Hải Phòng: UBND huyện Thủy Nguyên đem đất của người này 'cấp sổ đỏ' cho người khác!
Mặc dù đang sử dụng hợp pháp thửa đất số 289, tờ bản đồ số 12 (bản đồ địa chính 1995) nhưng thửa đất này của gia đình ông Nguyễn Văn An bỗng dưng bị UBND xã Gia Đức, UBND huyện Thủy Nguyên đem chia thành 3 phần để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2 hộ gia đình liền kề.
Thửa đất của hộ gia đình ông An (vợ là Bùi Thị Thủy) bị cắt làm 3 phần. Sau đó, 2 phần được cấp vào sổ đỏ cho hộ ông Hương, bà Phiến mặc dù hiện trạng sử dụng đất được phân định có mốc giới rõ ràng.
Theo đơn thư của gia đình ông Nguyễn Văn An (Thôn 1 (thôn Bạch Đằng), xã Gia Đức, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) gửi đến Báo Nhà báo và Công luận phản ánh, gia đình ông là chủ sử dụng của thửa đất số 289, tờ bản đồ số 12 (bản đồ địa chính 1995) có diện tích 1.249,5m2.
Về nguồn gốc đất, vào năm 1995, ông Nguyễn Văn Đứng (bố ông An) có mua lại diện tích đất của hộ ông Bùi Văn Thuyên (vợ là Đỗ Thị Nghiệp – thôn Bạch Đằng, xã Gia Đức).
Phần diện tích của gia đình ông An đã bị cắt vào sổ đỏ của gia đình ông Hương, bà Phiến.
Việc mua bán này có “Văn tự bán nhà” được ký kết vào ngày 23/12/1995, ông Đứng phải trả cho ông Thuyên 4 triệu đồng. Cũng vào ngày 23/12/1995, hộ ông Thuyên tiếp tục làm “Văn tự bán đất ao” (diện tích 504m2) cho ông Đứng. Văn tự có xác nhận của cán bộ thôn, Chủ tịch UBND xã Gia Đức.
Về diện tích đất ao của hộ ông Thuyên bán cho ông Đứng, đây vốn là diện tích thuộc con lạch Gia Bàng được ông Thuyên ngăn lại thành ao và sử dụng. Theo sổ sách kế toán xã Gia Đức của ông Bùi Văn Chiều (thời điểm làm Phó Ban tài chính kiêm Kế toán ngân sách xã) ghi lại: Ngày 16/11/1990, hộ ông Thuyên đã nộp số tiền 150.000 đồng với nội dung: “Anh Thuyên xử lý đất ao” – tức hợp thức hóa diện tích đất ao để sử dụng.
Hồ sơ gồm: Biên bản xác định ranh giới, mốc giới đất, Biên bản thẩm tra hiện trạng sử dụng đất của hộ ông Hương được lấy từ năm 1995 để làm thủ tục cấp sổ năm 2001.
Đến ngày 26/12/1995, ông Đứng đã làm “Giấy giao nhận” toàn bộ phần đất mua của ông Thuyên cho con trai là ông An quản lý, sử dụng. Giấy giao nhận có xác nhận của trưởng thôn, Chủ tịch UBND xã Gia Đức.
Vào khoảng năm 1998 đến 2000, hộ ông An cùng hộ ông Trần Văn Hương, bà Đỗ Thị Phiến đã cùng nhau thống nhất mốc giới, xác định không có tranh chấp, xây tường bao bằng gạch kiên cố (hộ ông Hương tự xây tường bao) nhằm xác định phần đất của 3 hộ gia đình đang sử dụng.
Năm 2001, khi hộ ông Hương được UBND huyện Thủy Nguyên cấp sổ đỏ với diện tích 1085m2. Lúc này, UBND xã Gia Đức, cơ quan chức năng huyện Thủy Nguyên đã “cắt” 91,5m2 đất của hộ ông An để vào sổ đỏ cho hộ ông Hương.
Trích đo Bình đồ hiện trạng thửa đất của hộ ông Hương cũng được lấy từ năm 1995 để cấp sổ đỏ. Trong khi đó, cán bộ xã Gia Đức, huyện Thủy Nguyên không hề đi thực tế để thẩm tra, đo đạc.
Hồ sơ cấp sổ đỏ cho hộ ông Hương đã bộc lộ hàng loạt điều “vô lý”, các cán bộ xã Gia Đức, huyện Thủy Nguyên không đi thực tế thẩm tra hiện trạng sử dụng đất. Cụ thể, tại Đơn đăng ký cấp GCNQSD đất không hề có ghi “ngày, tháng, năm”.
UBND xã Gia Đức, phòng địa chính của huyện Thủy Nguyên còn lấy toàn bộ hồ sơ gồm: “Biên bản thẩm tra hiện trạng sử dụng đất, Biên bản xác định ranh giới – mốc giới đất, Trích đo bình đồ hiện trạng thửa đất” được lập vào ngày 8/5/1995 để làm hồ sơ cấp sổ đỏ cho hộ ông Hương vào năm 2001.
Đặc biệt, chữ ký của ông Bùi Văn Thuyên, Tạ Văn Đông tại Biên bản xác định ranh giới – mốc giới đất được lập vào ngày 8/5/1995 có dấu hiệu giả mạo khi hai ông này không thừa nhận chữ ký trong biên bản.
Có thể thấy, vào năm 2001, thửa đất mà hộ ông Thuyên sử dụng (trước tháng 12/1995) đã thuộc quyền sở hữu hợp pháp của hộ ông An nhưng UBND xã Gia Đức, UBND huyện Thủy Nguyên lại “nhắm mắt” bỏ qua?
Sổ đỏ của hộ bà Phiến xác định sai nghiêm trọng về vị trí thửa đất.
Việc cấp sổ đỏ cho hộ gia đình bà Đỗ Thị Phiến năm 2005 cũng bộc lộ hàng loạt vi phạm. Cụ thể, tại Đơn đăng ký cấp GCNQSD đất – hộ bà Phiến khai nguồn gốc: “Đất sử dụng theo quy hoạch vùng kinh tế mới”. Tuy nhiên, qua hồ sơ phóng viên nắm được, nguồn gốc thửa đất của hộ bà Phiến là mua lại từ hộ ông Tạ Văn Nét, chị Tạ Thị Dung (con gái ông Nét).
Sau khi tiến hành mua bán, UBND xã Gia Đức đã tiến hành xử phạt hành chính đối với ông Cảnh (chồng bà Phiến) với số tiền 1.060.000 đồng để hợp thức hóa thửa đất cho hộ gia đình này. Việc xử phạt này với lý do vào thời điểm ngày 15/5/1992, pháp luật nghiêm cấm chuyển nhượng đất đai dưới mọi hình thức. Việc nộp phạt này được ghi tại sổ nhật ký và vào sổ cái (theo dõi thu chi xã Gia Đức) ngày 15/5/1992.
Hồ sơ thể hiện việc ông Thuyên nộp tiền cho UBND xã Gia Đức để hợp lý hóa việc sử dụng diện tích ao.
Trong khi đó, tại Biên bản xác định ranh giới – mốc giới đất, cán bộ UBND xã Gia Đức cũng “ngồi bàn giấy” để xác định ranh giới giữa hộ ông An và bà Phiến. Cụ thể, tại phần đất giáp ranh của hộ bà Phiến với hộ ông An mặc dù đã được hình thành từ năm 1998 đến năm 2000 khi hai bên xây tường rào kiên cố để xác định mốc giới nhưng UBND xã Gia Đức (năm 2005) lại cho rằng phần đất của hộ bà Phiến “giáp rãnh thoát nước 1m” để tránh việc ký giáp ranh đối với hộ ông An.
Việc xác định sai hiện trạng sử dụng đất đã dẫn đến diện tích 356m2 đất của hộ ông An đã bị cắt để vào sổ đỏ cho hộ bà Phiến.
“Trớ trêu” hơn, cuốn sổ đỏ UBND huyện Thủy Nguyên cấp cho hộ bà Phiến có lại cấp nhầm từ thửa đất số 290 (hiện mang tên hộ bà Phiến trên sổ mục kê) sang thửa đất số 190, tờ bản đồ số 12 (là thửa đất của hộ gia đình khác). UBND huyện Thủy Nguyên còn cấp xác định luôn diện tích 785m2 trong sổ đỏ của hộ bà Phiến là đất ở.
Nguồn gốc đất của hộ bà Phiến (chồng là ông Cảnh) mua lại từ hộ cụ Tạ Văn Nét. Sau đó, bị UBND xã Gia Đức đã xử phạt hành chính.
Để làm rõ hơn sự việc trên, phóng viên đã có buổi làm việc với UBND xã Gia Đức. Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND xã Gia Đức Lã Văn Long cho biết, việc cấp sổ đỏ cho các hộ gia đình thời điểm đó ông không nắm được. UBND xã sẽ mời các hộ gia đình lên hòa giải, nếu các hộ gia đình không đồng ý sẽ làm văn bản báo cáo cấp trên để có hướng giải quyết.
Ông Vũ Ngọc Đông – cán bộ địa chính xã Gia Đức khẳng định rằng, việc cấp sổ đỏ cho gia đình ông Trần Văn Hương (2001) và bà Đỗ Thị Phiến (2005) khi các cán bộ thời điểm đó không đi thực địa xác minh hiện trạng sử dụng đất của các hộ gia đình là sai nghiêm trọng dẫn đến việc hộ ông An bị mất đất.
Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.
Luật sư Nguyễn Hoài Nam – Văn phòng Luật sư Hoàng Huy, đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: Việc cấp GCNQSD đất cho hộ ông Hương năm 2001 nhưng sử dụng kết quả đo đạc năm 1995 và việc cấp GCNQSD đất cho hộ bà Phiến không đúng hiện trạng sử dụng đất là trái với quy định tại Mục I, phần 2 Thông tư số 346/1998/TT-TTĐC ngày 16/3/1998 của Tổng cục địa chính hướng dẫn thủ tục đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cụ thể: Trước khi bước vào triển khai phải tiến hành đánh giá các tài liệu hiện có ở địa phương có liên quan tới đất đai, gồm có: Các loại bản đồ giải thửa, bản đồ địa chính cũ, bản đồ địa chính mới thành lập (nếu có); Tổ chức thực hiện các công việc cần thiết để hiện cải tài liệu, bản đồ, sổ sách cho phù hợp với hiện trạng sử dụng đất tại thời điểm đăng ký.
Hội đồng đăng ký đất đai xét đơn kê khai của từng chủ sử dụng đất đến từng thửa đất để xác nhận về các mặt: Xác định cơ sở pháp lý về quyền sử dụng trên từng thửa đất đã đăng ký; Đánh giá hiện trạng sử dụng đất về các mặt: diện tích, mục đích sử dụng, thời điểm sử dụng, thời hạn sử dụng, v.v... theo các nội dung đã kê khai;
Như vậy, quá trình kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, xét đơn kê khai xin cấp GCNQSD đất của hộ ông Hương, hộ bà Phiến đã vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật, không đúng với hiện trạng sử dụng đất.