Hải Phòng: Trăn trở tìm nguồn nước sạch cho khu vực nông thôn
Trong khi chờ nguồn cung cấp nước sinh hoạt mới bảo đảm chất lượng, nhiều hộ dân ở huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, quay lại dùng nước giếng khoan thay vì nước máy.
Nhiều hộ quay lại dùng nước giếng khoan
Hiện gia đình ông Dương Văn Hân, Trưởng thôn Ninh Duy 2, xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng, vẫn dùng nước giếng khoan thay vì nước máy. Trưa 15/5, trao đổi với Người Đưa Tin về lý do, ông Hân chia sẻ, phần vì đường ống dẫn chưa tới gia đình, nhưng chủ yếu lo ngại nguồn nước máy không bảo đảm chất lượng, gia đình ông vẫn dùng nước giếng khoan.
Theo ông Hân, có khoảng 50% trong số 178 hộ trong thôn Ninh Duy 2 đến nay vẫn dùng nước giếng khoan thay vì nước máy. Ngoài lý do tương tự như gia đình ông Hân, nhiều hộ đã dùng nước máy của Công ty CP phát triển nước sạch Hưng Đạo (Công ty nước Hưng Đạo), nhưng vì chất lượng nước không bảo đảm, quay trở lại dùng giếng khoan.
Ngoài thôn Ninh Duy 2, nhiều thôn khác trên địa bàn các xã Khởi Nghĩa, Tiên Thanh, Quyết Tiến (cùng huyện Tiên Lãng), địa bàn cung cấp nước của Công ty nước Hưng Đạo, cũng dừng dùng nước máy đơn vị này.
Ông Nguyễn Ngọc Hoán, Trưởng thôn An Tử 2, xã Khởi Nghĩa, cho biết, đầu tháng 5/2024, gia đình ông quyết định dừng dùng nước máy của Công ty nước Hưng Đạo do nước không bảo đảm chất lượng và quay trở lại dùng giếng khoan cũ.
Nhiều hộ trong thôn An Tử 2 trước đây chưa có giếng khoan, vừa qua thuê thợ khoan giếng với chi phí gần 5 triệu đồng/giếng, để có nước sinh hoạt trong khi chờ nguồn nước máy mới bảo đảm chất lượng.
Điều đáng nói là tháng 8/2023, UBND huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, đã ra Quyết định số 2695/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với Công ty nước Hưng Đạo số tiền 15 triệu đồng.
Lý do Công ty bị xử phạt là vi phạm quy định về việc cung cấp nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt theo quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 15 Nghị định số 117/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Tuy nhiên, đến nay người dân 3 xã Quyết Tiến, Khởi Nghĩa, Tiên Thanh vẫn có kiến nghị, phản ánh về chất lượng nước của Công ty nước Hưng Đạo không bảo đảm. Nhiều hộ quay lại dùng nước giếng khoan để sinh hoạt, mua nước đóng bình, dùng nước mưa để nấu ăn, uống.
“Cả làng toét mắt”
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Vũ Hồng Nam - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, thông tin, thời gian qua người dân nhiều địa phương trên địa bàn huyện liên tục phản ánh chất lượng nước của các nhà máy nước sạch không bảo đảm.
UBND huyện Tiên Lãng đã thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng các nhà máy nước sạch nông thôn trên địa bàn cũng như phối hợp đánh giá chất lượng nước. Qua đó, có hướng xử lý sớm giải quyết vấn đề nước sạch ở địa phương.
Tại Văn bản số 320/BC-UBND của UBND huyện Tiên Lãng nêu rõ, trên địa bàn huyện hiện có 20 nhà máy nước tập trung. Trong đó, 2 nhà máy do doanh nghiệp đầu tư 100% vốn là Nhà máy nước Đại Thắng 2 và Nhà máy nước Tiên Cường đang hoạt động tốt.
Trong số 18 nhà máy nước còn lại theo chương trình nước sạch nông thôn của Tp.Hải Phòng, có 13 nhà máy chất lượng nước không ổn định, thường xuyên không bảo đảm chất lượng theo quy chuẩn, 5 nhà máy dừng hoạt động và 3 nhà máy được lắp đặt bổ sung trạm tăng áp để thay thế việc cấp nước.
Văn bản số 320/BC-UBND cũng nêu rõ: “Chất lượng nước của các nhà máy nước mini trên địa bàn huyện vẫn chưa được cải thiện. Vẫn còn tình trạng nước có vị mặn, mùi hôi, vẩn đục (ngả màu vàng, xanh nhạt và màu đen), lượng clo không bảo đảm, áp lực nước thấp”.
Theo ông Nam, có 2 nguyên nhân chủ yếu dẫn tới chất lượng nước của nhiều nhà máy nước trên địa bàn chưa bảo đảm chất lượng. Trong đó, cơ sở hạ tầng của nhiều nhà máy xuống cấp, công nghệ xử lý lạc hậu.
Ngoài ra, bắt nguồn từ chất lượng nước thô đầu vào của các nhà máy nước. Thời điểm cuối năm và đầu năm, lượng mưa ít, xâm nhập mặn khiến nước tại các kênh thủy lợi - nguồn cung cấp nước thô chính cho nhiều nhà máy, bị nhiễm mặn. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm tại một số khu vực kênh thủy lợi cũng khiến chất lượng nguồn nước thô bị ảnh hưởng.
Để giải quyết vấn đề chất lượng nước thô, UBND huyện Tiên Lãng đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Tiên Lãng thực hiện việc dọn vệ sinh tuyến kênh trục 212, thay đảo nước thường xuyên khi có điều kiện về nguồn nước để phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và sản xuất nước sạch sinh hoạt. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế.
“Vấn đề cơ sở hạ tầng của nhiều nhà máy nước xuống cấp, công nghệ xử lý lạc hậu đến nay vẫn chưa được khắc phục do vướng các quy định cũng như năng lực của các đơn vị”, ông Vũ Hồng Nam - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, thừa nhận.
Vì thế, nhiều năm qua, vấn đề nước sạch sinh hoạt của người dân nhiều nơi trên địa bàn huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, vẫn chưa được giải quyết triệt để dẫn tới người dân liên tục kiến nghị, phản ánh, nhất vào thời điểm cuối năm và đầu năm khi nguồn nước thô không bảo đảm do xâm nhập mặn.
Giải pháp nào cho vấn đề nước sạch sinh hoạt ở địa phương?
Theo ông Phạm Xuân Hòa - Chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, trên cơ sở báo cáo của địa phương và qua kiểm tra thực tế, lắng nghe nguyện vọng của bà con, ngày 4/5/2024, Văn phòng UBND Thành phố ra Văn bản số 171 thông báo kết luận của Chủ tịch UBND Tp.Hải Phòng.
Theo đó, Chủ tịch UBND Tp.Hải Phòng giao UBND huyện Tiên Lãng chỉ đạo UBND các xã, các cơ quan chức năng của huyện tuyên truyền, vận động chủ 8 nhà máy nước mini được đánh giá có chất lượng nước cấp kém nhất trên địa bàn 8 xã chuyển nhượng vùng cấp nước cho đơn vị cấp nước có đủ năng lực, chất lượng nước cấp bảo đảm theo quy định, hoàn thành trong tháng 6/2024.
Đó là 8 xã: Quyết Tiến, Khởi Nghĩa, Tiên Thanh, Vinh Quang, Bạch Đằng, Cấp Tiến, Đoàn Lập, Kiến Thiết.
Đối với 10 nhà máy nước không bảo đảm chất lượng còn lại, vận động chủ các nhà máy đồng thuận việc chuyển nhượng vùng cấp nước cho đơn vị cấp nước có đủ năng lực, chất lượng nước cấp bảo đảm theo quy định cho người dân, hoàn thành trong tháng 8/2024.
Chủ tịch UBND Tp.Hải Phòng cũng yêu cầu sau khi chủ nhà máy nước mini đồng thuận với chủ trương của Thành phố, UBND huyện Tiên Lãng phối hợp đơn vị cấp nước mới xác định lộ trình dừng nhà máy nước mini, vận động Nhân dân hỗ trợ kinh phí cho các chủ nhà máy nước.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phạm Xuân Hòa - Chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Lãng, cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố, địa phương đã làm việc với Công ty CP cấp nước Hải Phòng thống nhất lộ trình đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến ống D400 cấp nguồn khu vực phía Tây của huyện.
Cùng với vận động các nhà máy nước chuyển đổi vùng cấp nước, UBND huyện Tiên Lãng đã thành lập 3 tổ công tác kiểm kê hiện trạng, giá trị tài sản hạ tầng của các đơn vị cấp nước báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính Thành phố làm căn cứ thực hiện việc chuyển nhượng kinh doanh vùng cấp nước.
“Phương án tìm nguồn nước sạch bảo đảm chất lượng, ổn định thay thế đã có. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất hiện nay là việc thanh toán chi phí doanh nghiệp đã bỏ ra để đầu tư các nhà máy nước.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố tại Văn bản số 171, địa phương sẽ tính toán, vận động Nhân dân hỗ trợ kinh phí như thế nào cho các chủ nhà máy nước. Địa phương mong muốn bà con ủng hộ chủ trương này để sớm có nguồn nước sinh hoạt bảo đảm chất lượng, ổn định”, ông Phạm Xuân Hòa chia sẻ.