Hải Phòng tìm hướng đi để du lịch đường sông trở thành sản phẩm mang tầm quốc tế

Chiều 22/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng đã tổ chức Hội thảo Phát triển du lịch đường thủy tại Hải Phòng nhằm 'đánh thức' tiềm năng đường sông của Hải Phòng, để du lịch đường sông trở thành sản phẩm mang tầm quốc tế.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng cho biết: Hải Phòng có mạng lưới sông ngòi dày đặc, mật độ sông lớn nhất miền Bắc, sông bao quanh từng khu phố, từng xóm làng. Bởi vậy Hải Phòng được gọi là thành phố của những dòng sông, thành phố của những cây cầu. Những dòng sông này không chỉ mang theo nhiều giá trị văn hóa, lịch sử mà còn đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng phát biểu đề dẫn tại Hội thảo

Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng phát biểu đề dẫn tại Hội thảo

Với điều kiện thuận lợi về sông ngòi như vậy, tuy nhiên, hiện Hải Phòng chưa có tour du lịch đường sông mà mới chỉ có vận tải khách bằng đường sông và một số hoạt động du lịch mang tính tự phát.

Theo bà Mai, nguyên nhân chính cản trở sự phát triển du lịch đường sông của thành phố do hạ tầng giao thông đường thủy chưa phát triển - rào cản lớn nhất đối với phát triển du lịch đường sông, các cảng, các bến tàu của Hải Phòng là cảng tổng hợp và hàng hóa, không có bến du thuyền quốc tế, không có cảng tàu du lịch, tại nhiều điểm đến không có bến tàu. Chưa có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch đường sông đồng bộ. Cảnh quan sông để phát triển du lịch chưa được đầu tư đúng mức, chưa có hệ thống chiếu sáng nghệ thuật ven sông, còn nhiều rác, bèo trên sông, cảnh quan ven sông đôi chỗ còn nhếch nhác, bụi bẩn. Chưa phát triển các điểm trải nghiệm văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng, sinh thái, vui chơi giải trí ven sông.

Hải Phòng có hệ thống sông ngòi phong phú, hơn 50 con sông lớn nhỏ và 16 tuyến sông chính

Hải Phòng có hệ thống sông ngòi phong phú, hơn 50 con sông lớn nhỏ và 16 tuyến sông chính

“Tôi hy vọng rằng, sau buổi hội thảo này, mọi người sẽ có góc nhìn khác về du lịch đường sông Hải Phòng, sẽ góp phần định vị du lịch đường sông Hải Phòng trở thành sản phẩm thế mạnh đặc trưng, mang tầm quốc gia và quốc tế”, bà Mai nhấn mạnh.

Hội thảo đã nhận được khoảng 20 bài tham luận về các chủ đề liên quan, tập trung vào 3 nhóm nội dung chính, gồm: Cơ sở khoa học, lý luận về phát triển du lịch đường thủy và kinh nghiệm trong nước, quốc tế; Thực trạng tiềm năng, hiện trạng phát triển du lịch đường thủy Hải Phòng; Các giải pháp khai thác, phát triển sản phẩm du lịch đường thủy Hải Phòng.

Bên cạnh đó, các đại biểu, chuyên gia đề xuất, để khai thác hiệu quả du lịch đường sông, thành phố cần cải thiện hạ tầng giao thông thủy, đầu tư xây dựng bến tàu, cảng du lịch, luồng lạch đảm bảo an toàn và mỹ quan; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, như tour du lịch lịch sử sông Bạch Đằng, du ngoạn đêm sông Cấm, trải nghiệm làng nghề ven sông Văn Úc; phối hợp liên kết vùng, kết nối tour tuyến đường sông từ Hải Phòng đến Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển du thuyền cao cấp, tổ chức sự kiện, lưu trú trên sông tương tự mô hình tàu du lịch vịnh Hạ Long.

Hội thảo “Phát triển du lịch đường thủy tại Hải Phòng: Cơ sở khoa học, định hướng và giải pháp”

Hội thảo “Phát triển du lịch đường thủy tại Hải Phòng: Cơ sở khoa học, định hướng và giải pháp”

Ông Nguyễn Ngọc Tú, Giám đốc đầu tư, Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Đỏ cho rằng, Hải Phòng cần sớm xây dựng và ban hành Đề án phát triển du lịch đường thủy tại Hải Phòng làm cơ sở thu hút các nguồn lực phát triển du lịch đường thủy đặc biệt là khối tư nhân đồng thời tạo sự an tâm cho các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Thành phố cũng cần phải quy hoạch, đầu tư bến du thuyền chuyên biệt tại khu vực phù hợp của vịnh Lan Hạ và sông Cấm đồng thời với các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đồng bộ khác như điểm dừng chân, khu vực nghỉ ngơi, mua sắm và trung tâm thông tin du lịch.

Trong những năm tới, du lịch Hải Phòng được định hướng phát triển thực sự thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển kinh tế, xã hội thành phố. Phát triển du lịch đường sông gắn với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch khám phá, trải nghiệm văn hóa, sinh thái sẽ là hướng ưu tiên trong Chiến lược phát triển du lịch Hải Phòng đến năm 2030. Trong đó, ba hành lang cảnh quan sông: sông Cấm, sông Lạch Tray và sông Văn Úc sẽ là hành lang phát triển kinh tế, dịch vụ, đồng thời cũng là trọng điểm của phát triển du lịch đường sông Hải Phòng.

Cụ thể, Hải Phòng cần phải quy hoạch đồng bộ hạ tầng du lịch đường sông và xây dựng đề án phát triển du lịch đường sông. Đồng thời thu hút các nguồn lực để thực hiện đề án. Các tuyến đường sông cần được nạo vét, mở rộng để đảm bảo an toàn và thuận tiện cho các hoạt động du lịch. Cần xây dựng các bến tàu, cầu cảng phù hợp, đồng thời phát triển các dịch vụ hỗ trợ như nhà hàng, khách sạn, khu trải nghiệm ven sông, hệ thống chiếu sáng... để nâng cao trải nghiệm cho du khách.

Để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù riêng có của Hải Phòng thì Thành phố sẽ phải nghiên cửu, mở tuyến du lịch sông - biển kết nối đô thị nội đô lịch sử với di sản thiên nhiên thế giới Quần đảo Cát Bà. Đồng thời, mở các tuyến du lịch đường sông kết nối các điểm đến văn hóa, lịch sử của Hải Phòng và kết nối các di sản của nền văn minh sông Hồng.

Xây dựng các show diễn đẳng cấp quốc tế trên mặt sông, thiết kế những con tàu mang đặc trưng Hải Phòng và phù hợp với từng loại hình du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, để mỗi dòng sông Hải Phòng sẽ kể một câu chuyện lịch sử, chở đầy những giá trị văn hóa và được bao bọc bởi các cảnh quan và hệ sinh thái riêng biệt. Khi đó, các sản phẩm du lịch đường sông sẽ tạo ra sự khác biệt và thu hút du khách.

Tiếp đó là tăng cường liên kết vùng. Hải Phòng có 16 tuyến đường thủy nội địa quốc gia. Từ Hải Phòng, tàu du lịch có thể đi đến hầu hết các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc: Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Việt Trì. Việc tăng cường liên kết vùng, xây dựng các tour liên vùng, kết hợp tham quan nhiều địa điểm trên cùng một tuyến đường sông sẽ giúp du khách có trải nghiệm phong phú hơn.

Khảo sát tuyến du lịch cảnh quan tại Bến du thuyền Vũ Yên sáng 22/4

Khảo sát tuyến du lịch cảnh quan tại Bến du thuyền Vũ Yên sáng 22/4

Trước đó, sáng 22/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng cũng đã tổ chức Đoàn khảo sát trải nghiệm với mục tiêu: Đánh giá các điểm nổi bật của tuyến cảnh quan hành lang sông, sông - biển, địa điểm dự kiến xây dựng các bến tàu đón trả khách, các điểm tham quan trải nghiệm, điểm check in cho du khách, đánh giá mức độ hấp dẫn, an toàn cho du khách; khảo sát tuyến du lịch cảnh quan dọc Sông Cấm - Sông Đá Bạc (Bạch Đằng Giang) - Sông Ruột Lợn với các bến: Cảng Hồng Bàng - Cảng Hoàng Diệu - Bến du thuyền Vũ Yên - Bến Bạch Đằng Giang - Cảng Cá Mắt Rồng - Cảng Hồng Bàng.

Thanh Sơn - Quỳnh Nga

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hai-phong-tim-huong-di-de-du-lich-duong-song-tro-thanh-san-pham-mang-tam-quoc-te-d271964.html