Hải Phòng: Tìm giải pháp xử lý, tiêu thụ bã thải của Nhà máy sản xuất phân bón DAP Đình Vũ

Chiều 3/3, tại Hải Phòng, Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) và Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã tổ chức Hội thảo khoa học 'Giải pháp xử lý, tiêu thụ bã gyps tại Nhà máy sản xuất phân bón DAP - Vinachem, tại Khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng' với sự tham dự của đông đảo các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp liên quan.

Quang cảnh hội thảo tìm giải pháp xử lý, tiêu thụ bã thải của Nhà máy DAP Đình Vũ.

Quang cảnh hội thảo tìm giải pháp xử lý, tiêu thụ bã thải của Nhà máy DAP Đình Vũ.

Theo Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc, hiện cả nước có 30 nhà máy nhiệt điện đốt than, 3 nhà máy sản xuất phân bón DAP đang hoạt động.

Các nhà máy nêu trên phát thải lượng tro, xỉ khoảng 16 triệu tấn và 1,3 triệu tấn bã thải gyps.

Chính phủ có nhiều chính sách và giải pháp nhằm đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.

Do vậy, lượng tro, xỉ nhiệt điện đã được xử lý, tiêu thụ tăng đáng kể, năm sau cao hơn năm trước. Riêng trong năm 2022 đã tiêu thụ đạt hơn 16,68 triệu tấn, tương đương 105,7% tổng lượng phát thải.

Lượng bã thải gyps của Nhà máy DAP Đình Vũ vẫn còn tồn trữ khoảng 3,5 triệu tấn.

Lượng bã thải gyps của Nhà máy DAP Đình Vũ vẫn còn tồn trữ khoảng 3,5 triệu tấn.

Tuy nhiên, lượng xử lý và tiêu thụ bã thải gyps từ các nhà máy sản xuất phân bón DAP vẫn chưa được như kỳ vọng.

Tại Nhà máy sản xuất phân bón DAP Đình Vũ (Hải Phòng) đã có dây chuyền xử lý bã thải gyps thành thạch cao PG và cũng đã bảo đảm xử lý hết lượng bã thải gyps phát sinh trong sản xuất hiện tại, nhưng việc tiêu thụ thạch cao này cũng khó khăn.

Hiện, tại Nhà máy sản xuất phân bón DAP Đình Vũ (Hải Phòng) vẫn còn tồn lượng bã thải gyps khá lớn lên tới 3,5 triệu tấn.

Cùng với đó, tại Nhà máy sản xuất phân bón DAP ở Lào Cai vẫn chưa có dự án xử lý, bã thải gyps vẫn tồn trữ toàn bộ tại bãi.

Tại hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận về các nội dung xoay quanh các giải pháp để xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất.

Theo đó, các nhà khoa học cũng công bố các tài liệu cho thấy có thể xử lý bã thải gyps của Nhà máy sản xuất phân bón DAP - Vinachem để sản xuất thạch cao nhân tạo sử dụng trong sản xuất xi-măng, các sản phẩm từ thạch cao và nhất là có thể sử dụng làm cốt nền trong các công trình giao thông sau khi được xử lý…

Nhà máy sản xuất thạch cao Đình Vũ đã bảo đảm tiêu thụ cân bằng lượng bã thải gyps phát sinh hằng ngày của Nhà máy DAP Đình Vũ.

Nhà máy sản xuất thạch cao Đình Vũ đã bảo đảm tiêu thụ cân bằng lượng bã thải gyps phát sinh hằng ngày của Nhà máy DAP Đình Vũ.

Cùng với đó, các đại biểu cũng thảo luận về các giải pháp xử lý, tiêu thụ bã thải gyps của Nhà máy sản xuất phân bón DAP Đình Vũ với việc tăng cường tiêu thụ thạch cao nhân tạo được sản xuất từ bã thải gyps; hợp sức trong nghiên cứu và thực hiện xử lý bã thải gyps.

Đặc biệt, từ các nghiên cứu, thực nghiệm của các nhà khoa học sẽ làm cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước có thể hoàn thiện, ban hành tiêu chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật đối với sản phẩm từ bã thải gyps đã qua xử lý để ứng dụng làm vật liệu xây dựng và ứng dụng vào các công trình xây dựng…

Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên kỳ vọng, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các chính sách, giải pháp xử lý triệt để đối với lượng phát thải gyps từ các nhà máy sản xuất phân bón nêu trên sớm trở thành hiện thực.

Sớm có quy chuẩn về sử dụng bã thải sau xử lý làm vật liệu san lấp thì lượng bã thải gyps tồn đọng lớn này sẽ nhanh chóng được giải quyết.

Sớm có quy chuẩn về sử dụng bã thải sau xử lý làm vật liệu san lấp thì lượng bã thải gyps tồn đọng lớn này sẽ nhanh chóng được giải quyết.

Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ giải quyết những vấn đề về môi trường của thành phố, mà còn tạo ra nguồn vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng cho các công trình xây dựng hiện đang ngày càng trở nên khan hiếm.

Đồng thời, điều đó cũng tạo ra hướng ra cho Công ty cổ phần DAP - Vinachem tiếp tục đầu tư, phát triển, bảo đảm các yêu cầu về sản xuất phân bón, an ninh lương thực, ổn định sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của người lao động.

Đây cũng là những biện pháp thiết thực, hiệu quả trong thực thi những chính sách về bảo vệ môi trường, hướng tới các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và môi trường sống của nhân dân, bảo đảm sự phát triển bền vững của thành phố Hải Phòng và đất nước.

NGÔ QUANG DŨNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hai-phong-tim-giai-phap-xu-ly-tieu-thu-ba-thai-cua-nha-may-san-xuat-phan-bon-dap-dinh-vu-post741410.html