắt kéo dài đã và đang dẫn đến tình trạng thiếu nước, thiếu điện cục bộ.
Các yếu tố nội lực tuy đã được phát huy và có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn còn nhiều hạn chế. Thu ngân sách nhà nước trong các năm gần đây mặc dù đã có bước tăng trưởng cao nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố, cơ cấu nguồn thu chưa thực sự bền vững.
Trong 6 tháng cuối năm, Hải Phòng sẽ phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2023 đạt và vượt chỉ tiêu dự toán trung ương giao.
Về chi ngân sách, điều hành, quản lý chi ngân sách địa phương 6 tháng cuối năm theo dự toán được giao, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống dịch bệnh. Kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định, hạn chế thấp nhất việc ứng trước dự toán ngân sách nhà nước và số chi chuyển nguồn sang năm sau.
Xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2024: theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính, đồng thời, bám sát mục tiêu, định hướng, yêu cầu của kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn và tình hình thực tế tại địa phương.
Để thực hiện mục tiêu trên, Hải Phòng sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả giải pháp tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu vững chắc, lâu dài cho ngân sách nhà nước.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Chống thất thu ngân sách nhà nước thành phố Hải Phòng và các Tổ chống thất thu ngân sách. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đối với thu tiền đất, đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất cụ thể, thủ tục đấu giá đất; khẩn trương thực hiện công tác đấu giá đất theo kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
Tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách tích cực, chủ động, đúng dự toán được giao và khả năng thu ngân sách nhà nước. Ưu tiên bố trí, tập trung thanh toán vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án không triển khai thực hiện được hoặc triển khai thực hiện chậm để tập trung cho các dự án trọng điểm, quan trọng của thành phố có tiến độ giải ngân tốt.