Hải Phòng vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm vào năm 2035

TP Hải Phòng sẽ dành ra 12 năm để chuẩn bị, xây dựng, hoàn thiện hồ sơ cũng như vận động để UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

UBND TP Hải Phòng vừa chính thức ra mắt Ban vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ban vận động do ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP là Trưởng ban; bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP là Phó trưởng ban Thường trực.

Ban vận động được thành lập với nhiệm vụ tham mưu thành phố xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Trong quá trình xây dựng hồ sơ, Ban vận động sẽ huy động các nguồn lực, tập trung nghiên cứu, thu thập thông tin, tài liệu về thân thế, sự nghiệp, vai trò và những đóng góp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày nay trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn của thành phố Hải Phòng, thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là các em học sinh. Ảnh: NGỌC SƠN

Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày nay trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn của thành phố Hải Phòng, thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là các em học sinh. Ảnh: NGỌC SƠN

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện các hoạt động quảng bá, giới thiệu về danh nhân tới nhân dân cả nước và thế giới.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491 tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Năm 45 tuổi ông mới dự thi, đỗ Trạng Nguyên, làm quan dưới thời nhà Mạc.

Làm quan được 8 năm, triều Mạc bất ổn, ông dâng sớ vạch tội 18 lộng thần nhưng không được vua chấp thuận. Mùa thu năm Nhâm Dần (1542), ông từ quan về quê dựng Am Bạch Vân mở trường dạy học.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại cho đời sau rất nhiều tác phẩm thơ ca đặc sắc. Đặc biệt, ông được biết tới với những lời tiên tri ứng nghiệm còn được gọi “sấm Trạng”.

Trong đó, những lời tiên tri như “Hoành sơn nhất đái khả dĩ dung thân” (nói về việc chúa Nguyễn Hoàng phải vượt qua dãy Hoành Sơn để mở đất); “Nam Đàn sinh thánh” (nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh) hay nhiều câu sấm truyền khác đã ứng nghiệm một cách đáng kinh ngạc...

Các em học sinh đang nghe thuyết minh về khu di tích. Ảnh: NGỌC SƠN

Các em học sinh đang nghe thuyết minh về khu di tích. Ảnh: NGỌC SƠN

Ghi nhận những đóng góp của vị danh nhân văn hóa này, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận xếp hạng Khu di tích Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2019, lễ hội Đền thờ Trạng Trình là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Văn Hận, hậu duệ đời thứ 16 của Trạng Trình ở thôn Trung Am, xã Lý Học, cho biết rất mừng khi thành phố Hải Phòng đã chính thức thành lập ban vận động để UNESCO vinh danh ông tổ của dòng họ. Đây là sự ghi nhận những công lao, đóng góp của Trạng Trình đối với quê hương, đất nước.

“Thời gian tới, dòng tộc chúng tôi sẽ tìm kiếm, sưu tầm những hiện vật, tư liệu liên quan đến thân thế, sự nghiệp Trạng Trình để hỗ trợ Ban vận động hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, đề nghị UNESCO vinh danh” – ông Hận cho biết.

NGỌC SƠN

Nguồn PLO: https://plo.vn/hai-phong-van-dong-unesco-vinh-danh-trang-trinh-nguyen-binh-khiem-vao-nam-2035-post747062.html