Hải quân Mỹ có 'hạ gục' nổi Iran?
Năng lực của Mỹ phóng chiếu sức mạnh vào Vịnh Ba Tư thông qua các nhóm tác chiến tàu sân bay không còn như trước và cũng không được như đánh giá hiện nay.
Dù lý do nào ẩn sau phản ứng của chính quyền Trump đối với vụ tấn công tàn phá các cơ sở dầu Ảrập Xêút, thì sự thật kể trên cũng rất rõ ràng, theo tạp chí Foreign Policy.
Trước đây, một phiên bản hiện đại của ngoại giao pháo hạm - triển khai các tàu sân bay hoặc tàu tuần dương trang bị tên lửa dẫn đường đến khu vực để thị uy - có thể có những ảnh hưởng quyết định đến các diễn biến.
Chẳng hạn, năm 1981, tàu sân bay Mỹ đã vô hiệu hóa cú tấn công chiếm lãnh thổ của Muammar al-Qaddafi ở Vịnh Sidra bằng cách bắn hạ hai chiến cơ của Libya. Đỗ một tàu sân bay ngoài khơi Lebanon năm sau đó cũng thúc ép được một thỏa thuận ngừng bắn lên các phe nhóm của Lebanon và Israel đủ lâu.
Nhưng ngày nay, những đợt triển khai như vậy không còn khiến một đối thủ tiềm tàng có phản ứng tương tự nữa, theo Foreign Policy.
Một phần, sự thay đổi cho thấy lợi thế công nghiệp to lớn mà Hải quân Mỹ được hưởng trong nhiều thập niên qua so với bất kỳ đối thủ thực tế nào đang dần khép lại. Các lớp tàu ngầm tĩnh chạy diesel mới cùng những phát triển mạnh mẽ trong công nghệ mìn và ngư lôi đã khiến cho các hoạt động gần bờ ngày nay nguy hiểm hơn rất nhiều.
Vì vậy, các tàu sân bay của Mỹ không còn ở thế bất khả xâm phạm khi tiến vào vùng biển trong tầm bắn của đối phương. Nguy hiểm hơn nữa là việc triển khai các hệ thống ngăn chặn khu vực, chẳng hạn tên lửa chống hạm DF-21 (được gọi là sát thủ tàu sân bay).
Iran tuy chưa sở hữu vũ khí nào tinh vi như DF-21 nhưng có trong tay tên lửa chống tàu Noor tự chế rất uy lực. Năm 2016, tàu khu trục USS Mason từng bị một số tên lửa Noor nhắm tới, dường như là do phiến quân Houthi (đồng minh của Iran) ở Yemen tấn công. Hồi mùa hè vừa qua, sự phối hợp của các tên lửa này và hạm đội tàu tuần tra nhanh – rẻ của Iran đã giữ chân USS Lincoln ở ngoài Vịnh Ba Tư khi căng thẳng hai bên tăng cao.
Theo Foreign Policy, đây là thời điểm quan trọng đối với các chiến lược gia quân sự. Kể cả trước một cường quốc hạng 2 như Iran thì các lựa chọn của Washington cũng rất hạn chế.
Do vậy, khi chính quyền Trump cân nhắc phải làm gì với Tehran thì các lựa chọn của ông khá hạn chế, có thể chỉ giới hạn ở các tàu chiến đấu trên mặt biển và các tàu ngầm có thể phóng tên lửa hành trình tầm xa, các chiến cơ đóng ở những quốc gia Trung Đông nhạy cảm về chính trị, hoặc các máy bay ném bom chiến lược như B-52 và B-2 từ nửa vòng trái đất.
Trong khi đó, sức mạnh trên không của Hải quân Mỹ - mà kể từ Thế chiến 2 vẫn là vũ khí chủ chốt trong những kịch bản như vậy – thì giờ đây có vẻ không liên quan.
Từ lâu, nhiều chuyên gia nhìn xa trông rộng của Hải quân Mỹ đã cảnh báo ngày này sẽ đến. Hồi những năm 1920 và 1930, các phi công từng tiên đoán chiến hạm rồi sẽ không còn là vũ khí quan trọng nhất của Hải quân Mỹ nữa.
Ngày nay, nhiều người chỉ ra rằng một số khí tài đắt tiền và được yêu thích nhất của Hải quân Mỹ đã trở nên lỗi thời. Cảnh báo này nghe có vẻ không thuyết phục nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng cất lên tiếng nói
Hiện tại, USS Lincoln và phi đội trên không gồm 90 máy bay vẫn ở cách xa biển Oman 320km kể từ tháng 5, và các chiến cơ F/A-18 có tầm bay chỉ khoảng 800km. Điều này có nghĩa chiến cơ này không thể đến được bờ biển phía đông Iran rồi quay về, và còn cách hàng trăm kilômét xa các căn cứ hải quân Iran ở Vùng Vịnh vốn vẫn thường được nhắc đến như những mục tiêu tiềm tàng.