Hai phương án rút BHXH một lần: 'Thà đau một lần rồi thôi'
Nên lựa chọn phương án 1 để người lao động an tâm, tránh biến động, chấp nhận đau một lần rồi thôi, chấm dứt tình trạng hưởng BHXH trong tương lai
Tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật BHXH sửa đổi do Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức chiều 16-10, vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm góp ý là 2 phương án đề xuất rút BHXH một lần. Phần đông ý kiến đại biểu tán thành thực hiện theo phương án 1 bởi đây là phương án nhận được sự đồng thuận của người lao động.
Cụ thể, theo phương án này, việc hưởng BHXH một lần sẽ áp dụng với hai nhóm người lao động khác nhau. Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi luật sửa đổi có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm, có nhu cầu thì được nhận một lần. Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia từ khi luật sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến 1-7-2025) không được nhận một lần (chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần cho các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng BHXH, ra nước ngoài định cư, bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng).
Theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, LĐLĐ TP HCM, dù mới chỉ là dự thảo nhưng thời gian qua đã có rất nhiều người lao động ồ ạt xin nghỉ việc để nhận BHXH một lần để chạy luật. Bên cạnh người lao động tự nghỉ, còn có thêm những lao động bị cắt giảm do doanh nghiệp thiếu đơn hàng hiện chọn làm thời vụ, nhận trợ cấp thất nghiệp để chờ rút BHXH một lần. Nếu thực hiện phương án 2 dự báo năm sau số người nộp hồ sơ rút BHXH một lần sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. "Dù không ủng hộ việc người lao động rút BHXH một lần nhưng tôi cho rằng nên lựa chọn phương án 1 để người lao động an tâm, tránh biến động, chấp nhận đau một lần rồi thôi, chấm dứt tình trạng hưởng BHXH trong tương lai. Nếu phương án 2, có khả năng gây bất ổn" - ông Triều nói.
Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) cũng cho rằng phương án 1 phù hợp tâm tư nguyện vọng và đảm bảo quyền lợi người lao động khi tham gia BHXH. Ông Nghiệp cho biết qua thăm dò ý kiến tại công ty, tập thể công nhân đều không tán đồng phương án 2 bởi nó hạn chế quyền lợi của người lao động và không ai muốn nhận BHXH một lần 50% thời gian đóng. Ông Nghiệp cho rằng để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần cải thiện chế độ hưu trí để người lao động thấy được lợi ích của chính sách. Cụ thể, mức lương hưu phải đảm bảo mức sống tối thiểu; có chính sách hỗ trợ vốn vay cho người nghỉ hưu nhưng còn khả năng lao động nhằm tự tạo việc làm, cải thiện thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Minh Hòa, Giám đốc BHXH TP Thủ Đức, TP HCM, cho rằng chính sách rút BHXH đã tồn tại nhiều năm qua. Không ít người xem đây như khoản tiết kiệm để rút ra khi cần. Do vậy, nếu lựa chọn phương án 1 sẽ nhận được sự đồng thuận của người lao động. Đồng thời, phương án 1 có thể xem như là cách "chốt đơn" việc hưởng BHXH đối với những người tham gia BHXH trước thời điểm Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, bắt đầu xây dựng lực lượng lao động tham gia mới, hướng đến hưởng lương hưu nhằm đảm bảo an sinh lâu dài.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng quan điểm của ban soạn thảo cũng như các đại biểu là mong muốn độ bao phủ BHXH trong toàn dân và người dân có chế độ hưu trí nhằm ổn định cuộc sống khi về già. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương án rút BHXH một lần nào cần cân nhắc bối cảnh thực tiễn, có đánh giá tác động của cơ quan chức năng đối với từng phương án để có lựa chọn phù hợp. Ví dụ nếu chọn phương án 1 quỹ BHXH phải chọn bao nhiêu tiền để chi trả, quỹ đảm bảo cân đối không? Khi chọn phương án này thì người lao động sẽ ở lại hệ thống hay rút ra…Bên cạnh đó, cần quan tâm thiết kế chính sách BHXH phù hợp để đảm bảo quyền lợi và tạo sự an tâm cho người tham gia BHXH.
Ngoài vấn đề trên, tại hội thảo các đại biểu cũng đóng nhiều ý kiến liên quan đến quy định về xử lý doanh nghiệp nợ BHXH, trợ cấp hưu trí, căn cứ đóng BHXH, BHXH tự nguyện, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc…